29/07/2011 - 20:22

Doanh nghiệp chờ lãi suất hạ nhiệt

Thị trường tiêu thụ thép nội địa đang sụt giảm, nhiều DN lo ngại. Ảnh: M. HUYỀN

Theo báo cáo của nhiều doanh nghiệp (DN), trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế vĩ mô chịu sức ép từ lạm phát, tác động của tỉ giá; đồng thời, nguyên liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng ở mức cao đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Các chuyên gia cho rằng, khó khăn này còn tiếp tục kéo dài, nên các DN lo ngại kế hoạch sản xuất, doanh thu 2011 khó đạt.

* Nhiều trở ngại...

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2011, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng theo tinh thần Nghị quyết 11. Với chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, mức khống chế tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 dưới 20%. Ông Phạm Hoàng Thắng, chủ DNTN Nhựa Hoàng Thắng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho rằng, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, vòng quay vốn của DN bị hạn chế, do lãi suất ngân hàng ở mức cao. Các sản phẩm máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp của Nhựa Hoàng Thắng sản xuất và tiêu thụ chủ yếu theo mùa vụ, nhất là đối với máy gặt đập liên hợp. Nếu sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm thì DN sẽ bị chôn vốn và đối mặt với gánh nặng trả lãi vay ngân hàng. Trong thời điểm hiện tại, để tồn tại, DN phải đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, song đây là điều rất khó thực hiện. “Bên cạnh những sản phẩm chủ lực như dụng cụ gieo hạt, thiết bị phun xịt dung dịch, máy gặt đập liên hợp, DN đang ấp ủ ý tưởng sẽ chế tạo ra lò sấy di động để giải quyết vấn đề phơi sấy tại chỗ ngay sau thu hoạch cho nông dân. Tuy nhiên, đến nay ý tưởng này vẫn chưa thực hiện được do thiếu vốn”- ông Thắng chia sẻ.

Còn theo nhận định của các DN ngành thép, thị trường nội địa đang gặp khó về đầu ra. Ông Nguyễn Thái Học, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Thép Tây Đô (Khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy), cho rằng, do ảnh hưởng của chính sách cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11, nên sản lượng tiêu thụ thép trong nước đã và đang sụt giảm nghiêm trọng. Chính vì thế, nhiều DN chuyển hướng tập trung xuất khẩu để giải quyết khó khăn trước mắt. Trước đây, Campuchia là thị trường xuất khẩu truyền thống của Thép Tây Đô, nhưng công ty đang phải cạnh tranh khốc liệt tại thị trường này với các DN Việt Nam và các DN các nước ASEAN. Tuy nhiên, điều mà DN lo lắng nhất hiện nay vẫn là lãi suất ngân hàng ở mức cao (từ 20-21%/năm), vay vốn thời điểm này sẽ khó khăn. Ngoài ngành thép, nhiều ngành khác cũng đang khó khăn về vốn, nhưng cũng không dám vay vốn, vì lợi nhuận chắc chắn không đủ bù chi phí vốn.

Ông Phan Quang Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô (TP Cần Thơ) cho rằng, những tháng đầu năm 2011, giá vải sợi và các nguyên, phụ liệu khác tăng từ 30-40%, giá gia công chỉ tăng 5-7%, cộng với bão giá toàn cầu, công ty đã dự đoán tình hình sản xuất sẽ ít thuận lợi. Với đặc thù của ngành là sử dụng nhiều lao động, ngành may mặc không chỉ gánh nặng về lãi suất vay vốn, chi phí đầu vào tăng mà còn đảm bảo đời sống cho người lao động. Vấn đề mà DN lo ngại hiện nay là mức lương công nhân dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 1-10-2011. Rồi thêm việc điều chỉnh giá điện theo giá thị trường... sẽ là những thách thức lớn mà DN phải đối mặt trong thời gian tới.

* DN cần chia sẻ

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, trong 7 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp của các DN trên địa bàn thành phố ước thực hiện trên 12.362 tỉ đồng, đạt gần 53,4% kế hoạch năm và tăng hơn 12,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm vai trò chủ lực với trên 10.063 tỉ đồng, đạt gần 52,7% kế hoạch năm và tăng 12,7% so với cùng kỳ; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 992,5 tỉ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ... Đây là sự nỗ lực rất lớn của DN trong bối cảnh khó khăn chung.

Ông Phan Quang Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô, cho biết: “Trong thời điểm khó khăn, công ty thực hiện nhiều giải pháp như cải tiến dây chuyền sản xuất, cải tiến thiết bị, tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành đầu vào. Hiện nay, công ty đã ký kết hợp đồng xuất khẩu với khách hàng đến hết quý IV/2011 và sang đến quý II/2012. Ngoài ra, giá nguyên liệu vải sợi dự đoán sang quý IV sẽ giảm từ 5-7%. Đây sẽ là những thuận lợi để công ty đảm bảo tăng trưởng cao hơn năm trước từ 20-25%”. Sáu tháng đầu năm 2011, May Tây Đô đã tăng thêm 3 chuyền sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng. Đồng thời, củng cố các chuyền mới thành lập, tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo đời sống cho đội ngũ công nhân.

Mới thành lập năm 2009, nhưng Công ty TNHH MTV Dược liệu DHG (đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều) đã đưa ra nhiều chiến lược phát triển riêng. Bà Nguyễn Thị Thúy Lan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược liệu DHG, cho biết: “Ngoài việc sản xuất các nguyên liệu dược liệu cung cấp cho công ty mẹ là Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, công ty luôn chú trọng cải tiến và phát triển những sản phẩm mang dấu ấn riêng như: nước tinh khiết, các loại trà hòa tan... Đặc biệt, để chủ động trong khâu sản xuất, không bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập, công ty đã đầu tư vùng trồng thảo dược”. Ngoài ra, các khâu khác như: pha chế, thiết kế bao bì, đóng gói, marketing... đều do công ty hoàn toàn chủ động. Theo bà Lan, trong giai đoạn khó khăn này, thay vì co cụm lại, DN cần “bước ra ngoài” để có cơ hội khẳng định mình. Có như vậy thì DN mới biết mình có những yếu điểm gì cần khắc phục và xác định những khó khăn nào phải vượt qua để chiếm lĩnh thị trường.

Mặc dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm chưa đạt như mong đợi, nhưng các DN đã chủ động tìm các “ngách” thị trường riêng cho mình để khẳng định và vượt qua thử thách. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn đặt kỳ vọng vào việc các ngân hàng điều chỉnh hạ lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với DN. Theo tính toán của một số DN, nếu lãi suất cho vay của ngân hàng điều chỉnh về mức 13,5%/năm thì các DN mới đảm bảo có lợi nhuận.

Mỹ Thanh- Minh Huyền

Chia sẻ bài viết