04/01/2018 - 17:21

Đồ gia dụng tạo nên từ gỗ vụn 

Làng nghề (LN) mộc gia dụng xã Long Giang, Chợ Mới (An Giang) đã cùng người dân nơi đây trải qua biết bao thăng trầm, biến cố với thời gian. Xuất phát từ nhu cầu sử dụng các sản phẩm giá rẻ của người nghèo mà LN đã ra đời bằng cách tận dụng gỗ vụn, gỗ tạp.

Thời điểm cận Tết, sản phẩm tủ, giường cũng được đặt hàng nhiều hơn.

Theo nhiều bậc cao niên ở địa phương, những người thợ đầu tiên bắt tay tạo nền móng cho LN ở xã Long Kiến (Chợ Mới), nhưng hưng thịnh và gắn bó lâu dài thì phải nhắc đến khu vực ấp Long Thạnh 1, Long Phú thuộc xã Long Giang. Ông Hồng Thanh Lập (đại diện LN) cho biết có hơn 100 hộ tham gia làm nghề mộc, trong đó đa số chuyên đóng các vật dụng như: tủ chén, tủ bếp gas… đáp ứng nhu cầu sử dụng của đối tượng người nghèo là chủ yếu. Ngoài ra, LN vẫn có một số trại mộc lớn chuyên đóng tủ áo, tủ thờ, giường hộp… với loại gỗ tốt và từ đó giá tiền, đối tượng phục vụ cũng cao hơn.

“Bà con tận dụng gỗ vụn, gỗ bìa từ các trại cưa lớn hoặc sử dụng gỗ tạp để tạo ra sản phẩm nên giá cả bình dân. Một chiếc tủ chén thành phẩm, được sơn phết bắt mắt có giá trên dưới 300.000 đồng. Một chiếc tủ áo, giường ngủ cao lắm cũng chỉ dao động tầm 500.000-700.000 đồng” - ông Lập giải thích.

Nghề mộc ở xã Long Giang gắn bó với người dân nơi đây qua nhiều thế hệ, tuy không đem lại sự giàu sang nhưng giúp bà con có thu nhập ổn định. Hiện nay, người gắn bó với nghề cũng 40-50 năm, còn người làm ít nhất cũng 15-20 năm. Từ thời còn con gái thì chị Nguyễn Thị Hồng Quyên đã thấy gia đình làm nghề đóng tủ chén, đến nay cũng gần 20 năm.

Tủ chén sau khi hoàn thành sẽ được tháo ra và bó thành bộ để dễ vận chuyển đưa đi tiêu thụ.

Hiện nay, vì đáp ứng nhu cầu của người sử dụng thì tủ bếp gas cũng đã ra đời, được ốp gạch, gắn kiếng… nhưng giá cả rất bình dân. Gia đình đông người thì phân chia công đoạn cụ thể, người bào, đóng khung, đóng ván tủ, sơn phết, gắn kiếng… “Tận dụng được công lao động tại nhà, đỡ mất tiền thuê thợ, những lúc đắt hàng như dịp cận Tết thì phải thuê thêm 5-7 thợ làm mới đủ hàng giao cho khách” - chị Quyên chia sẻ.

Theo ông Lập, nhờ có được nghề mộc, thu nhập được tính theo sản phẩm mà người dân địa phương gắn bó với xóm làng. Hiện nay, nhờ có máy móc hỗ trợ nên các công đoạn làm ra sản phẩm nhanh và đẹp hơn. “Ở đây, thợ sẽ có nhiều lựa chọn, có thể đến các xưởng mộc lớn để làm hoặc cũng nhận hàng về gia công. Người làm giỏi, một ngày thu nhập khoảng 200.000 đồng, còn nếu nhà đông người phụ tiếp thì thu nhập cao hơn” - ông Lập cho hay.

Trước đây, chú Nguyễn Khắc Chung (ấp Long Hòa 2, xã Long Kiến) có thời gian dài là thợ đi làm thuê cho các xưởng mộc lớn ở địa phương. Thấy được nhu cầu sử dụng sản phẩm ngày càng tăng, chú Chung quyết định mở xưởng mộc chuyên đóng các loại sản phẩm mộc, chủ yếu là tủ chén, giường ngủ… “Những năm trước, mặt hàng tủ chén bán rất chạy, có khi khách hàng đặt 50-70 cây (cái) đi bán. Có khi tới ngày 20 tháng Chạp mà vẫn đặt hàng để đi giao cho bà con kịp ăn Tết. Nhờ đắt hàng, tính ra ngày nào cũng có làm” - chú Chung chia sẻ.

Gần đây, ngoài tủ chén thì giường ngủ là sản phẩm được đặt hàng nhiều nhất. Thông thường, khi cây được xẻ ra thì giường được đóng trước, phần gỗ vụn còn lại sau đó được tận dụng đóng tủ chén nên giá rất rẻ. Những năm trước, khi đường sá chưa thuận tiện thì hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy, hiện nay, xe tải đến tận nhà lấy hàng rồi chở xuống các tỉnh, như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… . Từ xe tải, các tủ, giường được tháo ra theo bộ để việc vận chuyển bằng xe máy, xe đẩy được dễ dàng. Nhờ lực lượng này mà sản phẩm len lỏi đến khắp vùng ở các tỉnh.

Thời gian qua, Trường Trung cấp nghề Chợ Mới phối hợp với LN tổ chức các lớp dạy nghề cho người dân có nhu cầu học nghề mộc. “Sau khi học nghề xong, người lao động được cấp chứng chỉ, có thể lao động tại địa phương hoặc đi lao động ở các nơi khác thì đây là một lợi thế” - ông Lập thông tin.

Theo Báo An Giang

Chia sẻ bài viết