11/09/2018 - 07:09

Điều trị sớm dị tật lé, khả năng phục hồi cao 

Hiện nay, nhiều phụ huynh còn lầm tưởng tật lé chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, nên đưa trẻ đến bệnh viện (BV) điều trị muộn. Điều đó làm cho việc điều trị phức tạp, tốn kém mà đôi khi không phục hồi chức năng nhìn của mắt.

Điều trị muộn: Khó phục hồi

Cuối tháng 8-2018, tại Khoa Mắt trẻ em, BV Mắt – Răng hàm mặt Cần Thơ có khoảng 10 trẻ nhập viện điều trị tật lé. Hầu hết, trẻ bị lé bẩm sinh, dao động trong độ tuổi từ 4-14 tuổi, phần lớn đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Chẳng hạn, em H.K.N, 14 tuổi, ở phường An Thới, quận Bình Thủy, vì khó khăn cha mẹ em không đưa em đi điều trị sớm. Em  H.K.N, kể: “Con đi học nhìn trên bảng đọc chữ bình thường nhưng các bạn nhìn thấy con bị lé, chọc ghẹo, con tủi thân lắm. Con mong lần này, các bác sĩ ở bệnh viện sẽ trị cho con hết lé”. Chị Nguyễn Thị Diễm, ở xã đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, đưa bé 4 tuổi bị lé bẩm sinh đến BV điều trị. Chị Diễm cho biết: “Khi sinh cháu ở Long Xuyên, bác sĩ không khám mắt nên không phát hiện bé bị lé. Sau đó, gia đình phát hiện và đưa đi khám nhưng ở bệnh viện huyện, tỉnh đều không điều trị. Lần này, người quen chỉ nên đưa con lên đây khám”.

Bác sĩ Đường Thị Anh Thơ khám mắt cho trẻ bị lé. Ảnh: H.HOA
Bác sĩ Đường Thị Anh Thơ khám mắt cho trẻ bị lé. Ảnh: H.HOA

Trong số 10 bé nhập viện, có một cháu 12 tuổi, khả năng phục hồi không như mong muốn. Theo gia đình, khi cháu 3 tuổi, gia đình phát hiện bị lé, đưa đi khám ở TP Hồ Chí Minh. Bác sĩ khám, chỉ định bé đeo kính để điều chỉnh tật khúc xạ và bịt 1 mắt để tập nhược thị. Tuy nhiên, gia đình chủ quan, không thực hiện chỉ dẫn của bác sĩ, nên đến nay, cháu đã 12 tuổi, mắt trái đã bị nhược thị sâu và lé ngoài, dù đeo kính và tập nhược thị 1 năm nhưng thị lực không cải thiện. Hiện tại, can thiệp phẫu thuật lé chỉ có tác dụng về mặt thẩm mỹ, còn chức năng nhìn của mắt không cải thiện được nữa.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ nhãn khoa, khi trẻ bị lé, tốt nhất đưa trẻ đến BV điều trị thời điểm trẻ dưới 1 tuổi, cơ hội phục hồi chức năng nhìn của mắt sẽ cao hơn. Bác sĩ Đường Thị Anh Thơ, Phó trưởng Khoa Mắt trẻ em, cho biết phần lớn trẻ bị lé đến BV điều trị trong tình trạng khá muộn. Nhiều phụ huynh có suy nghĩ lé kim có duyên, không cần điều trị. Có gia đình nghĩ lé chỉ ảnh hưởng thẩm mỹ, mà không hiểu lé còn ảnh hưởng đến chức năng nhìn của trẻ và ảnh hưởng đến việc học, tâm lý.

Cần đưa trẻ đến BV sớm

  Tại BV Mắt – Răng hàm mặt Cần Thơ đang có chương trình phẫu thuật điều trị lé miễn phí do “Dự án ánh sáng cho trẻ em và người lớn tuổi” tài trợ. Trẻ em ở tất cả các tỉnh, thành bị lé, đến điều trị tại đây đều được miễn phí.

Theo các bác sĩ, lé do nhiều nguyên nhân khác nhau. Lé bẩm sinh là tình trạng lé xuất hiện trước 2 tuổi. Đây không đơn thuần là bệnh lý tại mắt, mà còn liên hệ tới bệnh lý ở các cơ quan khác như các bệnh lý ở não (u não, viêm não…), liệt các dây thần kinh sọ não hoặc do các bệnh lý khác tại mắt (đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc, bệnh lý đáy mắt, bất đồng khúc xạ, u nguyên bào võng mạc…). Lé mắc phải do chấn thương hoặc viêm nhiễm, thì trẻ cần phải được khám và điều trị ngay vì có những bệnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của bé như u não, u nguyên bào võng mạc. Chính vì thế, khi nghi ngờ con bị lé (mắt nhìn không thẳng trục: mắt có thể nhìn ra ngoài, vào trong hoặc lên trên, xuống dưới), gia đình cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt. Cũng có trường hợp lé mà không có dấu hiệu rõ ràng, gia đình rất khó phát hiện ra. Do vậy, khi trẻ mới sinh cần tầm soát bệnh lý ở mắt, sau đó nên khám định kỳ mỗi năm 1 lần để phát hiện các bệnh lý về mắt.

Bác sĩ Đường Thị Anh Thơ cho biết thêm, điều trị lé là một quá trình phức tạp từ khám phát hiện tình trạng khúc xạ, xác định nguyên nhân, loại lé và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Điều trị bệnh lé không chỉ để giải quyết vấn đề thẩm mỹ, những trẻ bị lé bẩm sinh không được điều trị sớm sẽ mất khả năng nhìn hình nổi, khả năng ước lượng khoảng cách, hạn chế sự lựa chọn nghề nghiệp của trẻ trong tương lai. Lé đơn thuần hoặc phối hợp tật khúc xạ có thể gây nhược thị nếu không được điều trị sớm (dưới 6-8 tuổi) gây tổn hại thị lực của trẻ vĩnh viễn không hồi phục. Thậm chí nếu lé do những nguyên nhân u não hay u nguyên bào võng mạc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Điều trị lé nguyên phát tùy theo từng loại, không phải tất cả các trường hợp đều cần phẫu thuật. Chiếm tỉ lệ 10-20% là lé do điều tiết, có thể điều chỉnh hết lé bằng cách đeo kính. Lé gây nhược thị cần phải điều chỉnh tật khúc xạ và bịt mắt để tập nhược thị càng sớm thì khả năng hồi phục càng cao. Đối với những trường hợp lé cần phẫu thuật, để khôi phục tốt nhất chức năng thị giác cho trẻ, cần được tiến hành sớm trước 2 tuổi.

H.HOA

Chia sẻ bài viết