04/02/2009 - 21:42

Giá cá tra ở ĐBSCL tăng trở lại

Doanh nghiệp lại lo nguồn nguyên liệu

Ngày 3-2-2009, giá cá tra nguyên liệu loại 1 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ở mức 15.700 - 16.000 đồng/kg. Theo dự báo của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, do nguồn cung khan hiếm, cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL sẽ còn tăng giá trong thời gian tới.

GIÁ CÁ TĂNG, NGƯỜI NUÔI “GĂM HÀNG”

Quý IV- 2008, anh Cần, một người nuôi cá ở TP Cần Thơ, phải bán cá tra nguyên liệu dưới giá thành nhưng chỉ tiêu thụ được 700 tấn. Khoảng 300 tấn cá tra còn lại do không có người mua nên anh phải tiếp tục nuôi đến nay. Để “cầm cự” và hạn chế cá vượt kích cỡ chế biến, anh Cần đã giảm 50% khẩu phần ăn/ngày của lượng cá nuôi đến kỳ thu hoạch này. Đầu tháng 2-2009, anh Cần rất vui khi được tin các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu mua số lượng cá còn tồn với giá 16.000 đồng/kg, tăng khoảng 1.500 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2008. Anh Cần nói: “Với giá bán cá 16.000 đồng/kg, người nuôi cá đã có lời, nhưng tôi vẫn tiếp tục neo cá để vỗ béo và chờ giá tăng thêm”.

 Cá tra nguyên liệu tăng giá, người nuôi cá tra ở ĐBSCL không còn đủ nguồn cung cho nhà máy chế biến.
ẢNH: T. LONG

Theo ghi nhận của Sở Công Thương tỉnh An Giang, sau một thời gian dài giảm giá, giá cá tra nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại vào trung tuần tháng 1-2009. Cụ thể, cá tra thịt trắng vào ngày 15-1 giá 14.300 - 14.500 đồng/kg (loại 0,8-1kg/con), 13.200 - 13.500 đồng/kg (loại 1-1,2kg/con); cá tra thịt hồng, thịt vàng từ 13.000 - 13.800 đồng/kg. Các mức giá này tăng từ 100- 500 đồng/kg so với đầu tháng 1-2009. Đến ngày 22-1, cá tra nguyên liệu các loại đã ở mức 13.000 - 15.000 đồng/kg, tăng khoảng 300-700 đồng/kg so với tuần trước đó. Theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL, cá tra nguyên liệu đang tăng giá nhưng hiện tại nguồn cung cá trong dân không còn nhiều. Trước tình trạng này, đã có hiện tượng “găm hàng” tiếp tục chờ tăng giá. Đặc biệt, dù đã đề nghị nâng mức giá lên 16.500 đồng/kg đối với cá thịt trắng (loại 0,9-1kg/con) nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không đạt được thỏa thuận mua bán với người nuôi cá.

Theo ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Kinh doanh, Công ty Xuất nhập Khẩu thủy sản Thiên Mã, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do có đến hơn 90% người nuôi cá tra bị thua lỗ trong năm 2008, trong đó, nhiều người không có khả năng tiếp tục đầu tư nuôi trong năm 2009. Còn ông Dương Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, cho rằng: “Ở các thị trường xuất khẩu truyền thống, cá tra của Việt Nam vẫn được ưa chuộng. Thêm vào đó, theo thông tin từ Bộ Công Thương, tiêu dùng mặt hàng cá tra trên thế giới trong những tháng đầu năm có dấu hiệu tăng bởi người tiêu dùng chọn cá tra là sản phẩm ưu tiên hàng đầu để thay thế sản phẩm cá ngừ, cá hồi”. Còn ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ thì cho biết: Xuất khẩu thủy sản nói chung và con cá tra nói riêng từ đầu năm 2009 đến nay có triển vọng rất tốt so với năm 2008. Từ tháng 1-2009 đến nay, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp rất ổn định. Đây cũng chính là những lý do sẽ khiến giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng trong thời gian tới.

SAO KHÔNG ĐẶT HÀNG NGƯỜI NUÔI?

Vấn đề hiện nay nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu con cá tra phải đối mặt là chưa có sự cân đối cung cầu về nguyên liệu, chưa quy hoạch và chưa có sự quản lý của các cơ quan chức năng cùng với sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người nuôi. Tình trạng khan hiếm nguồn cung cá tra nguyên liệu đã được dự báo cho năm 2009. Đặc biệt, từ ngày 20-12-2008, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm Nga đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam. Ba nguyên nhân chính dẫn đến quyết định này từ phía Nga là: sản phẩm cá tra của Việt Nam xuất sang Nga bị nhiễm vi sinh, tạp chất và lớp mạ băng dày hơn yêu cầu. Điều này là một thiệt thòi lớn cho ngành thủy sản. Bởi thị trường Nga luôn là thị trường khá “dễ tính” và là một trong những thị trường dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.

Những lý do trên, cộng với dự báo cuộc khủng hoảng tài chính sẽ còn ảnh hưởng xấu đến nhiều nước trên thế giới, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm nay sẽ chỉ còn 1 tỉ USD, giảm hơn 0,45 tỉ USD so với năm 2008. Trước thực tế này, ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Kinh doanh- Công ty Xuất nhập Khẩu thủy sản Thiên Mã, mong muốn các ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu được vay vốn nuôi cá tra để chủ động nguồn nguyên liệu cho năm 2009, nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu và ổn định việc làm cho công nhân. Còn ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, TP Cần Thơ, bày tỏ: “Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cần giữ vững hoặc nâng cao giá xuất khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam. Có như vậy mới mong nâng được giá nguyên liệu trong nước, người nuôi mới mạnh dạn đầu tư, doanh nghiệp đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và đảm bảo phát triển nghề nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL.

Ông Dương Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, phân tích: Từ chỗ phải tiếp thị đầu ra, hiện nay, sản phẩm cá tra xuất khẩu của Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng và đặt hàng. Tuy nhiên, người nuôi cá tra ở ĐBSCL lại không được các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đặt hàng để sản xuất ra nguyên liệu phù hợp với từng hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký kết. Do đó, chuyện doanh nghiệp đặt hàng với người nuôi cá để đa dạng hóa sản phẩm cá tra xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là việc cần làm ngay để bảo tồn và phát huy lợi thế của nghề nuôi trồng, chế biến thủy sản của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, như ông Lộc nói: “Con cá tra ở ĐBSCL hay Việt Nam có phát triển được hay không, tôi không ngại tình hình biến động của thế giới. Vấn đề cốt lõi ở đây là Nhà nước quan tâm đến đối tượng này như thế nào. Sự quan tâm này được thể hiện qua việc tạo nguồn cung con giống chất lượng cao; kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, gian lận thương mại... Đặc biệt, Nhà nước phải thể hiện rõ vai trò trung tâm trong mối liên kết giữa nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm cá tra Việt Nam trên thế giới”.

NHẬT CHÁNH - HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết