12/07/2013 - 14:13

Dinh dưỡng cho trẻ 5 năm đầu đời

ThS.BS.Lưu Thị Nhất Phương
Trưởng khoa Dinh dưỡng- Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ

Cơ thể trẻ dưới 5 tuổi có nhu cầu phát triển rất cao nhưng các bộ máy cơ thể, chức năng sinh lý cũng như hệ thống miễn dịch vẫn chưa hoàn thiện tốt. Do đó, đòi hỏi các bà mẹ phải có những hiểu biết về dinh dưỡng để vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho sự tăng trưởng cũng như bảo vệ các cơ quan còn non yếu của trẻ nhỏ…

Trẻ nhỏ cần được cung cấp dinh dưỡng cao để tăng trưởng. Ảnh: H. HOA

* Giai đoạn sơ sinh: Từ lúc trẻ ra đời đến 30 ngày.

Lúc này, niêm mạc đường tiêu hóa trẻ chưa hoàn thiện, chưa có men tiêu hóa bột. Sữa mẹ là thức ăn đầu tiên và là nguồn thức ăn lý tưởng nhất cho trẻ, bởi thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ cân đối, phù hợp với nhu cầu sinh lý của trẻ và dễ tiêu hóa. Sữa mẹ còn chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp tối ưu cho sự phát triển của trẻ cả về thể chất lẫn trí tuệ. Sau khi sinh, nên cho trẻ nằm cùng mẹ và cho bú càng sớm càng tốt. Bà mẹ cần lưu ý: Cho trẻ bú ngay sau khi sinh (30 phút đến 1 giờ) để tận hưởng nguồn sữa non và các chất kháng khuẩn; cho trẻ bú hoàn toàn 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 18-24 tháng; cho trẻ bú theo nhu cầu, bú nhiều lần trong ngày (ít nhất 8 lần), bú cả ban đêm, không tự dứt trẻ ra khỏi bầu vú mẹ, bú cả sữa đầu lẫn sữa cuối, không để sữa còn lại trong bầu vú và bú hết bầu vú bên này mới chuyển sang bên kia. Nếu trẻ bệnh không bú được thì vắt sữa mẹ và cho trẻ ăn bằng muỗng. Không cho trẻ uống nước hay nước trái cây. Trong những trường hợp trẻ không có mẹ (con nuôi, mồ côi), khi mẹ bị bệnh nặng hoặc mẹ đang được điều trị, cho trẻ uống sữa công thức 1 (150ml/kg/ngày, chia 8-10 cử). Với trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân (cân nặng lúc sinh dưới 2,5 kg) thì cho  uống sữa đặc biệt dành cho trẻ non tháng, nhẹ cân. Bắt đầu 60ml/kg/ngày, sau đó mỗi ngày tăng 20ml/kg/ngày cho đến khi đạt 200ml/kg/ngày. Bú ít nhất là 8 - 12 lần/ngày. Tuyệt đối không dùng sữa đặc có đường nuôi trẻ nhỏ. Theo dõi cân nặng của trẻ thường xuyên để điều chỉnh số lượng sữa. Sự tăng cân trung bình của trẻ trong quý đầu là 600gam/ tháng.

* Giai đoạn nhũ nhi: Từ lúc trẻ 2 tháng đến 12 tháng tuổi.

Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hay sữa công thức (600-700 ml sữa). Hệ tiêu hóa của trẻ hoàn thiện dần và khi trẻ tròn 180 ngày tuổi, bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung. Việc tập cho bé ăn giặm cần được thực hiện từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, thức ăn tăng dần theo từng lứa tuổi (từ 1 nhóm đến nhiều nhóm thực phẩm), ăn cả xác thực phẩm. Trong thời gian đầu tập ăn, cho trẻ ăn bột loãng: tập ăn từ ít (1- 2 muỗng bột) đến nhiều (1/3 - 1/2 chén - 1 chén/ ngày); từ lỏng đến đặc (từ bột 5% đến bột 10%); từ ít chất (bột gạo + một loại thực phẩm khác như trứng hoặc sữa...) đến nhiều chất (bột + đạm: thịt, trứng, sữa, tàu hủ ... + dầu + lá rau xanh, rau củ). Trẻ 6 tháng (1/2 chén bột 5% x 2 lần/ngày, 1-2 muỗng trái cây tán nhuyễn sau ăn bột), trẻ 7- 9 tháng (2 chén bột 10%, đủ 4 nhóm thực phẩm, 2-3 muỗng trái cây tán nhuyễn sau ăn bột), trẻ 10-12 tháng (3 chén cháo đặc hay bột đặc, đủ 4 nhóm thực phẩm, 3-4 muỗng trái cây tán nhuyễn sau ăn cháo hay bột). Một chén bột loãng 5% là bột nấu theo tỷ lệ: 2 muỗng cà phê bột gạo nấu với 200ml nước, cùng thực phẩm như trứng, thịt, rau củ xay nhuyễn, 1 muỗng cà phê dầu ăn. Chế biến 1 chén cháo: 2/3 chén cháo đặc (25-30g gạo), 2 muỗng canh thịt băm nhuyễn, 1 muỗng canh rau, củ bằm nhuyễn, 1 muỗng canh dầu ăn. Không nên nêm muối, nước mắm, bột ngọt, bột canh, bột nêm, đường vào bột hay cháo của trẻ dưới 1 tuổi.

* Giai đoạn răng sữa: Từ lúc trẻ 1 tuổi đến 6 tuổi

Trẻ từ 1-2 tuổi: tiếp tục bú mẹ theo nhu cầu hoặc 500 ml sữa /ngày. Trẻ ăn 3-4 bữa chính một ngày, ít nhất 1 chén một bữa. Cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn.  Thực phẩm băm nhỏ để trẻ ăn được luôn cả xác. Cho bé ăn thêm các loại trái cây theo mùa. Ở giai đoạn này, cần nấu thức ăn riêng cho bé, vì thức ăn cho bé yêu cầu phải lạt hơn, mềm hơn thức ăn của người lớn.

Trẻ hơn 2 tuổi: ăn 3 bữa cùng gia đình, ưu tiên các thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Giữa các bữa ăn chính, cho trẻ ăn thêm ít nhất 2 bữa phụ như: sữa, yaourt, bánh, chè đậu, tàu hủ... và trái cây. Thức ăn phải được bằm nhỏ, cắt nhỏ để giúp trẻ tiêu hóa tốt. Chỉ nên cho ăn cơm khi trẻ đủ 8 răng hàm (thường là 24 tháng tuổi). Cần thay đổi món để trẻ không chán ăn; cho trẻ ăn đúng giờ. Hạn chế ăn nhiều đường, kẹo, bánh ngọt trước các bữa ăn. Khuyến khích trẻ tự xúc ăn với sự hỗ trợ của người lớn. Tiếp tục cho trẻ uống sữa ít nhất 400 ml sữa/ ngày.

Cần cho trẻ uống đủ nước, giúp trẻ hấp thu và tiêu hóa tốt các chất dinh dưỡng, giúp thải trừ các sản phẩm cặn bã, độc hại của quá trình chuyển hóa khỏi cơ thể và chống táo bón. Cho trẻ ngủ đủ giấc, vì nếu thiếu ngủ, trẻ ăn kém ngon do tiêu hóa hấp thu kém. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ tập cho trẻ nề nếp giữ vệ sinh, thói quen rửa tay trước khi ăn, không lê la dưới đất bẩn. Cần sử dụng nguồn nước sạch và đun sôi nước trước khi uống; tất cả dụng cụ chế biến thức ăn phải sạch sẽ và cần rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn cho trẻ.

 

Chia sẻ bài viết