28/03/2023 - 06:36

Đẹp thôi chưa đủ!

ĐĂNG HUỲNH

Mấy ngày qua, chia sẻ của blogger nổi tiếng Khoai Lang Thang trên mạng xã hội thu hút rất đông sự quan tâm và tán đồng từ dư luận. Anh nhắn nhủ rằng: "Bà con cô bác mình ơi! Nếu mình có đi du lịch sông Nho Quế, Hà Giang hay bất cứ cảnh đẹp tự nhiên nào của Việt Nam mình. Mình hạn chế mặc đồ của những nước khác nha. Gần đây, Khoai thấy nhiều bạn mặc đồ Tây Tạng, Mông Cổ khi chụp với sông Nho Quế. Bạn Khoai người nước ngoài hỏi Khoai là: "Nho Quế có phải của Việt Nam không?". Thật lòng nghe câu đó cùng mấy tấm hình bạn ấy đưa thì mình cũng có chút buồn thật!".

Nam blogger này cũng công tâm chia sẻ, mặc trang phục nào là quyền tự do của cá nhân mọi người, không là sai trái nên xin đừng "ai công kích cá nhân ai". Dù khiêm tốn cho đây chỉ là cảm xúc cá nhân nhưng Khoai Lang Thang lại được hàng chục ngàn người đồng tình, kể cả rất nhiều người nổi tiếng. Trong đó, có một hoa hậu nổi tiếng đã làm việc tương tự ở sông Nho Quế cũng lên tiếng "xin rút kinh nghiệm".

Chuyện mặc trang phục của quốc gia này, xứ sở nọ để chụp ảnh tưởng như rất bình thường, rất quen thuộc nhưng khi đọc những lời chia sẻ của Khoai Lang Thang, nhiều người bỗng giật mình. Đó là thói quen, sở thích của nhiều người. Cũng có không ít người "sính ngoại" khi thấy trang phục, cảnh sắc nước ngoài cái gì cũng đẹp, cũng xinh; từ đó có kiểu ví von "châu Âu ở Việt Nam", "Nhật Bản thu nhỏ"... Những điều đó tưởng hay nhưng suy cho cùng rất sáo rỗng. Sao ta không ca ngợi cảnh đẹp của nước ta bằng cả niềm tự hào: ta là ta!

Đất nước ta có nhiều danh lam, thắng cảnh rất đẹp, thơ mộng; trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam rất phong phú, sắc màu... sao ta không tự hào mặc để "check-in" giới thiệu với bạn bè năm châu. Như miêu tả về tà áo dài Việt Nam trong ca khúc "Một thoáng quê hương": "Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu. Dù ở đâu Paris, London hay những miền xa. Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi".

Trở lại câu chuyện "sính ngoại", có nhiều quán ăn dù đối tượng khách phục vụ chính không phải là người Hong Kong nhưng thiết kế quán theo phong cách rất Hong Kong (kể cả chữ viết), tương tự là Nhật Bản, Hàn Quốc... Chuyện buồn ở một khu du lịch tại An Giang bị phạt và buộc phải tháo dỡ vì thiết kế "từ A đến Z" giống hệt ở Trung Quốc với tên gọi lai căng, vào năm 2022 cũng là một bài học đáng ngẫm.

Đành rằng, văn hóa truyền thống và danh lam thắng cảnh trên khắp thế giới là "trăm hoa đua sắc". Nhưng cảm hứng dân tộc, tự tôn dân tộc khi khoác một trang phục, chụp một bức ảnh là điều cần phải có. Bởi, đẹp thôi chưa đủ! Mỗi người hãy là một sứ giả văn hóa của đất nước mình, quê hương mình, qua nét văn hóa trong giao tiếp, ăn, mặc, ở. Hòa nhập nhưng phải giữ gìn bản sắc!

Chia sẻ bài viết