23/12/2019 - 10:48

Điểm nhấn trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp 

Năm 2019, thành phố tiếp tục quan tâm mời gọi các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn. Qua đó, có nhiều dự án mới được trao Giấy chứng nhận đầu tư, một số dự án đang hoạt động đăng ký tăng vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển. Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ luôn thể hiện tinh thần chung của thành phố là đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư sau khi cấp phép; đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ.

Tăng đầu tư

Năm 2019, các KCN của thành phố thu hút 9 dự án mới với tổng vốn đầu tư 34,96 triệu USD, điều chỉnh 8 dự án tăng vốn với tổng số vốn 24,04 triệu USD; đồng thời thu hồi 6 dự án với vốn đầu tư 9,153 triệu USD; lũy kế đến nay có 246 dự án còn hiệu lực. Trong đó có 223 dự án đang hoạt động, 9 dự án đang xây dựng, 9 dự án chưa triển khai, 5 dự án đang tạm ngưng thi công. Các dự án thuê 486ha đất công nghiệp, tổng vốn đăng ký 1.750 triệu USD, vốn thực hiện đến cuối năm 2019 đạt 1.056 triệu USD, chiếm 60,34% tổng vốn đăng ký. Tổng doanh thu các dự án đang hoạt động ước thực hiện 1.830 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Số lao động đang làm việc 34.416 lao động, tăng 4.440 lao động so với năm 2018.

Năm qua, thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng: Hội thảo “Xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ dành cho doanh nghiệp Nhật Bản” tại TP Hồ Chí Minh, Diễn đàn Mekong Connect 2019, Chương trình giao lưu văn hóa Việt-Nhật lần thứ 5. Đây là những sự kiện quan trọng để quảng bá hình ảnh thành phố và mời gọi thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực, trong đó có các dự án mời gọi đầu tư vào các KCN…. Cùng với quá trình mời gọi nhà đầu tư vào hoạt động, các KCN của thành phố đã chủ động đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung để đảm bảo vấn đề môi trường trong khu. Đến nay, nhà máy xử lý nước thải KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động. Chủ đầu tư đang tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2 với công suất 6.000m3/ngày đêm và dự kiến hoàn thành trong quý I-2020; Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Thốt Nốt đang được đầu tư nâng công suất lên 5.000m3/ngày đêm. Nhà máy xử lý nước thải KCN Hưng Phú 1 (Cụm A) cũng đang đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật…

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, nhà đầu tư vào KCN cần đất sạch để triển khai ngay dự án. Vì thế, các chính sách bồi thường thỏa đáng, hợp lý, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải tỏa để nhanh chóng có đất sạch, triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN và kêu gọi đầu tư. Trong năm qua, thành phố cũng quan tâm đến tiến độ triển khai dự án của các chủ đầu tư hạ tầng KCN; chủ động rà soát các dự án triển khai chậm tiến độ để cắt giảm quy mô và tìm kiếm lựa chọn chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN mới với yêu cầu phải có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý và thu hút đầu tư …

Tạo sức hút

Năm 2020, thành phố đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN. Theo đó, tập trung cho công tác xúc tiến thu hút đầu tư; đảm bảo diện tích đất sạch sẵn có, đáp ứng kịp thời nhu cầu khảo sát và đầu tư dự án của các nhà đầu tư tiềm năng. Dự kiến năm 2020, vốn đầu tư tiếp nhận vào các KCN từ 80-100 triệu USD; giá trị sản lượng công nghiệp 1.310 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu 712 triệu USD; giải quyết việc làm mới từ 3.000-5.000 lao động. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư sau khi cấp phép; đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ.

Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy tính trên tổng diện tích các KCN của Cần Thơ là rất thấp, (chỉ có KCN Trà Nóc 1, 2 cơ bản đã lấp đầy). Từ khi Cần Thơ trở thành thành phố loại I trực thuộc Trung ương, giá đất tại các quận nội thành biến động tăng hằng năm rất nhanh. Trong khi các KCN Cần Thơ đều nằm trên địa bàn các quận và gần khu dân cư, nhà dân ở trong quy hoạch KCN nhiều, nên đền bù nhiều làm tăng chi phí cho nhà đầu tư, dẫn đến giá cho thuê lại đất tăng rất cao. Do đó, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp thành phố đang đề xuất thành phố xem xét chuyển đổi vị trí quy hoạch của KCN Ô Môn (600ha), KCN Bắc Ô Môn (400ha) và KCN Thốt Nốt (Phân kỳ 2) ra các khu vực nằm xa đô thị, gần các tuyến cao tốc, đường dự mở ở địa bàn các huyện. Với việc chọn vị trí quy hoạch KCN nằm xa khu đô thị nhằm giảm chi phí đền bù,  giảm chi phí đầu tư hạ tầng, không ảnh hưởng giá cho thuê đất cao như hiện nay. Ngoài ra, nằm cạnh các tuyến đường cao tốc, đường dự mở miễn sao có cơ sở hạ tầng tốt sẽ thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp, dễ dàng thu hút đầu tư hơn; tạo điều kiện cho vùng nông thôn phát triển và giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động tại địa phương.

Cổng vào KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, chia sẻ: Trong năm 2020, Ban Quản lý sẽ tăng cường tham gia cùng thành phố thực hiện công tác xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, kết hợp giữa việc tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư chung với việc gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với từng nhà đầu tư hay từng nhóm nhà đầu tư ở từng quốc gia. Sắp tới, Ban sẽ cùng thành phố tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm tập trung mời gọi các dự án trọng điểm. Đồng thời, phối hợp với các Trung tâm tư vấn trong và ngoài nước có uy tín và kinh nghiệm để thu hút đầu tư. Quan tâm đến xúc tiến đầu tư đối với các nhà đầu tư FDI nhưng cũng không bỏ quên các nhà đầu tư trong nước. Từ đó, phát huy mối quan hệ và cả trách nhiệm thu hút đầu tư của các cấp, các ngành để thu hút hiệu quả các dự án đầu tư vào các KCN của thành phố.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết