18/03/2024 - 14:28

Điều trị thành công cho nhiều thai phụ mắc bệnh tim, tiền sản giật nặng 

(CTO) - Thống kê của Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ, 3 tháng đầu năm 2024, BV liên tục tiếp nhận và cấp cứu thành công nhiều trường hợp bệnh nặng như tiền sản giật, dọa sinh non, nhau bong non, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo..., đem lại niềm vui “mẹ tròn con vuông” cho nhiều thai phụ và gia đình. 

Trường hợp đầu tiên là chị C.M.T (43 tuổi, ở TP Cần Thơ) nhập viện ngày 8-3-2024, trong tình trạng thai 38 tuần, vết mổ cũ 2 lần, đau trằn bụng, rối loạn nhịp tim. Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng chuyên sâu, các bác sĩ chẩn đoán thai phụ gặp nhiều vấn đề về tim mạch, nhất là hở van động mạch chủ nặng. Ban Giám đốc BV chỉ đạo trực tiếp ê-kíp mổ với nhiều chuyên khoa phối hợp gồm tim mạch, sản khoa, gây mê, hồi sức tích cực, huyết học truyền máu và nhi khoa. Sau gần 1 giờ phẫu thuật, bệnh nhân qua khỏi nguy hiểm, bé gái 3.600 gram khỏe mạnh chào đời. Hiện tại sức khỏe của cả mẹ và bé gái đều tiến triển tốt.

Theo BS CKII Vũ Đăng Khoa, Trưởng khoa Sản bệnh BV Phụ sản TP Cần Thơ, chị T mắc bệnh hở van động mạch chủ là bệnh lý tim mạch rất nghiêm trọng, nguy cơ tử vong cao cho cả mẹ lẫn con. Với người mẹ, hở van động mạch chủ nặng có thể dẫn đến suy tim, phù phổi, thậm chí đột tử bất cứ lúc nào mặc dù triệu chứng lâm sàng khá nghèo nàn. Còn đối với thai nhi, khi mẹ bị hẹp động mạch chủ nhiều có thể dẫn đến suy thai do thiếu oxy.

BS CKII Vũ Đăng Khoa khuyến cáo để có một thai kỳ khỏe mạnh và kịp thời xử trí những bất thường, tất cả phụ nữ đã có tiền sử về tim mạch cần được sự tư vấn và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Trong tháng 3, BV liên tục tiếp nhận và cấp cứu thành công nhiều trường hợp bệnh tim.

Trường hợp của thai phụ P.T.N.K (28 tuổi, ở TP Cần Thơ) mang thai con lần 2, song thai 33 tuần, dọa sanh non, tiền sản giật nặng nhập viện cũng được đội ngũ thầy thuốc kịp thời cấp cứu. Thai phụ có tiền sử tăng huyết áp mạn tính từ thai kỳ trước nhưng không tái khám và theo dõi sau sinh. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm - siêu âm, bác sĩ chẩn đoán thai phụ bị tiền sản giật nặng, cần được kiểm soát huyết áp chặt chẽ và xử trí kịp thời diễn biến bệnh. Khi huyết áp bệnh nhân tạm ổn và thai nhi có dấu hiệu suy thai, các bác sĩ quyết định phẫu thuật bắt con để bảo đảm an toàn cho cả ba mẹ con. Hai bé gái có cân nặng 1.860gram và 1.800gram chào đời an toàn. Hiện tại sức khỏe sản phụ ổn định.

BS Vũ Đăng Khoa, Trưởng Khoa Sản bệnh cho biết, trường hợp này có yếu tố nguy cơ tiền sản giật là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và chu sinh trên toàn thế giới, gây nhiều biến chứng cho cả mẹ lẫn con. Những biến chứng này tăng lên trong những trường hợp tiền sản giật nặng, tiền sản giật sớm, có biến chứng sản giật và hội chứng HELLP.

Theo BS Vũ Đăng Khoa, biện pháp tốt nhất để ngừa tiền sản giật nặng và biến chứng là theo dõi thai kỳ chặt chẽ, kết hợp với tìm hiểu tiền căn của người mẹ và điều trị tốt các bệnh lý kèm theo nếu có như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý mạch máu,… Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống và dinh dưỡng đầy đủ trong khi mang thai.

Nhân viên y tế chăm sóc cho hai em bé con thai phụ bị tiền sản giật nặng.

PV

Chia sẻ bài viết