06/01/2009 - 20:10

Thị trường chứng khoán năm 2009

Diễn biến hướng nào?

Trái ngược với những dự đoán, kỳ vọng của giới chuyên môn và nhà đầu tư, năm 2008, thị trường chứng khoán (TTCK) trải qua nhiều biến động thất thường. Trước sự tăng trưởng nóng của cổ phiếu, nguồn cung ồ ạt, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới… đã gia tăng áp lực trên đà lao dốc của chỉ số chứng khoán trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, TTCK năm 2008 đã trải qua nhiều phiên “thử lửa” để phát triển vững hơn trong năm 2009.

* HAI NĂM TĂNG TRƯỞNG “NÓNG”

Mặc dù mới phát triển nhưng TTCK Việt Nam được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh cả về quy mô giao dịch, khối lượng và giá trị niêm yết. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index hiện đã giảm gần 70% so với đầu năm 2008. Trong đó, nhóm 10 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao nhất sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) chiếm khoảng 60% tổng vốn hóa. Tại sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC-Index cũng đã giảm hơn 66% và có 7 mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao nhất sàn HaSTC chiếm khoảng 66% tổng vốn hóa. Chỉ số giá chứng khoán tập trung (VN-Index và HaSTC-Index) phụ thuộc nhiều vào diễn biến của các mã cổ phiếu trên do các mã này chiếm phần lớn trong tổng vốn hóa. Tuy nhiên, mức độ giảm của 2 chỉ số này có xu hướng cao hơn so với mức độ giảm của các mã có giá trị vốn hóa lớn. Vì vậy, những mã cổ phiếu có qui mô nhỏ chỉ chiếm một phần ít trong tổng vốn hóa, nhưng mức độ sụt giảm lại rất lớn đã kéo chỉ số VN-Index và HaSTC-Index sụt giảm mạnh hơn phần lớn các mã cổ phiếu có qui mô lớn. Ngoài ra, mức độ sụt giảm mạnh của 2 chỉ số này còn chịu sự chi phối của hàng loạt mã cổ phiếu lớn, mới tham gia niêm yết trên thị trường như: PVF, VCG, LCG, HSG... Các mã này niêm yết với giá tham chiếu cao hơn so với mức độ chấp nhận của nhà đầu tư tại thời điểm đó đã làm cho chính các mã cổ phiếu trên giảm sàn liên tục ảnh hưởng mạnh đến toàn thị trường.

 Năm 2009, thị trường chứng khoán tập trung sẽ hứa hẹn nhiều mã cổ phiếu của các doanh nghiệp có tên tuổi lên sàn.

Trong nội tại TTCK, năm 2008 cũng đã chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan. Ngày 12-3-2007, chỉ số VN-Index trên sàn giao dịch TP HCM xác lập kỷ lục với đỉnh 1.170,67 điểm. Ngày 28-5-2007, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN về việc khống chế dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán ở mức dưới 3%. Lúc này, chỉ số VN-Index trở về mốc 1.098,64 điểm. Ngày 1-2-2008, NHNN ban hành Quyết định 03/2008/QĐ-NHNN nhằm thay thế Chỉ thị 03 về tổng dư nợ cho vay của một ngân hàng không vượt quá 20% vốn điều lệ. Lúc này VN-Index đang đổ dốc về 859,62 điểm. Cùng với những điều chỉnh trong chính sách quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản (Nghị định 153/2007/NĐ-CP ngày 15-10-2007 và Thông tư 13/2008/TT-BXD ngày 21-5-2008) tính thanh khoản của thị trường càng kém hấp dẫn. Thị trường bất động sản dần đóng băng, càng làm cho nhà đầu tư bán cổ phiếu ra để thanh toán các khoản phải trả trong giao dịch bất động sản.

Năm 2008, thị trường tài chính trải qua nhiều “sóng gió”, nhất là biến động của lãi suất cơ bản, tỷ giá giữa đồng đô-la Mỹ và đồng Việt Nam. Nếu quý I-2008, tỷ giá VND/USD trên thị trường liên ngân hàng giảm từ mức 16.112 VND/USD xuống còn 15.960 đồng, thì trên thị trường tự do, mức giá lúc đó chỉ còn 15.700 - 15.800 VND/USD. Quý II-2008, tỷ giá VND/USD có lúc lên tới 19.500 VND/USD (ngày 18-6-2008, cao hơn 2.600 đồng so với mức giá trần); còn trên thị trường tự do tỷ giá này cao hơn khoảng 100-150 đồng. Về lãi suất, từ đầu năm 2008, lãi suất cơ bản được duy trì ở mức 8,25%/năm tăng nhẹ lên 8,75%/năm (ngày 1-2-2008). Khi lạm phát trong nước tăng cao, lãi suất cơ bản đạt đỉnh điểm là 14%/năm, ngày 11-6-2008. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại lập tức được điều chỉnh lên 21%/năm đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) rất nhiều. Chỉ số VN-Index tiếp tục kéo dài cuộc đổ dốc.

Nguồn vốn cho TTCK bị hạn chế làm suy giảm sức cầu, trong khi nhiều mã hàng mới liên tục được niêm yết. Đáng chú ý trong thời gian qua là sự kiện IPO (bán đấu giá lần đầu ra công chúng) của hàng loạt DN có tên tuổi như: Vietcombank, Sabeco, Habeco, Công ty Cho Thuê Tài chính II (thuộc Ngân hàng NN&PT Nông thôn) và gần đây nhất là Vietinbank (ngày 25-12-2008) với một nguồn cung hàng hóa rất lớn cho thị trường vốn. Với các cam kết về lộ trình mở cửa thị trường tài chính khi gia nhập WTO, dự báo kế hoạch IPO trong thời gian sắp tới còn xuất hiện nhiều DN có tên tuổi khác như: Vinafone, Việt Nam Airline, Tổng Công ty Điện Lực Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB)... Do đó, nguồn cung hàng hóa cho thị trường vốn sẽ còn rất lớn.

* DANH MỤC ĐẦU TƯ NÀO?

Sự biến động khó lường của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rơi vào tình trạng khó khăn. Hiện tại, những biến động của nền kinh tế đã tác động không tốt cho TTCK. Vì vậy, thị trường có thể sẽ còn những phiên sụt giảm sau đó sẽ ổn định trở lại khi chính sách hỗ trợ kinh tế được phát huy tác dụng.

Đối với mã cổ phiếu ngành tài chính, ngân hàng sẽ có tiềm năng tăng trưởng ổn định trong dài hạn. NHNN hiện đang tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại. Đồng thời, tạo thêm thanh khoản cho thị trường nhằm giúp đỡ cho các DN vừa và nhỏ có thể giải quyết được phần nào khó khăn trước mắt. Do đó, tình hình kinh doanh của ngành dịch vụ tài chính, với nghiệp vụ đầu tư và dẫn vốn cho nền kinh tế, trong tương lai sẽ dần được nới rộng trở lại. Trong đó, các mã cổ phiếu tiềm năng phải kể đến ACB, SSI, PVI.

Đối với mã ngành bất động sản (ITA, KBC, SJS...), bên cạnh những khó khăn trước mắt, thị trường bất động sản vẫn được đánh giá là có nhiều tiềm năng trung và dài hạn do nhu cầu thiếu hụt ở tất cả các mảng thị trường (nhà ở, văn phòng cho thuê...). Khi thị trường hồi phục, bất động sản sẽ là một trong những ngành tiên phong tăng giá, đặc biệt là các DN có nguồn vốn lành mạnh, dự án khả thi.

Các mã ngành dầu khí, điện (PVD, PVC, PVS, TBC, VSH...) cũng sẽ hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Riêng ngành điện lực, định hướng phát triển trong thời gian tới là đang trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm để tiến tới thị trường điện cạnh tranh. Với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế, nhu cầu tiêu thụ điện năng sẽ ngày càng gia tăng và có tiềm năng phát triển.

Đối với các cổ phiếu ngành vật liệu cơ bản (DPM, NTP, BMC...), sức tiêu thụ các sản phẩm nông sản làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hay nhiên liệu sinh học của các nước trên thế giới dự kiến vẫn giữ ở mức cao. Riêng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm phân bón của thế giới sẽ tăng vững trong 5 năm tới. Tại thị trường trong nước, sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính do đó nhu cầu phân bón rất cao. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản mặc dù đang trong thời kỳ phát triển, nhưng trong hơn một thập kỷ qua, tổng sản lượng khai thác khoáng sản hàng năm của cả nước tăng trung bình 10%.

Theo nhận định của bà Võ Thị Hường, phụ trách Phòng môi giới Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông, hiện tại đã có một số tín hiệu tốt hỗ trợ DN như chi phí đầu vào giảm mạnh, tín dụng dần được khơi thông... Những tháng cuối cùng của năm 2008, cùng với việc lạm phát dần dần được khống chế, các giải pháp kích cầu được đặt ra, lãi suất cơ bản đã lần lượt giảm về 13%/năm, 11%/năm, 10%/năm và xuống còn 8,5%/năm (ngày 22-12-2008). Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại tối đa ở mức 12,75%/năm. Đây là tiền đề để DN khôi phục lại sản xuất và mở rộng kinh doanh. Các dấu hiệu trên có thể sẽ biểu hiện rõ ở quý II hoặc quý III-2009.

Bài, ảnh: Triều Dâng

Chia sẻ bài viết