13/12/2019 - 14:04

Định dạng đô thị sinh thái Phong Điền 

Đô thị hóa diễn ra ở quy mô lớn và nhanh chóng làm phát sinh nhiều vấn đề về môi trường tự nhiên và xã hội. Phát triển đô thị sinh thái (ĐTST) là giải pháp để tạo ra không gian xanh và cân bằng trong quá trình phát triển của đô thị. Với ý nghĩa trên, TP Cần Thơ đang trên xây dựng để Phong Điền trở thành ĐTST - là lá phổi xanh của thành phố.

Lãnh đạo thành phố khảo sát mô hình du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Phong Điền. Ảnh chụp tại Khu du lịch Lung Tràm.

Hài hòa với thiên nhiên

Phong Điền là một huyện ngoại thành của TP Cần Thơ với diện tích tự nhiên 12.526,12ha, trong đó có khoảng 7.200ha là đất trồng cây lâu năm, cây ăn trái. Cùng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa bằng đường thủy và nuôi trồng thủy sản, cơ cấu kinh tế của huyện đang phát triển theo hướng: “Thương mại, dịch vụ, du lịch - Nông nghiệp chất lượng cao - Công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp”. Đây là điểm được xem là lợi thế của huyện Phong Điền để khai thác loại hình du lịch sông nước miệt vườn; du lịch sinh thái gắn với tham quan các di tích lịch sử - văn hóa và du lịch tâm linh.

Ông Lê Thanh Tuấn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phong Điền, cho biết: Trên cơ sở Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27-12-2016 của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành ĐTST, huyện đã triển khai thực hiện phân chia khu vực phát triển vành đai nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Trong đó, vùng 1 (gồm toàn bộ thị trấn Phong Điền, xã Nhơn Ái, Mỹ Khánh và một phần các xã Nhơn Nghĩa, Trường Long, Giai Xuân, Tân Thới) đã phát triển được một số điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với dã ngoại miệt vườn mang đặc trưng của vùng ĐBSCL; vùng 2 (gồm một phần các xã Giai Xuân, Tân Thới, Trường Long, Nhơn Nghĩa) đã phát triển thành vùng chuyên canh rau màu tập trung và tham quan làng hoa kiểng, cây cảnh. Đồng thời, hình thành các vùng chuyên canh quy mô từ 30ha trở lên như: vùng trồng vú sữa tập trung tại ấp Tân Hưng xã Giai Xuân và ấp Trường Khương A xã Trường Long, vùng trồng sầu riêng tập trung ở vùng chuyên canh xã Tân Thới và thị trấn Phong Điền, vùng trồng nhãn tập trung tại ấp Nhơn Phú 1 xã Nhơn Nghĩa, vùng trồng lúa chất lượng cao và vùng trồng chanh không hạt xã Trường Long. Huyện có 4 sản phẩm là dâu Hạ Châu, vú sữa, nhãn Ido, du lịch sinh thái Phong Điền tham gia đề án “Mỗi xã một sản phẩm”.

Nhằm phục vụ phát triển đô thị sinh thái, huyện thực hiện kết hợp đê bao thủy lợi và giao thông nông thôn, trồng hoa kiểng tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp; đã và đang đầu tư xây dựng, nâng cấp duy tu 28 công trình thủy lợi, giao thông; trồng cây cảnh trên 80km đường giao thông như: Hoàng Yến, Quỳnh Anh, Bằng Lăng, sao, dầu... Đến nay,  huyện có 62 điểm du lịch sinh thái. Trong đó, có 29 điểm vườn kinh doanh du lịch, 16 điểm liên kết theo thời vụ và 17 điểm du lịch tâm linh. Phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh phát triển các loại sản phẩm du lịch kết hợp với thương mại, dịch vụ du lịch, huyện tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch sông nước - miệt vườn; du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái kết hợp với phát triển nông nghiệp, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản; du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tâm linh...

Đi đúng hướng

Ở Việt Nam, trong hệ thống văn bản pháp luật chưa có khái niệm về ĐTST cũng như các tiêu chí cụ thể để xét đánh giá ĐTST. Do vậy, Phong Điền còn khá lúng túng trên chặng đường xây dựng ĐTST. Mới đây, tại hội thảo tư vấn xây dựng huyện Phong Điền thành ĐTST, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi tìm hướng đi để Phong Điền vững bước trên chặng đường ĐTST.

Theo bà Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển, TP Hồ Chí Minh, tổng hợp từ lý thuyết cho đến thực tiễn một số mô hình ĐTST trên thế giới cho thấy: Phát triển ĐTST có nhiều kiểu loại khác nhau, không rập khuôn. Vì vậy, mỗi đô thị cần có các ứng biến riêng. Phát triển ĐTST căn cứ vào thế mạnh của địa phương với yêu cầu cơ bản là giảm thiểu tác động tiêu cực của con người đến môi trường. Đồng thời, cần có quy hoạch gắn liền với bảo vệ môi trường và biện pháp chế tài khả thi tương ứng để tạo nên khuôn khổ chung cho các chủ thể tham gia vào xây dựng ĐTST…

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, trước hết, Phong Điền cần xác định ĐTST là gì? Từ đó triển khai thực hiện trên địa bàn, xây dựng Phong Điền thành địa điểm mà ai cũng thích và người dân trong huyện ngày một khá lên. Hiện nay, huyện đã tiến hành khoanh vùng và với thế mạnh là cây ăn trái, Phong Điền tiếp tục cải tạo, phát triển mỗi vùng là một mô hình du lịch đặc trưng. Mặt khác, yếu tố con người khá quan trọng, cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, khơi dậy tính năng động và sáng tạo của cán bộ và nhân dân huyện, huy động sức mạnh tổng hợp xây dựng thành công ĐTST.

Đồng quan điểm trên, TS. Trương Hoàng Trương, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, cho rằng: Phong Điền cần đánh giá lại hiện trạng địa phương một cách tổng thể trên tất cả các lĩnh vực để có “bài toán” phù hợp cho ĐTST. Trong đó, nghiên cứu, nhận diện ra “đặc sản địa phương”. Phong Điền có những con kênh uốn lượn, cảnh quan ven sông đặc trưng miền sông nước, do đó, trong quy hoạch cố gắng giữ nguyên địa hình, địa mạo vốn có. 

ĐTST là khâu tiếp theo tất yếu của quá trình hiện đại hóa đô thị. Theo quan điểm phát triển bền vững hiện nay, một ĐTST là một khu đô thị trong đó các cư dân tạo sinh kế theo cách thức hỗ trợ sinh thái của trái đất; các mối quan hệ xã hội bình đẳng, công bằng, hợp lý và đồng thuận cao nhất. Ths. Kỷ Quang Vinh, Nguyên Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu Cần Thơ, cho rằng: Để đạt được các tiêu chí trên, cần có những nghiên cứu sâu sắc về điều kiện tự nhiên và xã hội của khu vực hay vùng quy hoạch để đưa ra các giải pháp và quyết định phù hợp. Trong quá trình vận hành, để duy trì và đạt được mục tiêu sinh thái, cần có những biện pháp phối hợp liên ngành như tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng, áp dụng công nghệ sạch, sử dụng các vật liệu xây dựng sinh học, sử dụng các nguồn thiên nhiên có thể tái tạo được (mặt trời, gió), giảm tiêu thụ năng lượng, tránh lãng phí và tái sinh phế thải. Phong Điền nằm trong đồng bằng dễ bị tổn thương đứng hàng thứ 3 thế giới. Để xây dựng ĐTST bền vững cần có một kế hoạch xây dựng các công trình, nhà ở vừa để bảo vệ người dân vừa để cân bằng sinh thái. Kế hoạch này phải nhất quán, được quản lý vận hành với trách nhiệm cao và liên tục.

Bài, ảnh: LẠC MẪN

Chia sẻ bài viết