Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2030 có những định hướng cụ thể để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, tạo ra những sản phẩm đặc thù, khác biệt, tăng sức hút cho vùng. Trong đó, việc tổ chức không gian du lịch ĐBSCL là một trong những yếu tố cơ sở, làm nền tảng để định hình sản phẩm và chuỗi sản phẩm đặc trưng của vùng.
Tài nguyên du lịch của vùng ĐBSCL hiện nay phần lớn được biết đến ở góc độ khai thác các sản phẩm sông nước miệt vườn, sinh thái, lễ hội và biển đảo. Trong đó, chợ nổi là hình ảnh đặc thù của vùng, còn Phú Quốc là sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp khác biệt. Điều này thể hiện sự thiếu hoàn thiện, chưa khai thác hết tiềm năng và vẫn không thể đáp ứng những kỳ vọng về tiềm năng du lịch của vùng ĐBSCL.
Không gian du lịch phía Đông nổi bật với các sản phẩm miệt vườn, làng nghề. Trong ảnh: Những năm gần đây, du lịch Đồng Tháp khởi sắc với những sản phẩm du lịch từ làng nghề.
hực tế, ĐBSCL có hệ sinh thái tự nhiên khá phong phú. Nơi đây có bờ biển dài 700km, hệ thống kênh rạch dài hơn 28.000km; 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học. Bên cạnh đó, ĐBSCL còn là nơi sinh sống, giao thoa của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm - là nền tảng quan trọng để hình thành và phát triển hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn với những giá trị bản địa đặc sắc, độc đáo.
Đáng tiếc, hoạt động và sự phát triển du lịch của vùng chưa đạt hiệu quả cao, thường bị xem là “vùng trũng” trong ngành công nghiệp không khói của cả nước. Sản phẩm du lịch của vùng thiếu sức cạnh tranh trên nhiều phương diện, giá cả lẫn chất lượng. Vì vậy trong nhiều năm qua, 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL vẫn không ngừng tìm giải pháp, hướng ra cho hoạt động du lịch của vùng. Ba vấn đề trọng tâm mà du lịch ĐBSCL đặt ra là: xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển hạ tầng du lịch và nguồn nhân lực du lịch. Trong đó yếu tố then chốt chính là sản phẩm đặc thù. Để làm điều này, ĐBSCL đang định hình không gian du lịch, chia ra những mũi nhọn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và tận dụng phát huy vai trò của các điểm mấu chốt.
ĐBSCL hiện chia không gian du lịch thành hai vùng: phía Đông và phía Tây. Không gian du lịch phía Đông gồm 6 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Trà Vinh với định hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm: nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn, tham quan làng nghề, các di tích lịch sử cách mạng, lưu trú tại nhà dân. Trong đó, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) là trung tâm của không gian du lịch phía Đông, đồng thời là trung tâm phụ trợ của vùng ĐBSCL. Tiền Giang đang làm tốt vai trò đầu mối tại phía Đông khi nhiều năm qua luôn mang về lượng lớn khách quốc tế, nhất là khi kết nối các tuyến: Tiền Giang - Bến Tre, Tiền Giang - Đồng Tháp, Tiền Giang - Vĩnh Long, tạo thành cung đường “đặc sản” miệt vườn Nam bộ, khai thác các thế mạnh cù lao, làng nghề truyền thống.
Không gian du lịch phía Tây bao gồm 7 tỉnh, thành: thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong đó, Cần Thơ và đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được xác định là trung tâm du lịch, có nhiệm vụ điều phối khách cho toàn vùng. Định hướng chung cho không gian du lịch phía Tây là khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng, gồm nghỉ dưỡng trải nghiệm, đời sống sông nước, chợ nổi, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa di tích lịch sử, lễ hội. Với định hướng này, Cần Thơ và Phú Quốc đang làm tốt vai trò điều phối du khách cho vùng, khi phát huy được lợi thế Cảng hàng không với nhiều đường bay nội địa và quốc tế. Cần Thơ đã hình thành hai sản phẩm chính: đô thị sông nước và Mice, còn Phú Quốc phát huy thế mạnh nghỉ dưỡng cao cấp.
Từ hai không gian du lịch phía Đông và phía Tây, ĐBSCL được chia thành 4 cụm du lịch. Cụm trung tâm, gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với sản phẩm nổi trội là du lịch tham quan vùng sông nước, du lịch lễ hội, du lịch với mục đích thương mại, nghỉ dưỡng biển cao cấp. Điều này cũng được chứng minh qua việc dòng tour Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang được các đơn vị lữ hành khai thác khá nhiều, nhất là trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 9. Cụm bán đảo Cà Mau có Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng với các sản phẩm du lịch là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khmer tại Sóc Trăng. Nét đặc sắc của cụm này chính là trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập mặn, văn hóa cộng đồng rừng và biển, các lễ hội đậm bản sắc dân tộc. Cụm duyên hải phía Đông, có sự tham gia của Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với các sản phẩm chủ đạo như du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười, gồm Long An và Đồng Tháp với các sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười.
Xác định các không gian du lịch sẽ từng bước xây dựng và định hướng được sản phẩm chính của mỗi địa phương, làm tiền đề để hình thành hệ thống sản phẩm đặc thù. Qua đó cũng cho thấy rõ vai trò của mỗi tỉnh, thành trong việc chung sức điều chỉnh, thay đổi vì cái chung, tạo được sự đột phá trong việc liên kết phát triển du lịch các địa phương, định vị lại cho du lịch vùng.
Bài, ảnh: ÁI LAM