13/07/2013 - 20:48

Đình thần làng Bình Thủy (Châu Phú - An Giang)

Đình Bình Thủy thuộc xã Bình Thủy,
huyện Châu Phú, An Giang.

Đi theo quốc lộ 91 từ Long Xuyên đến địa phận huyện Châu Phú, bạn sẽ gặp một vùng đất thuần nông trù phú, đó chính là cù lao Năng Gù - xã Bình Thủy. Từ bên sông nhìn sang có thể thấy Đình thần Bình Thủy uy nghi cổ kín, mặt tiền hướng về sông Năng Gù, đi bằng đò máy qua con sông sẽ đến được với đình.

Ông Dương Văn Hóa lập thôn Bình Lâm năm 1783 (nay là xã Bình Thủy, thuộc huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Dòng họ ông vốn gốc gác là những lưu dân miền Trung vào Nam để tìm vùng đất mới, Ông cùng gia đình đến cù lao Năng Gù - khai khẩn từ cuối cù lao cho đến giữa cù lao, phần phía Bắc chỉ toàn là rừng rậm. Ông đặt cho thôn tên là Bình Lâm, với ước mơ khai phá rừng hoang để cho dân sinh sống và canh tác. Đến thời Pháp thuộc thôn được đổi lại là Bình Thủy.

Do khai phá từ rất sớm nên nhu cầu tín ngưỡng tâm linh ở vùng đất mới là rất cần thiết. Ông Dương Văn Hóa (người có công đến đây lập làng) đã cùng nhân dân dựng nên đình làng. Buổi ban đầu đình mang tên Bình Lâm làm bằng tre lá đơn sơ tại vàm Rạch Chanh, cách Đình ngày nay khoảng một cây số về phía Bắc. Nhiều người kể rằng đình bị cháy vào giữa thế kỷ XIX, bấy giờ có Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên [2] truyền giáo ngang đây, thấy sự việc như thế nên ông bảo dân làng cất lại đình để có nơi thờ phượng, cúng kiến và chỉ định dời xuống phía Nam, tức là vị trí hiện nay. Lúc nầy Đình được lợp ngói, nền gạch.

Đến năm 1937 Đình được tu bổ lần thứ hai, xây thêm nhà khách. Năm 1972 Đình lại được tu bổ lần thứ ba, quy mô lớn, gần như là xây lại. Kiến trúc mới nguy nga, đồ sộ và mang màu sắc hiện đại. Sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa và trang hoàng, đình thần Bình Thủy mới hoành tráng, khang trang như ngày nay. Qua số năm khắc trên các công trình ta có thể thấy một đôi lần trùng tu nhỏ, như năm 1949 xây bình phong, năm 1964 xây lại tam quan… Cho đến nay, Đình vẫn thường được trùng tu nhỏ hoặc trang trí thêm nhiều vật dụng làm tăng vẻ quý phái nhưng không kém phần uy nghiêm cho di tích nầy.

Đình thần Bình Thủy ngày nay rất trang nghiêm và cổ kính. Kiến trúc Đình theo hình chữ Tam với ba gian hai chái, nóc cổ lầu, mái chồng lên nhau theo kiểu “thượng lầu hạ hiên”. Nóc Đình lợp ngói âm dương qua thời gian nay đã rêu phong, trên nóc có chạm trổ lưỡng long tranh châu, linh thú và nhiều hoa văn được điểm xuyến công phu. Ngoại thất hài hòa kết hợp giữa phong cách truyền thống cung Đình triều Nguyễn và nét đặc trưng của kiến trúc đền miếu miền sông nước Tây Nam bộ. Khác hẳn với một số Đình trong khu vực, Đình Bình Thủy còn có thêm lối kiến trúc khoáng đãng, sang trọng của phương Tây, thể hiện qua mặt tiền, kiểu cửa vuông, cửa thông gió… rất trang nhã, thanh lịch.

Khuôn viên Đình khá rộng, cổng vào Đình theo kiểu Tam quan tao nhã, trên có dòng chữ Quốc ngữ “Đình Thần Bình Thủy”, dưới có dòng chữ Hán “Bình Thủy Thần Miếu”. Mái ngói âm dương, trên chạm hình lưỡng long tranh châu, hai bên là cặp đối bằng chữ Hán đắp nổi, sơn son thếp vàng. Bình phong của Đình được đắp năm 1949, khá xa xưa, mặt trước hình nai (dấu ấn thời khai phá), mặt sau hình rồng hổ (tượng trưng sức mạnh thần linh). Bình phong do ông Huỳnh Văn Đoan vẽ, ông trước làm Hương sư rồi sau là Hương quản trong làng. Sau bình phong là đàn tế Xã Tắc, ngầm hiểu là Xã thần (Thần đất) và Tắc thần (Thần nông). Tiếp theo là đến miếu Tứ phương (Đông Tây Nam Bắc). Bên hông Đình miếu thờ “Xã cọp” - một con hổ có nghĩa với dân làng nên được tôn làm Xã trưởng, hàng năm vẫn cúng kiến. Quanh Đình có nhiều cây cổ thụ rợp mát cả một vùng rộng lớn, tương truyền đã có từ buổi đầu mở đất.

Bên trong Đình có nhà Võ ca, nơi diễn ra hát bội và khai Lễ Kỳ Yên hàng năm. Sân khấu dành cho hát bội được đắp cao, xây gạch, cột vuông cũng bằng gạch với những cặp câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng tạo thành bốn trụ đứng. Kế đến là Tiền điện (còn gọi là Võ qui) rất rộng, dành cho lễ bái. Chánh điện, Tiền điện và Võ ca là một quần thể liền nhau. Võ ca và Tiền điện không có vách ngăn, Tiền điện và Chánh điện  thì ngăn với nhau bằng ba bộ cửa sắt đã có từ rất lâu, được chạm trổ nhiều hình ảnh công phu.

Trong chánh điện, giữa là bàn Liệt sĩ, kế đến là bàn thờ Hội đồng văn võ được xem như các quan theo phò tá Thần, hai bên là hai dãy binh khí. Trên cao hết là ngai thờ Thần lúc nào cũng khói hương nghi ngút với bức đại tự sơn son thếp vàng chữ “Thần” bằng chữ Hán được xem là linh hồn của Đình làng. Hai bên là các ngai thờ Tả ban, Hữu ban, Tiên sư, Hậu tắc, Tiền hiền Hậu hiền, Hương quan Hương chức, Thiên xứ linh quang, Bạch mã thái giám… đối xứng nhau. Mỗi trang thờ, khánh thờ đều được chạm trổ tỉ mỉ, các chữ Hán, hoa văn, đường nét rất tinh tế, mỗi bàn thờ đều có cẩn ốc xà cừ lấp lánh. Và đặc biệt, ngai thờ ông Tiền hiền Dương Văn Hóa người có công lập làng Bình Thủy được nhân dân tôn kính thờ ngang hàng với Hội đồng.

Qua kết cấu kiến trúc, cách thức xếp đặt các ngai thờ, kỹ thuật chạm khắc, các màu sắc và hoa văn trang trí đình thần Bình Thủy thể hiện tài hoa và sự tinh tế của người xưa. Nội thất của Đình nổi bật với nhiều bản điêu khắc gỗ, phù điêu, tranh sơn thủy, các bao lam thành vọng, hoành phi, liễn đối, khánh thờ…được sơn son thếp vàng và chạm trổ hoa văn tinh vi sắc sảo với các đề tài tứ linh, hoa lá, bát tiên… kết hợp vừa trang nghiêm vừa hài hòa, tao nhã, tượng trưng cho âm dương hòa hợp và cầu mong sự thái bình, sung túc. Ngoài ra, trong Đình còn lưu giữ những long vị, đại hồng chung, tủ bàn ghế cẩn ốc xà cừ, và đặc biệt các di vật của Ban Hội Tề (trước 1945) dân cúng. Nổi bật hơn vẫn là các liễn đối và hoành phi đã có từ rất xa xưa, với niên đại hơn trăm năm, làm bằng chất liệu gỗ quý, không bị thời gian làm hư hoại.

Vào thập niên 30 (thế kỷ XIX), Ban Hội Tề làng Bình Thủy đã viết Sớ gửi tới triều Đình nhà Nguyễn để thỉnh cầu Sắc phong. Mùa xuân năm 1944 vua Bảo Đại ban “Sắc Tứ Phong Thần” Thần hoàng bổn cảnh làng Bình Thủy với tước hiệu “Tỉnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần”. Nên hiểu, “trung Đẳng thần” là cấp bậc to, thường phong cho những danh nhân có công to, có uy danh. Cao hơn “Trung đẳng thần” là “Thượng đẳng thần”, nhưng “Thượng đẳng thần” là trường hợp rất hiếm ở Nam bộ, như trường hợp Nguyễn Hữu Cảnh ở Đình Châu Phú (Châu Đốc). Vậy thì thần làng Bình Thủy cũng là vị thần có danh tiếng lớn. Dưới đây là nguyên văn bản Sắc thần của làng Bình Thủy.

* Phiên âm: “Sắc Long Xuyên tỉnh, Tỉnh Thành quận, Định Thành tổng, Bình Thủy thôn phụng sự Bổn cảnh Thần hoàng tôn thần hộ quốc tí dân. Niệm trứ linh ứng tứ kim phi thừa, cảnh mệnh miến niệm Thần hưu trứ phong vi Tỉnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần. Chuẩn kỳ phụng sự tịch cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai! Bảo Đại thập cửu niên tam nguyệt nhị thập nhị nhựt”.

* Dịch nghĩa: “Sắc cho tỉnh Long Xuyên, quận Tỉnh Thành, tổng Định Thành, thôn Bình Thủy được thờ phượng vị phúc thần sở tại đã từng giữ nước giúp dân. Xét thấy xưa từng linh ứng, nay vâng mệnh cả, nhớ đến công lao của Thần ngày trước nên phong là Tỉnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần. Cho phép được thờ phượng để Thần che chở cho dân của ta. Kính nghe ! Bảo Đại năm thứ mười chín (1944) ngày hai mươi hai tháng ba”.

Sau khi làng được triều Đình công nhận, ông Dương Văn Hóa được phong làm “Trùm tri thâu” cai quản vùng xép từ Cái Dầu đến giáp ranh Chắc Cà Đao (phạm vi cai quản rộng hơn phạm vi khai khẩn). Ông mất vào 22 tháng Giêng âm lịch năm Mậu Dần 1818, thọ trên 90 tuổi, dâng làng tôn làm Tiền hiền thờ trong Đình. Hàng năm đến ngày 21 - 22 tháng Giêng Đình có tổ chức lễ giỗ cụ Dương. Hiện nay, họ Dương là một dòng họ rất được tôn trọng ở Bình Thủy, con cháu họ Dương xã Bình Thủy có nhiều người đã đóng góp rất lớn cho công cuộc kiến thiết quê nhà.

    VĨNH THÔNG

 

Chia sẻ bài viết