20/11/2015 - 09:56

Điểm sáng ngành giáo dục

Là trường vùng ven thành phố, còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, Trường THPT Hà Huy Giáp (huyện Cờ Đỏ) và THPT Giai Xuân (huyện Phong Điền) nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những điểm sáng ấy góp phần tô điểm thêm bức tranh đẹp ngành giáo dục thành phố…

Vươn lên từ gian khó

Những ngày này, đến Trường THPT Hà Huy Giáp, dễ dàng cảm nhận không khí chan hòa, ấm áp của Ngày Nhà giáo Việt Nam. Càng phấn khởi hơn trước sự "thay da, đổi thịt" của trường. Trường được đầu tư xây mới, đưa vào sử dụng năm 2014, với khối nhà quy mô 1 trệt 3 lầu gồm: phòng học, phòng thí nghiệm lý - hóa - sinh, phòng ngoại ngữ... Thầy Huỳnh Văn Võ, Phó Hiệu trưởng nhà trường, phấn khởi nói: "Nhờ các cấp lãnh đạo địa phương, ngành giáo dục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang hiện đại, nên thầy và trò có điều kiện dạy và học tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, trường có 1.156 học sinh, với 79 cán bộ, giáo viên, nhân viên".

Qua 35 năm hình thành phát triển, thầy và trò nhà trường phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tiền thân là phân hiệu trường cấp 3 Ô Môn (thành lập năm 1980), năm 1999, trường vinh dự mang tên nhà cách mạng lão thành Hà Huy Giáp. Năm 2005, trường tách cấp 2 ra khỏi cấp 3, với mấy phòng học tạm bợ, thường xuyên ngập nước và cỏ sậy, không có thư viện và phòng thực hành. Muốn đến trường phải ngồi đò từ Ô Môn đến Cờ Đỏ mất 3-4 tiếng nên có những giáo viên được phân công về trường nhưng không nhận nhiệm sở vì ngại "đò giang cách trở", trường triền miên gặp khó với tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất nghèo nàn. Theo lãnh đạo nhà trường, để khắc phục khó khăn, trường tận dụng, sửa sang phòng cũ để làm phòng học, thư viện; phối hợp với Hội cha mẹ học sinh vận động đóng góp xây dựng nhà tập thể, nhà công vụ để "giữ chân" giáo viên ở xa…

Giờ học lý thuyết của thầy trò Trường THPT Giai Xuân.

Theo cô Trần Thị Kim Tuyến, giáo viên dạy môn Hóa và là giáo viên dạy giỏi cấp trường, tâm sự: "Quê ở huyện Vĩnh Thạnh, khi mới về trường, tôi rất bỡ ngỡ và lo lắng, bởi đường sá đi lại, chỗ ở khó khăn. Nhưng chính sự đoàn kết, giúp đỡ nhau của các thầy cô, sự mộc mạc của học sinh như sợi dây vô hình buộc chặt tôi. Dần dà, tôi trở thành "dân" Cờ Đỏ lúc nào không hay". 35 tuổi đời, 14 năm tuổi nghề, đủ để cô Tuyến trải nghiệm với nghề, hiểu tâm tư tình cảm của học trò và có phương pháp dạy tốt. Cô Tuyến nói: "Tùy vào đối tượng học sinh mà cách dạy khác nhau. Đối với học sinh giỏi, tôi sẽ tăng cường bài tập nâng cao, còn học sinh trung bình, yếu thì cho những bài tập vừa sức để nâng cao chất lượng giáo dục". Theo cô Lương Thị Lan Phương, Phó Hiệu trưởng của trường, khi còn khó khăn, thầy và trò trường nỗ lực khắc phục để dạy và học tốt, nay điều kiện thuận lợi hơn thì càng phải quyết tâm cao hơn để giữ vững thành tích đạt được, xứng đáng với ngôi trường vinh dự mang tên cụ Hà Huy Giáp!

Giáo viên đỡ đầu học sinh

Nhắc đến Trường THPT Giai Xuân, nhiều cán bộ quản lý giáo dục đều nể phục, bởi trường mới thành lập gần 4 năm nay nhưng thầy và trò đã nỗ lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vào tháng 7-2015. Trường có 941 học sinh ở 27 lớp, với 67 cán bộ, giáo viên, công nhân viên (trong đó có 58 giáo viên). 100% giáo viên đạt chuẩn và 10 giáo viên trên chuẩn, 1 giáo viên đang học trên chuẩn. Để đạt chuẩn quốc gia đòi hỏi trường phải đạt 5 tiêu chí quy định của Bộ GD&ĐT; trong đó chất lượng giáo dục quan trọng nhất. Thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Trường ở vùng ven thành phố, điều kiện đi lại khó khăn, học sinh thuộc nhiều đối tượng, ở nhiều nơi giáp với địa bàn huyện nên chất lượng thấp so với các trường khác. Để nâng cao chất lượng giáo dục, trường tập trung xây dựng phong trào thi đua dạy tốt, học tốt hiệu quả". Trước mắt, trường phát động phong trào 1 giáo viên nhận hỗ trợ 1-3 học sinh khó khăn về vật chất lẫn tinh thần; trong đó học sinh lớp 12 (năm cuối cấp) phần lớn giao đảng viên đảm trách.

Đơn cử trường hợp em Kiều Thị Như Thảo, học sinh lớp 12A2, học sinh giỏi của trường và đạt giải Nhì (ở lĩnh vực môi trường) cấp quốc gia trong cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn. Chuyển về trường học từ năm lớp 10, Thảo sống với ông bà ngoại và em gái học lớp 7. Gia đình Thảo rất khó khăn, cha mẹ đi làm ăn xa. Vì thế, khi được nhà hảo tâm tài trợ học bổng, trường quan tâm hỗ trợ Thảo, giúp em vượt khó, học tốt. Thảo bộc bạch: "Thời gian qua, em rất biết ơn nhà trường giúp đỡ để có điều kiện học tập. Sắp tới, em cố gắng học để tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào đại học. Trước mắt, em tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học liên quan lĩnh vực văn hóa-xã hội".

Làm nên thành công của trường không thể thiếu vai trò của thầy, cô giáo. Thầy Nguyễn Văn Vũ (dạy môn Sinh, giáo viên giỏi cấp trường) là một trong số thầy cô đã hướng dẫn học sinh làm đề tài và "rinh" giải thưởng quốc gia tại cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Mới 3 năm công tác nhưng thầy Vũ được xem là một trong những giáo viên "mát tay" trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi. Thầy Vũ nói: "Lãnh đạo trường quan tâm tạo điều kiện làm việc, học tập và phát động nhiều phong trào thi đua dạy tốt, học tốt thiết thực. Nhất là việc giáo viên nhận đỡ đầu học sinh, giúp nhiều em vượt khó, học tốt, hạn chế thấp nhất việc bỏ học. Tuy trường thiếu giáo viên nhưng học sinh nào khó khăn, tôi và đồng nghiệp tranh thủ tìm cách hỗ trợ, như vận động học sinh cuối cấp tặng sách, quần áo cũ cho học sinh khó khăn…". Với cách làm này, năm học 2014-2015, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường đạt 100%. Tại cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, trường đạt 1 giải Ba cấp quốc gia, 3 giải (Nhì, Ba và Khuyến khích) cấp thành phố.

Theo lãnh đạo ngành giáo dục thành phố, Trường THPT Hà Huy Giáp và THPT Giai Xuân là 2 trong số rất nhiều trường THPT là điểm sáng trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành. Ngoài ra còn có thể vinh danh các trường: THPT Thuận Hưng, THPT Thạnh An, THPT Thốt Nốt… Từ những điểm sáng này, ngành tiếp tục phát huy, nhân rộng, làm nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo của thành phố.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết