21/06/2024 - 09:01

Di sản nơi mình đang sống 

Khi mọi thứ có vẻ bình lặng, thậm chí ế ẩm; hãy đánh thức di sản để lấy lại phong độ. Có ai đó khuyên bạn chuyển nghề làm du lịch, nhưng câu trả lời lại là câu hỏi…

Vui chơi ở làng Barbizon. Ảnh: Đỗ Khuê

Di sản ở đâu ra?

"Ở nơi chúng ta đang sống" - Đó là câu trả lời của Nhóm bạn đã luống tuổi, cộng số tuổi của họ lại có thể lên đến 1.000. Cái lý của sự im lặng, di sản phải chờ được công nhận. Cách nghĩ đơn giản nhất là nhà xưa, chợ cổ, di tích… nhưng thực tế là nhiều thứ đã biến mất hoặc chỉ còn lại lớp vỏ đã xuống cấp theo thời gian; hầu hết mất kết nối với gốc tích nên dù muốn "phục dựng" sự tích để kể thì câu chuyện cũng vô hồn.

Đạo diễn Đỗ Khuê có kinh nghiệm làm sống lại di sản và mô tả theo dòng chảy món ngon gắn với tài nguyên bản địa. Những câu chuyện dây mơ rễ má từ bánh trái, bông hoa, cá mắm,  xôi chè… tới cá tính không màu mè, sắc thái văn hóa chân thực của vùng châu thổ (Cần Thơ phố) so sánh với những nét văn hóa ở nơi ông đã đi qua. Cách làm ấy bật lên sách thái riêng biệt và rất gần với nội dung của Di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu (GIAHS - Globally Important Agriculture Heritage).

Không cần cầu kỳ, cứ làm đúng cách, hiểu đúng nguồn, qua tới Paris tự tay ông nấu món ngon quê nhà với nguyên liệu mang theo là một cách vừa gợi nhớ vừa đối chiếu. Trong 4 tháng cùng con cháu, bạn bè nghiền ngẫm di sản Đông - Tây, đạo diễn Đỗ Khuê chia sẻ một câu chuyện tình cờ đến làng Barbizon đúng vào Journées du Patrimoine (Ngày Di sản). Được tổ chức thường niên vào 2 ngày cuối tuần thứ ba của tháng 9; hóa ra những ngôi làng nhỏ lẫn khuất đâu đó, cách xa quốc lộ, khi xuyên rừng lúc băng qua cánh đồng, nhưng vẫn có sức thu hút lạ lùng với du khách chứ không chỉ ở Paris tráng lệ và náo nhiệt.

Làng Barbizon chuyên nghề xẻ gỗ nhưng đó là bìa rừng Fontainebleau nổi tiếng của nước Pháp. Du khách Đỗ Khuê kể lại: Nơi đây có lâu đài, dinh thự hoàng gia thuộc nhiều triều đại, từ François đệ nhất cho tới Napoleon đệ tam. Nếp sống vương giả từ xa xưa có múa hát nhạc kịch, có xưởng tranh, tượng, có đủ loại hình nghệ thuật… Là nơi tập trung nhiều xưởng vẽ của các bậc thầy hội họa từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Điển hình là Jean-François Millet, họa sĩ tiên phong của trường phái Barbizon thế kỷ XIX, Barbizon thu hút du khách với cái tên "làng họa sĩ".

Không gian xưa cũ của Barbizon được phục dựng, đơn giản với những chiếc xe hơi cổ đậu dài dài dọc dọc suốt một đoạn đường dài. Vài họa sĩ dựng giá vẽ khoan thai làm việc giữa dòng người qua lại. Quán café vỉa hè, khách ngồi kín. Một cổ xe ngựa chở mấy đứa trẻ dạo chơi trên các con đường đầy ắp tiếng cười. Các xưởng vẽ, bảo tàng tư nhân, gallery mở cửa bày bán từ tranh tượng, đồ thủ công cho tới các loại kỷ vật gắn liền với đời sống của làng. Những người chăn nuôi gia súc quây các bó rơm thành rào, thả dê, cừu, ngựa ở khoảng sân rộng trước nhà thờ. Họ trò chuyện để du khách hiểu về sinh hoạt của làng, của nhà nông một cách thân thiện, hào hứng. Mọi hoạt động vui chơi thưởng ngoạn bày ra hết sức tự nhiên trên các ngã đường lát đá mòn nhẵn. Nhịp sinh hoạt, không gian kiến trúc, cùng với sự hưởng ứng của du khách đã làm nên "hồn cốt" di sản của ngày hội, tại ngôi làng tuổi đời nhiều thế kỷ.

Monpazier giống như Barbizon, là thành viên Les Plus Beaux Villages de France (Những ngôi làng đẹp nhất nước Pháp), ông Đỗ Khuê so sánh: Monpazier có cách thu hút du khách với quần thể kiến trúc bằng đá, phong cách bastide điển hình của một thị trấn kiên cố thời Trung cổ ở vùng Tây Nam nước Pháp. Được xây dựng từ thế kỷ 13, bởi vua Anh, Edward I. Anh - Pháp từng tranh chấp dai dẵng cả trăm năm trước khi Monpazier vĩnh viễn thuộc Pháp.

Khu trung tâm Monpazier có một quảng trường nhỏ hơn, là nơi họp chợ phiên vào thứ năm hằng tuần - suốt nhiều thế kỷ. Ở một cạnh của quảng trường là nhà lồng chợ, để trống, mái ngói, những hàng cột gỗ đậm dấu thời gian; người ta đặt 3 thùng sắt tròn kiểu thùng phuy trên bệ đá lớn, tra cứu biết đó là dụng cụ để đong đếm khối lượng hàng bán tại chợ cho nhiều mục đích khác nhau, như thống kê, kiểm định hoặc thu thuế.

Con đường lát đá dẫn vào quảng trường trung tâm, vây quanh quảng trường là các cửa tiệm. Đặc biệt, tiệm bán đồ ăn kiểu Pháp ở đây có vịt đúc lò và nhiều món chế biến từ gan vịt. Món salade vịt - đặc sản miền Nam nước Pháp - gồm rau củ, nấm, ức vịt xông khói, thịt vịt nấu mềm, điểm thêm miếng pate gan vịt xếp trịnh trọng trên thanh bánh mì, phủ một lớp hoa muối (Fleur de sel) lóng lánh.

Không gian di sản…

Những ngôi làng cổ ở Pháp bao giờ cũng có ít nhất một quán cafe, quán rượu và lò bánh mì, thường kề bên nhau. Cà phê ngon và cung cách chào đón phục vụ không khác gì ở Paris. Khéo kiến tạo không gian bảo tồn di sản vật thể hay phi vật thể để mọi thứ làm cho cuộc sống thêm hương vị, cuốn hút; đầu tiên là sáng kiến của nước Pháp, tới năm 1991 trở thành nguồn cảm hứng cho 50 nước trên thế giới.

Nước Pháp có hơn 45.000 di tích lịch sử được bảo vệ, trong đó khoảng 13.500 di tích đã được công nhận cấp quốc gia. Khoảng 44% trong số này thuộc sở hữu tư nhân, 41% thuộc về các tỉnh, thành phố và chỉ 4% thuộc về Nhà nước. Năm 2022, những Ngày di sản có chủ đề "Patrimoine durable'' (Di sản bền vững), lan rộng ở nhiều nước châu Âu.

Có những thứ giống nhau mà thành gần gũi, rồi ưa thích. Có khi khác biệt mà không xa lạ lại gây hứng thú. Có lẽ từ xa xưa, Thomas Cook (22/11/1808 - 18/7/1892), cha đẻ ngành du lịch lữ hành cũng chỉ mong như vậy.

Cũng là quán Café, sân chợ và nhà lồng mà sao nó chạm tới ký ức một thời ở đâu đó nơi mình đang sống, bùi ngùi khi ký ức trống rỗng, ngơ ngác tìm lại những gì đã mất, lữ khách Đỗ Khuê nói khi trở về nhà. Người ta nói sự trống rỗng đó là do đã quen mắt nhìn của những góc phố, dinh thự, công trình từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Đà Lạt và phố xá ở bến Ninh Kiều, Bình Thủy… những kiến trúc một thời mang dấu ấn Ernest Hébrard.

May mắn, khu vực chợ Hàng Dương (ngày nay gọi là chợ cổ Cần Thơ), vẫn nguyên vẹn. Được xây dựng trên diện tích 1.723m2 vào năm 1915 cùng thời với chợ Bến Thành và chợ Bình Tây (TP Hồ Chí Minh), công trình này mang phong cách kiến trúc của Ernest Hébrard, người từng đạt giải thưởng Prix de Rome; Giáo sư của trường Mỹ thuật Đông Dương, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương, cha đẻ phong cách độc đáo này.

Soái phủ Sài Gòn ra nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành lập hạt Cần Thơ - thủ phủ là làng Tân An, ngày 23-2-1876. Tới năm 1879, Nicolai từ Trà Ôn nhậm chức chánh tham biện hạt Cần Thơ mới có sự thay đổi lớn nhờ khai khẩn đất đai, mở rộng đường xá, xây cất chợ búa - suốt từ năm 1881 tới 1885.

Trong khoảng thời gian này, tư gia được biết cho tới ngày nay là nhà họ Dương ở Bình Thủy do ông Dương Văn Vị dựng năm 1870. Hơn 34 năm sau, con trai út là Dương Chấn Kỷ xây dựng ngôi nhà 7 năm mới hoàn thiện theo phong cách Đông - Tây,  khoáng đãng, phong lưu - trở thành điểm nhấn trang nhã trong không gian xóm nhà giàu ở Long Tuyền. Ông Dương Minh Hiển là thế hệ thứ sáu đã gìn giữ gia sản của gia tộc họ Dương, dấu ấn đặc biệt, hiếm có về tài nghệ quản lý điền trang, phát triển làng xưa quá tuyệt vời ở làng Long Tuyền.

Năm 1915, chợ Hàng dương được xây dựng. Georges Louis Alexandre Lamarre là Chánh Tham biện, phó là Guillaume Striedter, bác sĩ Devy; giám binh Kibleur (Cần Thơ), Joligard (Trà Ôn). Đốc phủ Trần Văn Sửu; các tri phủ Đỗ Quang Trứ (An Trường), Nguyễn Văn Vinh (Ô Môn); Hội đồng tỉnh gồm Nguyễn Hữu Sóc và nhiều người khác, cố vấn là ông Trần Trinh Trạch (Danh sách Công sứ Pháp tại Đông Dương - EverybodyWiki Bios & Wiki).

Có quá nhiều câu chuyện liên quan tới con người, lịch sử - kể cả những câu hỏi: Chợ đầu mối lục tỉnh hoạt động như thế nào? Nhà việc Tân An ở đâu? Có thể trở thành một điểm đến hỗ trợ cho du lịch di sản?

Rất tiếc, một đô thị được quy hoạch thông gió tuyệt vời và là nơi từng có tới 70 công trình kiến trúc điển hình phong cách kiến trúc Đông Dương. Ngày nay, các nhà truyền thông du lịch lữ hành chú ý di sản kiến trúc nêu số lượng đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người còn gắn lộn ảnh nhà cổ Huỳnh Thủy Lê với nhà cổ Bình Thủy, gắn ảnh một ngôi nhà nào đó với chuyện tình không biên giới của bà Marguerite Duras. 

Câu chuyện đủ lớn

Ở Thái Nguyên, PGS.TS Đặng Văn Bài, Hội Di sản Việt Nam, khi đánh giá mô hình bản Quyên -  làng cổ, nơi sinh sống của cộng đồng người Tày thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, nói rằng mô hình du lịch cộng đồng ở đây là di sản văn hóa của đồng bào dân tộc được bảo tồn, phát huy một cách sống động ngay trong lòng môi trường văn hóa, sinh thái, nhân văn - nơi di sản được khơi nguồn, duy trì và vun đắp bởi chính khả năng sáng tạo không ngừng nghỉ của cộng đồng chủ thể văn hóa.

Chợ Hàng Dương điểm nhấn trong không gian di sản bến Ninh Kiều. Ảnh: Ch.L.

Cần Thơ hoàn toàn có thể gầy dựng không gian di sản đủ lớn - nếu tìm đúng chỗ, tìm đúng người, khơi gợi ý thức bảo tồn di sản - chắc chắn nghe được những câu chuyện lý thú về nơi chúng ta đang sống - xưa và nay. Chọn một góc cà phê ở đường Võ Văn Tần, có thể nghe câu chuyện về cụ Phan Lương Báu và hành trình du học - đỗ Thủ khoa École Nationale de Sericulture, Montpellier (Pháp - năm 1931); trở về nước - là Giám đốc Trường Quốc gia Nông Lâm Mục Blao (năm 1956-1958); Hiệu trưởng Trường Canh Nông Thực hành Cần Thơ (cuối năm 1958) và Giám đốc Trường Cao đẳng Nông nghiệp thuộc Viện Đại học Cần Thơ (1967)… gắn bó với biết bao thế hệ nhân lực nông nghiệp của vùng; thăng trầm hạt gạo, chén cơm, manh áo cho tới câu chuyện gạo ngon toàn cầu và những thú vị trên bàn ăn từ nguyên liệu vùng sông nước, gắn kết những người trực tiếp làm ra món ngon để bạn phương xa so sánh. Những cuộc tương tác chan hòa, thâm thúy sẽ là ký ức khó quên.

Nơi mình đang sống có mối liên hệ với Charles Francis "Chuck" Feeney (23/4/1931 - 9/10/2023) người Mỹ gốc Ireland, là nhà tỉ phú và là nhà sáng lập tổ chức The Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương), một trong những quỹ tư nhân lớn nhất thế giới. Với số tiền hơn 8 tỉ USD để hỗ trợ giáo dục đại học, y tế công cộng, nhân quyền và nghiên cứu khoa học. Mọi việc âm thầm, ẩn danh, Feeney chỉ dành lại khoảng 2 triệu USD cho cuộc sống hưu trí của vợ chồng ông. Tại Việt Nam, ông tài trợ phát triển các dự án giáo dục và chăm sóc sức khỏe - ở Cần Thơ là công trình nào ? Ở đâu? Há chẳng phải là cuộc tìm kiếm khắc họa di sản nhân đạo đầy thú vị sao?

Những câu chuyện nơi mình đang sống bất tận, vấn đề là đặt cái tâm vào câu chuyện đó như thế nào. Từ đây có thể hiểu - Từng điểm đến săn đón du khách như lâu nay đã làm là chưa đủ, cần không gian di sản đủ lớn, với những điểm dừng lịch thiệp, những phát hiện tinh tế và những tương tác thân thiện, xác tín tới mức nó trở thành câu chuyện đáng yêu để kể khi họ trở về nhà.

CHÂU LAN

 

Chia sẻ bài viết