19/12/2017 - 15:00

Đình sản - nên chăng được thay thế bằng biện pháp khác? 

Đội ngũ làm công tác dân số ngán ngại với chỉ tiêu đình sản do Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) giao cho các địa phương hằng năm. Thực tế đặt ra vấn đề cần xem xét: có nên tiếp tục duy trì chỉ tiêu này hay thay thế bằng các biện pháp tránh thai hiện đại khác?

“Cạn nguồn” đình sản

Trong công tác vận động đình sản, lực lượng vất vả nhất chính là đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số. Chú Lê Ngọc Châu, CTV dân số phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, có nhiều kỷ niệm “dở khóc dở cười” với công tác vận động đình sản. Chú kể, sau khi vận động, chỉ cần đối tượng gật đầu đồng ý thì tới ngày thực hiện thủ thuật, chú sẽ đến nhà rước, đưa đi đình sản. Cặp vợ chồng nào có con nhỏ, nhà neo người, cán bộ, CTV dân số luân phiên trông con cho họ, lại vừa chăm nuôi người thực hiện đình sản ở BV. Tuy vậy, có nhiều trường hợp “trở quẻ”. Có khi vận động được ông chồng đình sản rồi, đến ngày hẹn, vợ lại không cho đi, vì nghe người ta nói đình sản về “bị khùng”. "Có trường hợp lên bàn mổ rồi, lại đổi ý, bỏ về, mình cũng phải chịu. Lại phải quay về vận động đối tượng khác, cực khổ lắm!"- chú Châu chia sẻ.

CTV dân số vãng gia hộ gia đình, thăm hỏi, chia sẻ kiến thức chăm sóc sức khỏe - KHHGĐ.  Ảnh minh họa

Ngoài những thông tin đồn đại về tác hại của đình sản, thực ra, nguyên nhân sâu xa chính là các cặp vợ chồng sợ khi đình sản xong rồi, lỡ con cái có chuyện gì đó, thì lại hối hận. Ngoài ra, nhiều người ngại mất ngày công lao động khi phải nằm viện, vì đa phần các đối tượng làm thuê làm mướn, chạy ăn từng bữa. Mặt khác, nỗi “khổ tâm” của cán bộ dân số là các đối tượng sau khi đình sản, một bộ phận có thái độ “dựa dẫm”, đòi nhiều hỗ trợ vượt khả năng của địa phương.

Hiện nay, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản có nhiều lựa chọn biện pháp tránh thai hiện đại, đa dạng: thuốc uống, bao cao su, thuốc tiêm, thuốc cấy, vòng tránh thai và đình sản,… đạt hiệu quả KHHGĐ. So với các biện pháp khác, đình sản rất ít được lựa chọn, trừ khi được cán bộ ngành chức năng vận động, với những cặp vợ chồng có nguy cơ sinh đông con, chưa nhận thức được lợi ích của việc KHHGĐ cũng như chưa tự nguyện KHHGĐ và kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Trung tâm dân số- KHHGĐ một quận trên địa bàn thành phố cho biết, để vận động thành công một ca đình sản, cần sự phối hợp của chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể, tập trung ra sức thuyết phục. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn phải vận động xã hội hóa để hỗ trợ chi phí cho nhóm đối tượng này. Tổng mức hỗ trợ từ thành phố đến xã, phường cho một người thực hiện đình sản, trung bình từ 2 triệu đến 4 triệu đồng/ trường hợp. Chỉ tiêu dân số- KHHGĐ cũng là một trong những chỉ tiêu kinh tế- xã hội của địa phương, nếu không hoàn thành chỉ tiêu đình sản thì coi như địa phương không hoàn thành nhiệm vụ của năm.

Chọn cách tránh thai phù hợp

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Ngọc Đảnh, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ TP Cần Thơ cho biết, kế hoạch năm 2018, Chi cục sẽ kiến nghị cấp trên chuyển việc giao chỉ tiêu đình sản sang tăng chỉ tiêu các biện pháp tránh thai khác. Những năm qua, Tổng cục Dân số- KHHGĐ giao thành phố Cần Thơ thực hiện giảm dần chỉ tiêu đình sản: trước đây, từ 200- 300 ca/năm, đến năm 2016- 2017, chỉ còn 150 ca/năm. Theo quy định, đối tượng có thể thực hiện biện pháp đình sản phải đạt các điều kiện: trong độ tuổi từ 28 đến dưới 45 tuổi, đã sinh 3 con trở lên và con nhỏ nhất phải trên 3 tuổi.

Những năm qua, TP Cần Thơ đều hoàn thành các chỉ tiêu của công tác dân số- KHHGĐ, trong đó có chỉ tiêu đình sản. Qua thực tế công tác, lãnh đạo ngành dân số cho biết, hiện nay mức sinh của Cần Thơ thấp hơn mức sinh thay thế của cả nước nói chung, trong vùng nói riêng. Nhờ hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã dần nâng cao nhận thức về lợi ích của việc mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con, không sinh con đông, ảnh hưởng đến việc nuôi dạy con. Do đó, số lượng các cặp vợ chồng sinh đông con dần giảm đi. Bên cạnh đó, người dân trong độ tuổi sinh sản có nhiều lựa chọn các biện pháp tránh thai hiện đại, thay vì thực hiện đình sản.

Về vấn đề này, theo bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc BV Phụ sản TP Cần Thơ, mỗi biện pháp tránh thai đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Nhiều năm trước đây, khi điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, xa còn gặp nhiều khó khăn thì đình sản là biện pháp phù hợp, hiệu quả đối với bà con, vì đây là biện pháp tránh thai an toàn, vĩnh viễn. Ngày nay xã hội phát triển, mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp đến tận các xóm ấp, xã, phường, người dân có nhiều điều kiện lựa chọn các biện pháp tránh thai hiện đại, không nhất thiết phải thực hiện biện pháp triệt sản.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Dự cho biết thêm, triệt sản giúp tránh thai hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, là biện pháp can thiệp xâm lấn, quá trình thực hiện triệt sản, người bệnh có thể đối mặt nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Nếu kỹ thuật làm không đúng, hoặc đối với người có tiền sử sẹo vết mổ cũ, viêm vùng chậu, nguy cơ mổ bị rạch dính nhiều sẽ dễ bị sang chấn thương với các tạng xung quanh. Một số trường hợp triệt sản bị nhiễm trùng nếu không tuân thủ quy tắc vô trùng tốt. Khi chị em muốn sanh trở lại, việc nối lại vòi trứng cũng gặp khó khăn và có nguy cơ thai ngoài tử cung. Mặc dù là tiểu phẫu, thời gian bình phục nhanh, nhưng bệnh nhân cũng phải nằm viện ít nhất 24 giờ và sau 1 tuần mới có thể lao động bình thường.

Có thể thấy, người dân có thể lựa chọn các biện pháp KHHGĐ phù hợp. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn cho công tác dân số KHHGĐ, ngành dân số thành phố kiến nghị cấp trên khi giao chỉ tiêu KHHGĐ năm 2018 nên xét đến các biện pháp tránh thai hiện đại khác ngoài biện pháp đình sản.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết