Đình thần Mỹ Xuyên (ảnh) tọa lạc tại ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ngôi đình được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX này còn được người dân ở đây gọi là đình Chợ Cũ.
Đình Mỹ Xuyên có diện tích xây dựng gần 800m2, trên khuôn viên rộng 2.000m2, được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ XIX, được vua Tự Đức sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng vào ngày 29-11-1852. Từ đó đến nay đình đã trải qua 3 lần trùng tu, tu bổ. "Năm 1880, ông Phạm Bình Cân, một địa chủ có chân trong Hội đồng Quản hạt Ba Xuyên vận động nhân dân cùng ông đóng góp, trùng tu ngôi đình lần thứ nhất, chủ yếu là gia công trang trí bên trong và thay cột bằng gỗ căm xe mà ta còn thấy hiện nay. Năm 1941, ông Lê Anh Quạnh, Hương chủ làng Mỹ Xuyên vận động bà con trong làng tu bổ lần thứ hai. Lần này ông cho xây một mặt dựng trước tiền đình bằng vật liệu nặng, bên trong đình ông mời nghệ nhân đắp 4 con rồng quấn quanh 4 cột trụ ở gian thờ thần. Đầu năm 2003 mái đình đã hư dột nặng, Ban trị sự đình vận động kinh phí cho dỡ ngói và một số vì kèo hư mọt nặng chất vào hậu đình, thay vào đó một số vì kèo mới, tạm lợp mái bằng tol màu đỏ, sơn phết khang trang"(1).
Đình Mỹ Xuyên có cổng quay về hướng Đông Bắc, được xây theo dạng nhất quan, vật liệu xây dựng bằng bê tông cốt thép. Từ cổng đến ngôi đình là một khoảng sân rộng có bố trí nhiều bệ thờ và miếu thờ. Trước cửa đình là một tấm bình phong có hình vẽ cá hóa long - thể hiện cầu mong cuộc sống tấn tới, muôn nhà no ấm. Hai bên mép bức bình phong có câu đối bằng chữ quốc ngữ, thể hiện mơ ước muôn đời của nhà nông: "Mưa thuận gió hòa / Toàn dân no ấm". Dưới chân tấm bình phong, mặt ngoài hướng ra cổng đình là một bệ thờ Thần Nông - vị thần của nông nghiệp, phù hộ cho nhà nông được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngoài bức bình phong, sân đình còn có hai ngôi miếu nhỏ được xây bằng bê tông cốt thép, mái lợp tôn giả ngói để thờ Bà Chúa Xứ và Bà Ngũ Hành.
"Kiến trúc đình phân bố ba gian theo hình chữ tam, hai bên lợp mái ngói bát vần che hai dãy hành lang suốt dọc chiều dài. Sườn mái được đỡ bởi 4 hàng cột dọc bằng loại gỗ căm xe đã có từ lần trùng tu đầu tiên (năm 1880). Đặc biệt trên 4 cột tròn ở gian thờ chính, nghệ nhân đã đắp hình 4 con rồng quấn quanh rất đẹp và sinh động. Dọc trên các thanh xà ngang dọc là các bức bích họa phong cảnh, hoa văn và các thần tích... được thực hiện từ năm 1941 đến nay mà màu sơn nét vẽ hãy còn tươi đỏ. Bộ vì kèo được làm bằng gỗ tốt, được gia công bằng kỹ thuật bào trơn đóng bén, tuy không chạm trổ hoa văn nhưng được kết cấu rất vững vàng. Trên các xà ngang treo 6 bức hoành phi bằng gỗ tốt chữ khắc sơn son thếp vàng theo các kiểu đã có từ giữa cuối thế kỷ XIX góp phần làm tăng giá trị nội thất của ngôi đình. Giữa 3 gian đình được bài trí 8 bàn thờ. Trước gian thờ thần là một khung cửa trám bằng gỗ tốt được trang trí chạm khắc khá đẹp, đặc biệt là khánh thờ Thành Hoàng, Tả Ban, Hữu Ban, Tiền Hiền, Hậu Hiền đều được làm bằng gỗ tốt, sơn son thếp vàng trang trí hoa văn sắc sảo và trang trọng. Trước bệ thờ thần uy nghi, người ta cho đắp hai con hạc đứng trên lưng quy, một con ngựa bên phải và một cánh võng bên trái được làm lại từ năm 1984 sau khi các di vật cũ đã bị hư mục"(2).
Về lễ hội, theo hồ sơ di tích của Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, trước kia lễ cúng Kỳ Yên ở đình được tổ chức vào ngày rằm tháng 9 âm lịch, sau này vì tháng 9 âm lịch thường có mưa dầm nên lễ hội lớn nhất trong năm được đổi lại vào ngày rằm tháng 2 âm lịch, còn ngày rằm tháng 9 cúng nhỏ hơn. Theo phong tục ngày ấy, đến lệ cúng đình, Ban hội đình cùng bà con cô bác trong xã nhà tề tựu, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, cầu cho dân giàu nước mạnh, bà con cô bác đều được mọi sự bình yên và cầu siêu cho vong linh các vị anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Về việc cúng lễ, nếu năm nào Ban hội đình có đủ khả năng tài chánh thì rước gánh hát bội về hát 3 đêm, còn năm nào không đủ tài chánh thì chỉ 1 ngày đêm. Sáng ngày rằm vào lễ, có hát bội thì 7 giờ sáng làm lễ thỉnh Thần, tức đi thỉnh các chùa miếu trong làng xã. Cuộc rước lễ có khiêng Long đình theo, có lễ nhạc và lân múa, Ban hội thì khăn áo chỉnh tề. Thỉnh xong về là khoảng 10 giờ, Ban hội đình sửa soạn cúng Bầu Ông, tức cúng miếu Ông Hổ ở cạnh bên đình, trong lễ cúng có lễ nhạc và đọc văn tế Ông Hổ.
Đến chiều khoảng 15 giờ là tế Thần Nông, thờ trước sân đình. Tất cả mõ, trống, chuông đều khiêng ra trước sân đình. Ban hội đình khăn áo chỉnh tề, tề tựu trước bàn thờ Thần Nông. Cuộc lễ cúng rất long trọng và trang nghiêm, trong Ban hội đốt hương cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bà con cô bác được sung túc, bình an. Học trò lễ xướng lên lời cho Ban hội rót rượu và quỳ lạy, xong tuần rượu thứ ba thì ông Hương Văn quỳ xuống, đọc văn tế Thần Nông, đọc xong thì cúng một tuần trà là xong cuộc lễ. Sau đó Ban hội đình tiếp tục long trọng sửa soạn cúng chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc. Khoảng từ 16 giờ đến 18 giờ ngày rằm, những gia đình trước kia có thành viên Ban hội đình đã qua đời thì làm mộc chủ (là thanh gỗ khắc hoặc ghi tên họ người quá cố để thờ tại đình). Bà con trong xã bưng nào mâm xôi, trái cây tấp nập đến cúng.
Đến 19 giờ, Ban hội đình bắt đầu Lễ Chúc Yết. Sau đó nếu có gánh hát thì hát cúng 6 lễ theo thông lệ trước khi gánh hát bắt đầu trình diễn. Ban hội đình sửa soạn Lễ Chánh Tế. Đến 9 giờ ngày 16 thì cúng Tiền Vãng (những người có công đã quá vãng và các chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc). Đến 11 giờ trưa, Ban hội mời tất cả Ban hội các chùa, miếu trong làng xã và bà con cô bác đến chung vui dùng bữa cơm thân mật, có khi gánh hát hát liền 2 đêm sau để cho bà con đến chiêm bái linh Thần thưởng thức(3).
So với các ngôi đình khác ở Sóc Trăng thì đình Mỹ Xuyên là một trong số ít ngôi đình còn giữ được khá nguyên vẹn phong cách đình cổ xưa ở Nam Bộ. "Hiện nay đình còn giữ được các hiện vật có giá trị như: Long đỉnh rước Sắc Thần, hai con chim hạc, một con ngựa, bát bửu bằng đồng hai bộ, lư đồng bảy bộ, hoành phi sáu bức, giá võng một cái, chiêng đồng một chiếc"(4).
Đình thần Mỹ Xuyên không chỉ là nơi sinh hoạt của người dân địa phương mà còn là nơi gắn kết, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc Việt, Hoa, Khmer ở Mỹ Xuyên nói riêng, Sóc Trăng nói chung. Với những giá trị văn hóa nghệ thuật còn lưu giữ đến ngày nay, Đình thần Mỹ Xuyên đã được UBND tỉnh Sóc Trăng xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh tại Quyết định số 655QĐ.HC.04, ngày 12-5-2004.
Bài, ảnh: Trần Kiều Quang
(1) Sở Giáo dục - Đào tạo Sóc Trăng (2009), "Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Sóc Trăng", tr.173-174.
(2) Sở Giáo dục - Đào tạo Sóc Trăng, Sđd, tr.180-181
(3) Dẫn theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng.
(4) Sở Giáo dục - Đào tạo Sóc Trăng, Sđd, tr.182.