Trần Kiều Quang
Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng đã đi vào sử sách, huyền thoại trong nhân dân. Tên tuổi của ông gắn liền với tên cầu, đường, trường học và những công trình văn hóa tiêu biểu trên quê hương Bến Tre và TP Hồ Chí Minh. Ðối với đất nước, ông là người có công giữ nước; đối với quê hương, ông là vị tiền hiền có công mở đất, lập làng.
Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng sinh năm 1798, tại thôn Lương Thạnh, huyện Bảo Hựu, trấn Vĩnh Thanh; nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Gia đình ông gốc miền Trung vào định cư ở Bến Tre trong thời kỳ nhà Nguyễn đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang. Thân sinh là ông Nguyễn Công, thân mẫu là bà Trần Thị Kiếm.
Thời niên thiếu, ông học chữ Nho thầy đồ làng và học qua nhiều lò võ. Lớn lên đăng lính triều đình (triều vua Thiệu Trị) đến năm 1848 (Tự Ðức nguyên niên), ông được thăng chức Lãnh binh.
Khi Pháp chiếm đồn Cây Mai, ông hạ lệnh rút quân ra ngoài. Ðến tháng 7 năm 1860, ông chỉ huy hai ngàn quân đánh vào đồn lũy của giặc Pháp, trong đó có chùa Cây Mai (vì Pháp biến chùa Cây Mai thành đồn binh kiên cố để chống lại nghĩa quân). Biết rõ quân Pháp mang giày đinh, ông nảy ra sáng kiến cho nghĩa quân mang trái mù u rải dọc theo đường chúng đi ruồng bố, rồi nghi trang bằng lá khô. Vì không đề phòng, chúng đạp phải, trượt té. Quân ta phục sẵn trong những bụi rậm ở hai bên đường, xông ra giết giặc.
Ngày 24-2-1860, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng cùng ông Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân đồn điền (hay quân tuần phiên bên ngoài) tấn công quân Pháp tại đồn Chí Hòa. Sau lần giao chiến đó, tướng giặc Charner nhận định: Người An Nam liều chết dưới làn đạn đại liên và lưỡi lê quân ta… họ hất nhào các thang leo thành, giật lấy súng, phụt từng vòi lửa để kháng cự và bắn rất dữ dội bằng các loại súng thô sơ qua các
phòng ngự.
Sau đó Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng và các toán nghĩa quân khác rút xuống vùng Bến Lức, Tân An, nơi tiếp giáp với Gia Ðịnh và Ðịnh Tường.
Lúc này, sau khi chiếm thành Gia Ðịnh và đồn Chí Hòa, giặc Pháp xua quân chiếm dần các tỉnh miền Ðông. Trước hết, chúng đánh xuống Ðịnh Tường, vì đây là cửa ngõ lúa gạo. Những ngày này giặc luôn bị quân của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng và quân của Lãnh binh Tôn Thất Tuấn chặn đánh quyết liệt. Bourdais - tên trung tá chỉ huy đã đền nợ máu tại bờ sông Bảo Ðịnh cùng nhiều tên giặc khác.
Trong những năm tháng ác liệt này, Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng luôn nêu cao tinh thần bất khuất, bằng cách phối hợp các vị anh hùng Ðỗ Trịnh Thoại, Thủ Khoa Huân, Thiên hộ Võ Duy Dương… tổ chức những cuộc tổng công kích suốt hai năm 1862-1863, khiến quân giặc không còn kiểm soát được vùng nông thôn của ba tỉnh miền Ðông, làm cho tên Ðô đốc Bronard buộc phải báo cáo về nước xin viện binh(1).
Tuy nhiên, lúc bấy giờ, lực lượng của địch vẫn còn rất mạnh, các vùng đất Gia Ðịnh, Ðịnh Tường lần lượt rơi vào tay quân Pháp. Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng “rút quân về vùng Tân Hòa (Gò Công) hợp với nghĩa quân Trương Ðịnh tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp. Ông hy sinh trong một trận giao chiến với Pháp ngày 27-6-1866 (ngày rằm tháng 5 năm Bính Tuất). Thi hài ông được đưa về quàn tại đình làng Lương Thạnh, huyện Bảo Hựu, tỉnh Vĩnh Long gần một tháng để nhân dân trong vùng đến viếng rồi sau đó đưa đi an táng tại một con giồng nhỏ thuộc làng Mỹ Thạnh, cách chợ Mỹ Lồng không xa”(2).
Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng là người đầu tiên của Bến Tre tham gia lãnh đạo quân dân chống thực dân Pháp xâm lược. Ông đã nêu cao tinh thần bất khuất, kiên cường, dũng cảm trong các trận chiến đấu giáp lá cà với giặc bằng những vũ khí thô sơ. Mặc dù ông được người dân tôn kính và ngưỡng mộ nhưng dưới thời Pháp thuộc, việc thờ cúng và giữ gìn phần mộ một vị anh hùng dân tộc chống Pháp như Nguyễn Ngọc Thăng là việc làm bị thực dân Pháp nghiêm cấm nên người dân phải làm thêm những mộ giả xung quanh để Pháp không phát hiện và chỉ dám thờ cúng ông tại một ngôi miếu nhỏ trong làng. Ðến năm 1968, cháu nội của ông là Nguyễn Ngọc Giang mới lập bia chí. Năm 1973, bài vị ông được thờ cúng ở chùa Hòa Ðồng Tôn giáo thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện
Giồng Trôm.
Ngày 15 tháng 5 (âm lịch) năm 1984, nhân dân Bến Tre đưa di ảnh và bài vị của ông từ chùa về thờ tại đình làng Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm như một vị thần. Từ đó, đình Mỹ Thạnh được đổi tên thành Ðền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng.
*
* *
Ðền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng nằm trên khu đất giồng cao ráo rộng 362m2, trong đó diện tích xây dựng là 182,5m2 có hàng rào chung quanh. Cổng đền được xây bằng xi măng chắc chắn, lợp ngói âm dương. Trên mái nóc có hình bát quái. Ðường dẫn vào đền được tráng xi măng sạch sẽ, hai bên đường rợp bóng cây xanh. Phía sau cổng đền là một khu đất rộng lớn, thoáng đãng, yên bình. Trong khuôn viên có đặt một bức bình phong bằng xi măng để che chắn cái nhìn trực diện từ ngoài vào trong đền. Mặt trước tấm bình phong là hình “Long mã hà đồ”. Hai bên là hai câu đối bằng chữ Hán với nội dung gửi gắm ước mơ về một cuộc sống thanh bình, thịnh vượng. Mặt trong là bàn thờ Thần Nông - vị thần chủ về nông nghiệp, được thờ ở hầu hết trong các ngôi đình ở Nam Bộ, với niềm mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ai ai cũng được cơm no, áo ấm.
“Phía trước cổng hiện nay là một đền thờ ghi danh 344 anh hùng liệt sĩ của xã. Phối hợp giữa kiến trúc cổ và hiện đại, hai đền thờ đã hòa quyện với nhau thành quần thể thống nhất, tôn vinh những người con của vùng đất Bến Tre vị quốc vong thân, tạo thêm nét đẹp cho nơi thờ tự”(3).
Ðền được xây dựng theo lối kiến trúc đình làng Nam Bộ với tường gạch, mái lợp ngói âm dương, trên nóc mái và đầu hồi có hoa văn trang trí. Bàn thờ chính trong ngôi đền là bàn thờ của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, được đặt ở giữa gian chính điện. Bàn thờ được trang hoàng tôn nghiêm. Phía trong cùng là bài vị thờ chữ Thần. Kế đến là chân dung Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng. Hai bên bàn thờ chính là bàn thờ của Tả Ban và Hữu Ban - cánh quân bên phải và bên trái của nhân vật chính được thờ trong ngôi đền; Tiền hiền, Hậu hiền - những người có công khai khẩn đất hoang và đắp lộ xây cầu, dựng chợ, tạo lập cuộc sống được ổn định đến ngày nay, theo truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Ở Gia Ðịnh, sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân tôn ông thành thần và thờ trong đình làng Nhơn Hòa (nay thuộc phường cầu Ông Lãnh, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) với danh hiệu “Ðịnh Tường Nguyễn Ngọc Thăng chi thần” và tổ chức cúng tế hàng năm cho đến ngày nay.
Hằng năm, vào ngày rằm tháng 5 (âm lịch), lãnh đạo chính quyền địa phương cùng nhân dân và gia đình tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, cũng là dịp để nhân nhân Bến Tre tỏ lòng tri ân bậc tiền hiền có công dựng làng, giữ nước. Ðây là những sinh hoạt văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, để giáo dục các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau ý thức về cội nguồn của dân tộc(4).
Với những giá trị về lịch sử và văn hóa như vậy, Ðền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 7 tháng 5 năm 1997.
-----------------------
(1) Phạm Bội Anh Thuyên (2007), “Nguyễn Ngọc Thăng: vị tướng lĩnh đầu tiên của Bến Tre”, Báo Đồng Khởi, số ra ngày 25-9.
(2) Nhiều tác giả (2009), “Di tích lịch sử văn hóa Bến Tre”, NXB Văn hóa dân tộc, tr.137-138.
(3) Nhiều tác giả, Sđd, tr.140.
(4) Nhiều tác giả, Sđd, tr.139-141.