Nguồn nước sạch trong sinh hoạt là nhu cầu bức thiết của người dân, nhất là người dân sống ở vùng nông thôn. Dù được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng một công trình cấp nước ở nông thôn đòi hỏi nguồn vốn lớn trong khi nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên các ngành chức năng khó đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, việc đầu tư này khả năng thu hồi vốn chậm vì đời sống của người dân nông thôn còn gặp nhiều khó khăn nên khó mời gọi tổ chức hay cá nhân đầu tư vì mục đích sinh lợi. Dù vậy, nhiều năm nay, Hợp tác xã (HTX) Nước sạch nông thôn ấp C2 ở ấp C2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ vẫn làm ăn khấm khá nhờ việc quản lý, điều hành hiệu quả và cả cái tâm vì người dân của các thành viên trong Ban chủ nhiệm.
Không bỏ qua cơ hội tốt!
“Không thể bỏ qua cơ hội tốt để người dân có nguồn nước sạch trong sinh hoạt!”. Đó là câu trả lời quen thuộc của ông Phạm Hữu Quốc, Chủ nhiệm HTX Nước sạch nông thôn ấp C2, khi có người thắc mắc về việc đầu tư vào lĩnh vực khó thu hồi vốn- xây dựng hệ thống cấp nước sạch nông thôn. Chuyện là, vào năm 2007, nhân chuyến về thăm quê, chứng kiến cảnh người dân nông thôn sử dụng nước sông, nước giếng bơm tay không đảm bảo vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày nên một Việt kiều từ Pháp có ý định kêu gọi viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tập trung cho địa phương. Không lâu sau đó, được sự đồng ý của chính quyền địa phương, từ sự kêu gọi của Việt kiều Pháp, đại diện của hai Hội từ thiện phi chính phủ Pháp là Aquassistance và EMS về thăm ấp C2. Sau khi khảo sát, chứng kiến thực trạng và nắm bắt nhu cầu sử dụng nước sạch trong sinh của người dân nơi đây, đại diện hai tổ chức này đề nghị tài trợ 70% giá trị công trình nước sạch nông thôn. Điều này đồng nghĩa với việc 30% còn lại phải do nhân dân ấp C2 đóng góp.
 |
HTX Nước sạch ấp C2 ở ấp C2 là một trong những điển hình mới trong phong trào kinh tế hợp tác ở TP Cần Thơ. |
“Nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân trong ấp lúc bấy giờ rất bức xúc. Bởi lẽ nguồn nước sinh hoạt nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng. Để có tư cách pháp nhân ký kết các hợp đồng đầu tư, sau khi bàn bạc thống nhất, vào tháng 12-2008, HTX Nước sạch nông thôn ấp C2 của những người nông dân chính thức được thành lập. Nhưng cái khó khăn lớn nhất là nguồn vốn để đảm bảo các điều kiện cơ bản cho HTX hoạt động. Theo tính toán lúc bấy giờ nguồn vốn đối ứng lên đến trên 480 triệu đồng và trên 300 triệu đồng đầu tư hệ thống ống dẫn dài trên 12km tới các hộ dân. Đây là số vốn khá lớn trong khi người dân còn nhiều khó khăn nên HTX gặp nhiều trở ngại khi vận động đóng góp”- ông Phạm Hữu Quốc cho biết. Không thể bỏ qua cơ hội tốt, 7 sáng lập viên HTX quyết định tự nguyện góp vốn đầu tư (vốn đối ứng) xây dựng nhà máy nước. Phần vốn còn lại, HTX bàn bạc và đồng thuận cao: góp vốn xác lập thành viên sử dụng nước sạch (chi phí đường ống và đồng hồ nước vào nhà). Giải quyết được cản ngại lớn nhất nên chỉ hơn 2 tháng sau ngày chính thức được thành lập, tháng 2-2009 HTX Nước sạch nông thôn ấp C2 đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện và được bên tài trợ đồng thuận. Nhà máy nước chính thức được khởi công xây dựng, đáp ứng các yêu cầu quy định về khai thác nước sạch hiện hành. Khoảng 5 tháng sau đó, tháng 7 -2009, Nhà máy và hệ thống cung cấp nước sạch HTX Nước sạch nông thôn ấp C2 nối mạng, chính thức đưa vào sử dụng với tổng trị giá thực hiện trên 2,329 tỉ đồng, công suất thiết kế 150m3/ngày/đêm.
Nỗ lực phục vụ vì sức khỏe cộng đồng
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh ở ấp C2, xã Thạnh Lợi sử dụng nước mưa và nước từ sông bơm lên để sử dụng. Tuy nhiên, vào mùa sản xuất lúa, thuốc sâu, thuốc ốc bươu vàng
người dân phun xịt trên ruộng theo nước xuống sông. Sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt không đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Vì vậy, khi HTX Nước sạch Nông thôn ấp C2 nối mạng cấp nước cho người dân, gia đình chị là một trong những hộ đăng ký đầu tiên. Chị Hạnh cho biết: Gia đình của chị sử dụng khoảng 20m3 nước/tháng. Có nguồn nước sạch sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, chị không còn lo bệnh tật như trước nữa. Ông Phạm Hữu Quốc, Chủ nhiệm HTX Nước sạch nông thôn ấp C2, cho biết: HTX thuộc loại hình khá đặc biệt. Bởi vốn của các tổ chức Phi chính phủ đầu tư 70% giá trị xây dựng trạm nhằm hỗ trợ người dân trong vùng dự án có nước sạch, phục vụ sức khỏe cộng đồng. Mục đích này chi phối toàn bộ hoạt động của HTX nên mục tiêu của HTX cũng nhằm đem lại nguồn nước sạch phục vụ đời sống bà con trong ấp với phương châm lấy thu bù chi, đảm bảo tái đầu tư và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Đặc biệt, thời gian đầu hoạt động, dù số hộ sử dụng nước sạch còn ít nhưng HTX chỉ xây dựng giá bán 1m3 nước chỉ bằng 70% giá nước hiện hành cho khu vực nông thôn của TP Cần Thơ. “Tương trợ lẫn nhau để được sử dụng nước sạch giá rẻ là một trong những giá trị mà HTX đem lại cho xã viên” ông Phạm Hữu Quốc chia sẻ.
Với mục tiêu chung vì lợi ích cộng đồng, số hộ xã viên sử dụng nước sạch trong sinh hoạt của HTX cung cấp ngày càng tăng. Nếu như năm đầu tiên hoạt động chỉ có 140 hộ xã viên thì đến nay số hộ xã viên sử dụng nước sạch của HTX trong sinh hoạt lên đến con số 370. Theo đó, doanh thu cũng từ khoảng 64 triệu đồng năm 2009 tăng lên trên dưới 125 triệu đồng trong năm 2013. Đặc biệt, trong năm 2012, HTX trích quỹ dự phòng sắm máy phát điện phục vụ cho bà con những lúc cúp điện. Cách làm này góp phần giảm bớt những khó khăn cho bà con, nhất là những bà con nghèo phải sắm bồn chứa nước dự phòng, phục vụ nhu cầu sử dụng nước 24/24 giờ. Cũng trong năm này, HTX đã tìm thêm được nguồn tài trợ và đã lắp đặt miễn phí đồng hồ nước cho 50 hộ nghèo và cận nghèo trong ấp có nước sạch sử dụng. ông Phạm Hữu Quốc, Chủ nhiệm HTX Nước sạch nông thôn ấp C2, cho biết: Sau 4 năm hoạt động, HTX mới chỉ phát huy 60% công suất thiết kế; hiệu quả kinh doanh còn thấp. Ngoài việc thực hiện nghĩa vụ thuế nhà nước (thuế môn bài, thuế tài nguyên nước
), doanh thu còn lại mới chỉ tạm đủ lấy thu bù chi cho bộ máy hoạt động, chưa xây dựng được các nguồn Quỹ: phát triển sản xuất, Quỹ dự phòng theo Luật định
Vì vậy, cùng với việc phát huy những lợi thế có sẵn, bộ máy tổ chức gọn nhẹ, vừa quản lý, vừa điều hành, HTX thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể để tuyên truyền, vận động người dân tham gia sử dụng nước sạch trong sinh hoạt bảo đảm sức khỏe cho gia đình, cộng đồng. Qua đó cũng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.
Về HTX Nước sạch nông thôn ấp C2, ông Nguyễn Đức Phương, Phó Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, nhận định: Thu nhập của HTX còn thấp so với một số HTX khác. Nhưng đây là mô hình có tính xã hội hóa cao cung cấp nước sạch ở nông thôn hiện nay xuất phát từ nhu cầu nguyện vọng chung của người dân. Vì vậy, HTX được lựa chọn gới thiệu tại Hội nghị HTX điển hình tiên tiến của Liên minh HTX TP Cần Thơ năm 2012 và được UBND thành phố tặng Bằng khen năm 2012, tập thể lao động xuất sắc năm 2013. Tính hiệu quả của HTX thể hiện qua việc tổ chức hoạt động, phát huy sức mạnh tập thể tương trợ lẫn nhau, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự hạch toán kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Chính những đặc điểm này giúp cho HTX tự vươn lên phục vụ tốt cho hộ thành viên sử dụng nước, đồng thời có khả năng duy tu, bảo dưỡng, tái đầu tư mở rộng; bảo đảm tính ổn định lâu dài.
Bài, ảnh: HÀ TRIỀU