15/03/2014 - 21:37

Doanh nghiệp củng cố nội lực, đón thời cơ

Thời gian gần đây, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã tung ra các gói vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, mua sắm… Nhiều doanh nghiệp (DN) cũng đang chờ thị trường khởi sắc mạnh mẽ hơn để DN tiếp tục củng cố hoạt động, tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

DN vẫn chờ tín hiệu thị trường

Báo cáo của Sở Công Thương TP Cần Thơ, trong 2 tháng đầu năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt khoảng 10.625 tỉ đồng, tăng 4,16% so cùng kỳ và đạt gần 10,9% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 12,3% so cùng kỳ (chỉ đạt 144,2 triệu USD trong 2 tháng); một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố giảm về sản lượng xuất và giá trị so với cùng kỳ. Cụ thể, trong 2 tháng, mặt hàng gạo chỉ xuất được 53.200 tấn, giảm 48% so cùng kỳ với giá trị gần 25,8 triệu USD, giảm 46% so với cùng kỳ. Một số DN xuất khẩu gạo cho biết thị trường nhập khẩu gạo đầu năm khá trầm lắng, hợp đồng thương mại không nhiều, chủ yếu là các hợp đồng tập trung. Đối với mặt hàng thủy sản, sản lượng xuất khẩu thực hiện 20.300 tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ nhưng về giá trị thì tăng 12% (đạt 83 triệu USD) do giá tôm xuất khẩu tăng. Hàng may mặc đạt kim ngạch 9,6 triệu USD, giảm 15% so cùng kỳ…

Nhiều DN vẫn đang chờ thị trường khởi sắc hơn (Ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu).

Trong 2 tháng đầu năm, thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo xuất khẩu cả nước đạt khoảng 637.756 tấn, trị giá FOB trên 274,6 triệu USD, giá CIF hơn 314,5 triệu USD. Trong đó, gạo 25% chiếm chủ lực với 49,53% sản lượng gạo xuất khẩu, kế đến là gạo thơm các loại chiếm 22,97%, gạo 15% tấm chiếm 9,22%, gạo 5%-10% tấm chỉ khoảng 8,86% và châu Á vẫn là thị trường chủ lực của gạo Việt Nam với 86,4% lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này. Một số DN xuất khẩu gạo trên địa bàn TP Cần Thơ cho biết, lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm, chủ yếu là lượng gạo theo hợp đồng tập trung từ cuối năm 2013 và DN đã giao đợt cuối cho Philippines. Hiện nay, nhu cầu gạo của một số nước châu Phi và châu Á đã tăng trở lại nhưng gạo Việt Nam đang bị ép giá. Trong khi đó, Thái Lan có gạo tồn kho rất lớn và có thể xả hàng nên sẽ tác động xấu đến giá lúa gạo trong nước.

Đối với ngành cá tra xuất khẩu, thị trường năm 2014 có khởi sắc hơn, nhưng DN vấp phải những rào cản thương mại khắc nghiệt hơn từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ. Lẽ đó, trong thời gian chờ tín hiệu mới từ thị trường, nhiều DN cho biết phải tập trung kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, truy xuất từ gốc để giữ vững thị trường truyền thống. Theo ông Trần Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (South Vina)- DN chế biến cá tra xuất khẩu ở khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, những năm trước cũng như hiện nay, do khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường sụt giảm khiến nhiều DN trong nước gặp khó khăn, nhất là DN chế biến thủy sản bị thiếu nguyên liệu, thị trường co hẹp, xáo trộn lực lượng lao động… phải hoạt động cầm chừng hoặc phá sản. Để không vấp phải những rào cản thương mại, kỹ thuật của các nhà nhập khẩu, DN phải chủ động kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu ngay từ đầu vào và khép kín quy trình sản xuất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị ngành hàng.

Thống kê của Sở Công Thương TP Cần Thơ, trong 2 tháng đầu năm 2014, giá trị kim ngạch nhập khẩu của thành phố thực hiện khoảng 47 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2013. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho sản xuất, chế biến. Có thể thấy, đây là tín hiệu tích cực từ thị trường, DN bắt đầu gia tăng niềm tin vào thị trường. Và một số ý kiến cho rằng, khi thị trường khởi sắc hơn, DN cần thêm lực đẩy về vốn, sự tiếp sức của ngân hàng.

Cân nhắc trong vay vốn

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra các gói tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi dưới 10%/năm, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của DN cũng dễ dàng hơn. Song, nhiều DN đang cân nhắc vay vốn đầu tư thời điểm này. Theo giám đốc một DN ngành may mặc ở khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, thời gian qua DN chỉ vay vốn lưu động từ ngân hàng để chi trả lương, mua nguyên phụ liệu… chứ không vay đầu tư nhà xưởng, thiết bị. Công ty trích phần lợi nhuận hằng năm để đầu tư, vì không dám vay ngân hàng, bởi giá gia công may mặc không tăng, trong khi chi phí đầu vào đều tăng (lương, bảo hiểm xã hội, các chi phí khác…), nên DN phải cân nhắc vay vốn đầu tư.

Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, TP Cần Thơ, cho biết: "Khoảng 1 tháng nay, có vài ngân hàng gọi điện thoại liên hệ mời DN vay vốn, nhưng ngân hàng chưa đưa ra mức lãi suất cụ thể, nên DN vẫn chần chừ, không dám vay. Hoạt động của ngành cơ khí khá đặc thù, thị trường đầu ra cũng "chua" lắm. DN cần vốn hoạt động, đầu tư nhưng lãi suất phải dưới mức 9%/năm thì DN mới dám vay, nếu mức lãi suất cao hơn thì đồng lời làm ra của DN chỉ đủ đóng lãi ngân hàng". Hiện Cơ khí Sông Hậu đã ký kết được một số hợp đồng cung cấp làm sơ mi xi lanh với số lượng lớn, có thể làm hàng đến giữa năm 2014. DN đang chờ tín hiệu tích cực hơn từ các gói cho vay, bởi DN còn một số dự án đầu tư chưa triển khai. Hiện 2 xưởng cơ khí của DNTN Cơ khí Sông Hậu có khoảng 100 lao động (lao động chính thức và học việc) và đang tuyển thêm để chuẩn bị cho những hợp đồng mới. Song, theo ông Hồng, lãi suất cho vay trung và dài hạn của ngân hàng phải ở mức dưới 9%/năm thì cơ may DN mới dám vay đầu tư.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA) cho biết, DN luôn hoan nghênh ngân hàng chia sẻ khó khăn cùng DN qua việc cung cấp các nguồn vay với lãi suất thấp, phù hợp với tình hình đã qua và hiện tại kinh doanh chưa khởi sắc, thị trường còn ảm đạm trong các tháng đầu năm, chi phí sản xuất cao nhưng giá bán sản phẩm không cao. "Song, các DN đang cần nguồn vốn trung hạn để phát triển, đầu tư, thay đổi công nghệ mới cho phù hợp với sự cạnh tranh trên thị trường thì vẫn chưa thấy tín hiệu gì mới, vì lãi suất trung hạn vẫn còn cao so với khả năng sinh lời và hoàn vốn của DN, tài sản thế chấp của DN đã nằm hết trong các khoản vay cũ nên không đáp ứng điều kiện của ngân hàng"- bà Thuận nói. Vừa qua, trong Hội nghị toàn thể hội viên năm 2014, CBA đã ký kết chính thức với Ngân hàng TMCP Nam Việt một thỏa thuận dành các ưu đãi về lãi suất và thủ tục để hội viên CBA dễ tiếp cận nguồn vốn khi cần thiết. Bà Mỹ Thuận hy vọng đây cũng là một cầu nối tốt để ngân hàng và DN có thể cùng sánh bước. Năm 2014, mọi người cùng hy vọng một sự phục hồi cho công việc sản xuất kinh doanh, tuy nhiên tất cả vẫn còn ở phía trước. Với các doanh nhân, thì sự nghiệp kinh doanh vẫn luôn cần sự đổi mới, đầu tư nên khi đã ở trên thương trường thì phải "chiến đấu" và "tiến lên" nếu muốn sống còn.

Bài, ảnh: Song Nguyên

Chia sẻ bài viết