17/10/2010 - 21:06

An toàn lao động

Doanh nghiệp còn thờ ơ!

Tai nạn lao động có thể làm tổn hại sức khỏe nghiêm trọng hoặc lấy đi sinh mạng con người. Hiện nay, TP Cần Thơ đang trong thời kỳ phát triển, số lượng doanh nghiệp ngày một gia tăng. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp quan tâm đến an toàn cho người lao động thì còn rất ít, và tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn xảy ra ngày một nhiều...

NHỮNG TAI NẠN THƯƠNG TÂM

 Thật hết sức nguy hiểm khi công nhân không được trang bị dây an toàn, giá đỡ trong lúc sửa chữa máy móc trên cao. Ảnh: S.H

Nhiều người dân khu vực 4, phường An Bình, quận Ninh Kiều vẫn còn nhớ như in vụ TNLĐ xảy ra tại công trình thi công cầu Cái Sơn vào cuối năm 2009. Như thường ngày, 7 giờ ngày 27-11-2009, nhóm công nhân gồm các anh Hữu, Hoàng, Quân, Nghĩa và Dũng (tất cả là công nhân Công ty cổ phần Xây dựng công trình 675) bắt đầu ca làm việc tại công trình cầu Cái Sơn. Anh Nghĩa được anh Đỗ Xuân Cát (đội phó) giao phụ trách xe cuốc do anh Dũng lái đắp lại các bờ đất cao lên để bơm cát. Khi đó, anh Nghĩa nhìn thấy dây điện 3 pha của công trình nằm cách nền của bờ đất khoảng 1,2m, anh kêu anh Quân, Hữu đi lấy 1 thanh sắt dài khoảng 6m ở trên cầu xuống để đỡ đường dây điện lên cao. Sau đó, anh Nghĩa dựng thanh sắt xuống đất gần sát đường dây điện rồi kêu anh Dũng dùng gầu của xe cuốc ép thanh sắt xuống bờ đất được khoảng 1,5m. Sau khi ép thanh sắt xong, thấy thanh sắt bị nghiêng, anh Dũng định dùng gầu của xe cuốc sửa thanh sắt lại cho thẳng, thì thấy có tia lửa điện. Ngay lúc đó, anh Nghĩa dùng tay đẩy thanh sắt đứng thẳng lên thì bị điện giật bất tỉnh tại chỗ. Anh Quân đang đứng vịn tay vào người anh Nghĩa cũng bị điện giật văng ra. Anh Quân hoảng hốt chạy đi cúp cầu dao điện và kêu mọi người đến hô hấp nhân tạo cho anh Nghĩa, đồng thời kêu xe cấp cứu, nhưng anh Nghĩa đã chết trên đường đến bệnh viện. Làm việc với các ngành chức năng, Anh Dũng cho biết: “Khi thấy tia lửa điện phát ra, tôi lập tức quay gầu xe cuốc 180 độ để tránh, đồng thời hô to: Tránh xa đang có điện chập. Nhưng do tiếng máy xe cuốc quá to, anh Nghĩa không nghe tiếng tôi nên đã dùng tay chỉnh thanh sắt và bị điện giật. Sự việc xảy ra quá nhanh, không ai trở tay kịp”.

Cuối tháng 8-2010, tại công trình thi công Bệnh viện phụ sản Phương Châu cũng xảy ra một vụ điện giật, làm anh Phan Thanh Ngân (27 tuổi, ngụ đường Hoàng Văn Thụ, phường An Cư, quận Ninh Kiều), tử vong. Theo các nhân chứng tại hiện trường, anh Ngân đang vận hành máy bơm nước trong bể xử lý nước ngầm tại công trình để bơm nước ra ngoài. Sau khi bơm nước xong, Ngân kêu cô Trần Thị Kim Trường rút dây điện ra. Khi cô Trường đến rút dây điện thì bị điện giật nên la lên. Nghe tiếng cô Trường la, Ngân chạy đến leo lên thì bị điện giật té xuống đáy hầm tử vong. Trước đó, lúc 10 giờ ngày 20-8-2010, anh Huỳnh Văn Trào, Trần Văn Hào, Trần Tấn Phong và Nguyễn Văn Khanh (cùng ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), thuê anh Nguyễn Văn Dũng điều khiển xe cẩu để cẩu cây lộc vừng đi bán. Trong quá trình cẩu cây, do thân cây quá dài nên đã chạm vào đường dây điện trung thế, khiến anh Trào và anh Hào bị điện giật bất tỉnh. Lập tức, hai anh này được mọi người đưa đi cấp cứu, nhưng anh Trào đã tử vong, còn anh Hào bị thương.

Những vụ tai nạn trên tưởng chừng là do sự bất cẩn của người lao động, nhưng theo cơ quan chức năng chủ yếu là do người lao động không nắm các quy định về ATLĐ.

NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG THỜ Ơ

Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ đều tổ chức các lớp huấn luyện về ATLĐ cho người sử dụng lao động. Theo quy định của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ triển khai lại các quy định về ATLĐ cho đội ngũ người lao động của đơn vị mình quản lý. Nhưng trên thực tế, qua kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động hàng năm thì số lượng doanh nghiệp triển khai các quy định về ATLĐ cho người lao động chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, các vụ TNLĐ xảy ra từ đầu năm đến nay chủ yếu do người sử dụng lao động không phổ biến các quy định về ATLĐ, quy trình vận hành máy móc, không trang bị bảo hộ lao động đầy đủ cho người sử dụng lao động.

Vụ TNLĐ tại công trình thi công cầu Cái Sơn, sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đến hiện trường điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn là do quá trình dùng gầu xe cuốc dựng thanh sắt nằm sát đường dây điện, thanh sắt đã cọ và cắt vào vỏ dây điện, làm điện bị rò rỉ, phóng vào thanh sắt, anh Nghĩa không biết đã dùng tay chỉnh thanh sắt thì bị điện giật dẫn đến tử vong. Cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty rút kinh nghiệm trong công nhân, không được dùng các thanh sắt để đỡ đường dây dẫn điện; tiến hành rà soát lại các trụ đỡ, đường dây dẫn điện tại các công trình xây dựng để sửa chữa và thay thế đảm bảo an toàn cho công nhân và người dân xung quanh khu vực công trình thi công; tổ chức phân công cán bộ quản lý và giám sát các công việc có liên quan đến sử dụng và lắp đặt các đường dây dẫn điện tại các công trình xây dựng của công ty. Đề nghị giám đốc công ty họp kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật hành chính đối với đội trưởng và đội phó công trình trong quá trình thi công đã thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra sự cố trên.

Ngoài những vụ tai nạn do điện giật, thời gian qua cũng xảy ra nhiều trường hợp té cao, máy móc không đảm bảo kỹ thuật, xảy ra nhiều sự cố bất ngờ, làm người lao động bị tử vong. Nguyên nhân do người lao động không được trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn.

Qua kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã phát hiện nhiều doanh nghiệp còn vi phạm pháp luật lao động, trong đó phớt lờ công tác huấn luyện ATLĐ cho người lao động. Sau khi được thanh tra kiến nghị, các công ty mới “hứa” khắc phục. Như trường hợp Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã, có nhiều vi phạm về pháp luật lao động. Sau khi thanh tra có một số kiến nghị, phía công ty mới hứa sẽ tiến hành chỉ đạo tất cả quản đốc của các nhà máy trực thuộc phải bố trí cán bộ thực hiện: lập kế hoạch, biên soạn tài liệu huấn luyện, đo đạc môi trường và thống kê lao động làm việc nặng nhọc để có chế độ phù hợp theo quy định pháp luật lao động.

Theo ông Trần Vinh Quang, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ: “Năm 2010 vừa qua, Sở tổ chức 3 lớp huấn luyện về ATLĐ cho người sử dụng lao động, có khoảng 80% số người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia. Tuy nhiên, con số doanh nghiệp phổ biến lại các quy định này cho người lao động rất ít, chiếm chỉ khoảng 30%. Đối với những trường hợp không huấn luyện cho người lao động, qua kiểm tra nếu phát hiện sẽ xử lý theo quy định của pháp luật. Trong năm 2010, Thanh tra Sở chưa xử phạt trường hợp nào, nhưng qua kiểm tra nếu phát hiện có vi phạm chúng tôi kiến nghị và cho thời gian khắc phục. Nếu doanh nghiệp không thực hiện các kiến nghị, khi đó mới xử phạt và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Với biện pháp này, thời gian qua các doanh nghiệp đã khắc phục vi phạm rất nhiều”.

Qua kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng về việc chấp hành pháp luật lao động, hy vọng rằng, đối với các doanh nghiệp nếu chưa quan tâm sẽ quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn cho người lao động. Điều này không chỉ đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp mà còn là uy tín của doanh nghiệp để thu hút lao động có tay nghề.

SƠN HÀ

Chia sẻ bài viết