Hiện nay, nhiều đơn vị, địa phương ở khu vực ĐBSCL đang đẩy mạnh xu hướng xây dựng và phát triển du lịch canh nông kết hợp với giáo dục. Mô hình này không chỉ khai thác thế mạnh nông nghiệp ở địa phương, mà còn góp phần quảng bá văn hóa bản địa. Một định hướng phát triển du lịch bền vững đang được triển khai và nông trại Phan Nam (An Giang) là điểm đến điển hình mới về loại hình du lịch này.
Các em nhỏ trải nghiệm tại vườn cà chua của nông trại Phan Nam.
Nằm trên con đường nhỏ liên xã ở ấp Bình Khánh, xã Mỹ Khánh, TP Long Xuyên, nông trại Phan Nam trở thành điểm đến ưa thích của người dân An Giang và du khách gần xa mỗi khi ghé đến địa phương này. Bởi lẽ nông trại có không gian xanh thoáng đãng, nhiều trải nghiệm và dịch vụ phù hợp cho mọi gia đình và mọi người, từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên cho đến người lớn tuổi.
Trên diện tích 4ha, nông trại được chia thành nhiều khu vực như: khu trò chơi, khu ăn uống, khu công nghệ cao, vườn dược liệu, vườn hoa, vườn trái cây rộng lớn... Anh Trần Linh Tâm, Trưởng trại sản xuất Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam, cho biết: “Ban đầu, nơi đây được thành lập với phương châm mang thực phẩm an toàn từ nông trại đến bàn ăn mọi gia đình. Chúng tôi trồng rau, củ, quả theo hướng nông nghiệp trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP, bên cạnh các phương pháp truyền thống với tiêu chuẩn an toàn. Sau đó, chúng tôi mới mở rộng và phục vụ du khách, chủ yếu là các em học sinh, từng bước hình thành mô hình du lịch canh nông kết hợp giáo dục”.
Nông trại Phan Nam hiện được thiết kế theo hai khu chính. Trong đó, khu A khoảng 2ha dành cho hệ thống nhà màng, nhà lưới, khu ẩm thực và nhà trưng bày. Còn lại là khu B dùng để trồng rau an toàn và trồng dược liệu. Hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng nhiều loại cây theo ứng dụng công nghệ cao: dưa lưới, dưa lê, cà chua bi, cherry, dưa leo baby… Khu dược liệu trồng nhiều loại cây: đậu biếc, bụp giấm, sâm bố chính… Các loại cây trồng này được sử dụng trong ẩm thực với những món đặc sản của nông trại, như: bánh xèo, bánh khọt ngũ sắc, trà hoa đậu biếc, atiso đá bào… Điểm nhấn của nông trại là vẫn giữ được khung cảnh tự nhiên với những triền đê, con rạch tự nhiên, với không gian xanh chiếm hơn 80% diện tích. Du khách đến đây có thể tự do bơi ghe, câu cá và hái trái cây (ổi, đu đủ...), thưởng thức trà hoa đậu biếc, hay hái cà chua ăn tại vườn thoải mái… Tại đây có nhiều tiểu cảnh, từ vườn hoa hồng đến vườn dược liệu, vườn xương rồng được thiết kế tạo điểm nhấn để du khách chụp ảnh lưu niệm, rất đẹp.
Trong số các hoạt động tại Phan Nam, nổi bật là chương trình trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”. Khi đến với nông trại, du khách sẽ được hướng dẫn khám phá vườn cây ăn trái, tự tay thu hoạch và thưởng thức rau, củ, quả sạch, tươi mới ngay tại chỗ; hay trải nghiệm quy trình trồng rau, quy trình sản xuất rau an toàn, thu hái dược liệu… Trong hệ thống nông sản tại Phan Nam, có 3 sản phẩm: dưa lưới, ổi nữ hoàng và cà chua bi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và cũng được UBND tỉnh An Giang công nhận là sản phẩm nông nghiệp an toàn. Các sản phẩm rau, củ quả sạch của nông trại được cung cấp vào hệ thống cửa hàng rau sạch của công ty Phan Nam tại Long Xuyên, Phú Tân, Châu Thành và Thoại Sơn.
Ngoài sản xuất các sản phẩm tự cung cấp cho chuỗi cửa hàng nông sản an toàn, Phan Nam còn là đơn vị đầu tiên của tỉnh An Giang thực hiện mô hình du lịch canh nông kết hợp giáo dục, trở thành điểm đến mới trong phát triển du lịch địa phương. Anh Trần Linh Tâm, Trưởng trại sản xuất, cho biết: “Với mô hình này, chúng tôi muốn tập trung chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình trồng và tạo ra những sản phẩm an toàn từ thế mạnh nông nghiệp của địa phương với các bạn trẻ, đặc biệt là đối với các em học sinh. Theo đó, chúng tôi kết hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo của địa phương để kết hợp thực nghiệm chương trình trải nghiệm trong các buổi học hướng nghiệp dành cho các em”.
Nông trại Phan Nam là một mô hình du lịch tận dụng lợi thế và đặc thù địa phương, phát huy được những thế mạnh về nông nghiệp, văn hóa, con người An Giang. Vì vậy, nông trại vừa được UBND tỉnh An Giang công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
Thông tin về hoạt động nông trại Phan Nam:
Vé vào cổng: 30.000 đồng/người lớn và 10.000 đồng/trẻ em
Thời gian hoạt động: từ 7h-17h mỗi ngày
Hotline: 0888367788
|
Bài, ảnh: ÁI LAM