31/01/2021 - 08:20

Djibouti trong toan tính chiến lược của Trung Quốc 

Là quốc gia nằm ở tận cùng của vùng Sừng châu Phi và có diện tích nhỏ nhất trên lục địa đen, nhưng do nằm trên eo biển Bab el-Mandab cũng như gần Trung Đông với các tuyến đường trung chuyển năng lượng, Djibouti có tầm quan trọng to lớn đối với các cường quốc toàn cầu.

Cảng Djibouti cũ kỹ đang được Trung Quốc đầu tư cải tạo. Ảnh: SCMP

Mắt xích của vùng Trung Đông và Bắc Phi

Trong những năm gần đây, quan hệ Trung Quốc - Djibouti phát triển mạnh mẽ và đạt được kết quả tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Năm 2017, Trung Quốc thành lập căn cứ hải quân ở Djibouti, lần đầu tìm kiếm sự hiện diện quân sự lâu dài ở nước ngoài. Hai nước cũng nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược nhằm tăng cường hợp tác toàn diện, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương. Ðáp lại, Djibouti tích cực tham gia vào sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc. Trong khuôn khổ BRI, Bắc Kinh ngày càng mở rộng quan hệ kinh tế với Djibouti.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở Djibouti vì nhiều lý do. Một là, vị trí chiến lược của Djibouti giữ vai trò quan trọng đối với lợi ích kinh tế của Trung Quốc khi nằm ở ngã tư của một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới. Theo tờ The Diplomat, 1% kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Liên minh châu Âu, trị giá hơn 1 tỉ USD/ngày, đi qua Vịnh Aden, trong khi 40% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Ấn Ðộ Dương. Trong khi đó, Djibouti kiểm soát quyền tiếp cận cả Biển Ðỏ và Ấn Ðộ Dương, đồng thời liên kết châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương, vùng Sừng châu Phi và Vịnh Persic. Vị trí địa chiến lược nằm ngay cửa Biển Ðỏ khiến Djibouti trở thành trung tâm trung chuyển lý tưởng đối với hàng hóa ra vào khu vực Trung Ðông và Bắc Phi.

Hai là, kể từ khi BRI được công bố hồi năm 2013, Djibouti trở thành trung tâm hậu cần và thương mại quan trọng trong chiến lược Con đường Tơ lụa mới của Bắc Kinh, vốn được triển khai nhằm tăng cường các tuyến đường thương mại hàng hải kéo dài từ Trung Quốc đến Ấn Ðộ Dương, sau đó đến Vịnh Aden, Biển Ðỏ, qua kênh đào Suez đến Ðịa Trung Hải. Riêng tuyến đường sắt do Trung Quốc rót vốn trị giá 3,4 tỉ USD nối thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) đến thủ đô Djibouti (Djibouti) đóng vai trò quan trọng trong việc tối đa hóa vị trí chiến lược của Djibouti trong khuôn khổ BRI.

Ba là, Djibouti có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc, nhờ nước này nằm dọc theo các tuyến đường biển nhộn nhịp, vùng biển Biển Ðỏ và eo biển Bab-el-Mandeb. Mặc dù chỉ 4% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu và 3% lượng dầu thô của Bắc Kinh đi qua eo biển này nhưng Djibouti đều tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc.

Và sau cùng là, quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Djibouti giúp củng cố vai trò của Djibouti như là điểm đến đầu tư cơ sở hạ tầng. Hầu hết các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Djibouti với tổng trị giá 14,4 tỉ USD là do các ngân hàng Trung Quốc tài trợ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang tài trợ xây dựng một tuyến đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên để xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Mô hình thu nhỏ của Trung Quốc

Gần đây, công ty xây dựng cảng Trung Quốc China Merchants Group (CMG) đã ký thỏa thuận trị giá 350 triệu USD với công ty Great Horn Investment Holding để biến cảng Djibouti thành trung tâm kinh doanh quốc tế, mang đến cho công ty Trung Quốc cơ hội và lợi ích kinh tế trong việc phát triển, vận hành và quản lý dự án tái phát triển này. Ngoài ra, nhiều công ty và ngân hàng của Trung Quốc cũng đang tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng khác ở Djibouti. Ðơn cử, công ty Huawei Marine Networks và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã đầu tư xây dựng một tuyến cáp dưới biển nhằm kết nối Djibouti với Pakistan, trong khi công ty xây dựng cảng China Merchants Port Holdings tài trợ xây dựng cảng đa năng Doraleh trị giá 590 triệu USD, đồng thời phát triển khu thương mại tự do quốc tế Djibouti trị giá 3,5 tỉ USD.

Việc Trung Quốc ồ ạt đầu tư tại Djibouti khiến giới chức Mỹ lo ngại quốc gia Ðông Phi nhỏ bé này có thể rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh củng cố ảnh hưởng tại châu Phi. Hiện Djibouti được cho nợ Trung Quốc lên tới hơn 70% GDP. Quả thật, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Djibouti chỉ là mô hình thu nhỏ về cách Bắc Kinh nhanh chóng có được chỗ đứng kinh tế trên khắp lục địa châu Phi. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Nhiều nước Ðông Phi và Nam Phi đã chứng kiến rất nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng, gồm đường, cầu, sân bay, khu nhà ở... Ðổi lại, Bắc Kinh ký các hợp đồng cung cấp nguyên liệu thô béo bở.

Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch COVID-19, Djibouti vẫn cần nguồn lực bên ngoài để chi cho ngân sách y tế và tạo việc làm. Ngoài ra, quốc gia Ðông Phi tí hon này đang nỗ lực đưa đất nước vào hàng ngũ các nền kinh tế có thu nhập trung bình, tạo dựng vị thế của một trung tâm hậu cần và vận tải khu vực, đồng thời theo đuổi tham vọng “Tầm nhìn Djibouti 2035” biến đất nước thành trung tâm thương mại của lục địa đen. Kế hoạch tham vọng của Djibouti tương ứng với chiến lược của Trung Quốc là đẩy mạnh đầu tư và mở rộng Con đường Tơ lụa tại châu Phi, đặc biệt là thương mại hàng hải.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết