07/02/2023 - 16:54

Điện ảnh Nga gặp khó 

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Variety, Hollywoodreporter)

Ðiện ảnh Nga đang phải đối mặt với thị trường ngày càng eo hẹp và vấn nạn chảy máu chất xám. Nhiều hãng sản xuất, nhà làm phim đang tìm giải pháp, hướng đi mới để vực dậy ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia.

Phim “Woland” dự kiến ra rạp trong năm nay.

Năm 2022, điện ảnh Nga bị ảnh hưởng nặng khi nhiều tập đoàn truyền thông giải trí nước ngoài rời đi. Chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất là các rạp chiếu, vì thu nhập từ phát hành phim Mỹ chiếm từ 70-80% tổng thu nhập hằng năm ở rạp chiếu Nga. Cụ thể, năm qua việc vắng bóng “Batman”, “Morbius” đã khiến các nhà phát hành thiệt hại khoảng 5 tỉ rúp.

Hệ lụy tất yếu là nhiều rạp phải đóng cửa. Ðầu năm 2023, Ban giám đốc rạp Mirage Cinema thông báo bắt đầu đóng cửa một số điểm chiếu phim của đơn vị và dự báo đến cuối năm có thể hơn một nửa số rạp chiếu trong nước sẽ đóng cửa. Trong khi đó, đại diện của Karo ART, một trong những chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất ở Nga, cho biết số lượng khán giả đã giảm 50% và các rạp cũng không có nhiều phim để chiếu. Do đó, Karo ART đang lên kế hoạch chiếu lại những bộ phim đã phát hành trước đây để tăng số lượng người xem.

Hiệp hội các chủ sở hữu rạp chiếu phim cũng đang kêu gọi sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng. Thực tế, số lượng và chất lượng của các phim Nga được phát hành không đáp ứng đủ nhu cầu về nội dung của các rạp chiếu. Trong khi đó có nhiều phim khác đã bị hoãn lại hoặc bị hủy bỏ hoàn toàn, gây nên tình trạng thiếu phim mới trầm trọng ở rạp. Hiện chỉ có một số phim như: “First Oscar”, “Empire V”, “14+”, “December”, “Woland”… là có kế hoạch ra rạp trong năm nay.

Trước thực trạng này, các nhà sản xuất, nhà làm phim đang tìm các giải pháp để phim Nga được phát hành nhiều hơn. Ðạo diễn kiêm nhà sản xuất phim Alexander Rodnyansky đề xuất có thể chú trọng vào một số thể loại cơ bản, như kinh dị và hài. Ðây là những phim giải trí ít tốn tiền, không bắt người xem phải động não, dễ xem và giúp nhà sản xuất tiết kiệm chi phí sản xuất. Trong khi đó, nhà phê bình Andrey Plakhov cho rằng các nhà làm phim Nga nên quay những phim về đề tài yêu nước vì đang phù hợp xu thế. Nhiều nhà làm phim Nga cũng mạnh dạn đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng phim. Vladislav Pasternak, Giám đốc sản xuất của hãng phim HHG, cho biết: “Phim của chúng tôi được quay bằng thiết bị, linh kiện nhập khẩu nên có khả năng cạnh tranh cao”.

Mặc dù sản xuất phim Nga đang được quan tâm nhưng phía nhà đầu tư lại khá e ngại vì kinh phí. Sự chênh lệch tỷ giá tiền tệ làm cho các giao dịch thêm khó khăn. Các nhà sản xuất ngại đầu tư số tiền lớn để sản xuất phim vì độ rủi ro cao. Trong khi đó, việc mua phim nước ngoài về phân phối tại rạp cũng vấp nhiều khó khăn, bởi hiện rất khó nắm bắt thị hiếu của khán giả. Khi các phim Hollywood rút khỏi rạp, các nhà phân phối tại Nga cũng suy xét đến các phim ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Ðộ… Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định khán giả Nga có yêu thích các phim này không?

Ðiện ảnh Nga cũng khó tìm đường xuất khẩu và tiếp cận khán giả toàn cầu. Các nền tảng trực tuyến như Netflix vốn là cơ hội tốt để đưa phim ảnh Nga đến khán giả quốc tế, tuy nhiên do tình hình chiến sự, dịch vụ phát trực tuyến đã tạm dừng và nhiều phim Nga cũng bị hoãn chiếu trên các dịch vụ này.

Trong khi đó, nhiều nhà làm phim cũng đang lựa chọn rời khỏi nước Nga bởi những khó khăn trong đời sống. Nhiều nhà làm phim Nga rời khỏi đất nước vốn đã có danh tiếng ở Pháp, Mỹ như: đạo diễn Andrey Zvyagintsev, đạo diễn Kantemir Balagov… Ðiện ảnh Nga đang đối diện với việc “chảy máu chất xám” nhân tài ngày càng nhiều.

Chia sẻ bài viết