18/11/2013 - 21:15

Đề xuất cơ sở khoa học xác định giá thành sản xuất lúa hàng hóa

Thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu cũng như hàng loạt chính sách phát triển sản xuất lúa gạo. Song, thu nhập của nông dân trồng lúa vẫn chưa tăng lên thỏa đáng. Chính vì vậy rất cần cơ sở xác định các yếu tố ảnh hưởng đến giá thành sản xuất lúa hàng hóa một cách đầy đủ, chính xác làm cơ sở định giá mua, bán đảm bảo nông dân có lãi hợp lý…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, lúa được xem là cây trồng chiếm ưu thế, dù diện tích đất canh tác lúa bị thu hẹp nhưng mức độ thâm canh đất lúa khá cao, tăng từ 2,53 lần (năm 2011) lên 2,6 lần (2012), năng suất lúa bình quân đạt 5,78 tấn/ha/vụ, sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn/năm. Định hướng đến năm 2020, Cần Thơ có hơn 107.000 ha đất nông nghiệp, chiếm 76,54% tổng diện tích đất tự nhiên. Nông nghiệp không phải là lĩnh vực chủ lực trong cơ cấu kinh tế của thành phố nhưng trong tầm nhìn dài hạn vẫn được xem trọng. Để bù đắp tình trạng diện tích đất nông nghiệp sụt giảm do tiến trình đô thị hóa, thành phố định hướng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật... Song trên thực tế, thu nhập của nông dân trồng lúa vẫn chưa tăng lên thỏa đáng. Đặc biệt, việc xác định và công bố giá lúa định hướng nhằm đảm bảo mang lại lợi nhuận ít nhất 30% cho nông dân trồng lúa chưa thật sự phát huy tác dụng bởi giá thu mua do doanh nghiệp chi trả. Trong khi thực tế các doanh nghiệp hiếm khi mua lúa trực tiếp từ nông dân mà thông qua thương lái, nên người trồng lúa chưa được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này. Chính vì vậy, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ đã chủ trì thực hiện đề tài "Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định giá thành sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn TP Cần Thơ". Trên cơ sở vận dụng các quan điểm kinh tế học và tổ chức sản xuất ngành hàng để nhận diện, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất lúa, giá thành sản xuất lúa và những vấn đề phát sinh trong cách tính toán giá thành sản xuất lúa và chính sách giá sàn. Từ đó đề xuất giải pháp gia tăng hiệu quả sản xuất và lợi nhuận của người dân sản xuất lúa ở Cần Thơ.

     Cần có cơ sở khoa học xác định giá thành lúa hàng hóa một cách đầy đủ, đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa. 

Đề tài triển khai thực hiện trên vùng tập trung sản xuất lúa thuộc các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt của TP Cần Thơ và tiến hành khảo sát 360 hộ sản xuất lúa hàng hóa (không gồm sản xuất lúa giống) có diện tích đất sản xuất lúa từ 0,3 ha trở lên (ưu tiên từ 0,5 ha trở lên). Theo kết quả nghiên cứu, có 23,61% hộ không tham gia các lớp tập huấn tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật với các lý do, như: không sắp xếp được thời gian, bận việc đồng áng, đơn vị tổ chức giới hạn đối tượng tham gia… Có 47% hộ thu nhập lệ thuộc vào hoạt động trồng lúa. Các nguồn khác, gồm: làm thuê nông nghiệp, phi nông nghiệp và trồng hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi. Tính chung toàn bộ mẫu điều tra, khoảng 80% số hộ sử dụng giống chất lượng cao (Jasmine, OM, MTL…) và các giống thường khác (chủ yếu IR50404). Ngoài ra, các đầu vào trực tiếp cho sản xuất lúa có sự thay đổi về lượng giữa các vụ. Cụ thể, lượng phân đạm và chi phí thuê lao động có xu hướng giảm. Trong khi chi phí thuốc phòng trừ bệnh và dịch hại có xu hướng tăng ở các vụ hè thu và thu đông; giá phân thuốc cũng cao hơn khoảng 20% so với vụ đông xuân. Nhiều khu vực ở Thới Lai và Thốt Nốt do diện tích đất ít, manh mún phải thuê lao động cắt tay, chi phí cao hơn nhiều so với máy gặt (giá thuê mướn lao động tăng 15-20% so với vụ đông xuân)… Kết quả phân tích cho thấy hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân phối và hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa trên địa bàn nghiên cứu đạt khá cao. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa đạt mức tối đa do người dân sử dụng các yếu tố đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) chưa hợp lý so với khuyến cáo. Đặc biệt, so với các vụ lúa còn lại trong năm, vụ đông xuân có điều kiện thời tiết thuận lợi và ít bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng hiệu quả kỹ thuật vẫn chưa cao. Điều này cho thấy, nếu cải thiện được yếu tố kỹ thuật sẽ giúp cho người dân tiết giảm được các chi phí đầu vào, giảm gía thành sản xuất và có thể tăng thu nhập trong điều kiện giá cả thị trường đầu ra duy trì ở mức cao.

Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu, cách tính toán giá thành theo hướng dẫn của Thông tư 171/2010/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 1-11-2010 hướng dẫn về phương pháp điều tra, khảo sát, xác định chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất lúa các vụ sản xuất trong năm ( gọi tắt Thông tư 171) còn tồn tại một số hạn chế, như: chưa tính đủ các loại chi phí của người trồng lúa; việc sử dụng chỉ số giá tiêu dùng CPI để điều chỉnh giá công bố mua lúa dựa trên kết quả điều tra năm trước là chưa hợp lý vì trọng số của nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm trong giỏ hàng hóa chung chiếm tỷ lệ thấp. Bên cạnh đó, việc áp dụng giá thành tính theo Thông tư 171 chưa sát với thực tế, giá mua bán trên thị trường vẫn do thương lái áp đặt nên có sự khác biệt rất lớn so với giá công bố. Hơn nữa giá bán lúa cũng lệ thuộc rất lớn vào lượng cung lúa tại các thời điểm thu hoạch…

Có thể nói, đề tài này mang tính thời sự và ứng dụng cao. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp có những kiến nghị, đề xuất cần thiết thay đổi, bổ sung Thông tư 171 có cách tính giá thành lúa hàng hóa phù hợp đem lại lợi ích cho người trồng lúa. Theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, đề tài có ý nghĩa mang tính xã hội cao khi hiện nay một số địa phương đang diễn ra tình trạng nông dân bỏ ruộng. Nhóm nghiên cứu cần đưa chi phí tưới tiêu và thuốc bảo vệ thực vật vào tính toán giá thành (Thông tư 171 không đề cập) nhằm đảm bảo tính công bằng cho người trồng lúa. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: Giá thành sản xuất lúa hàng hóa thật sự có ý nghĩa khi thấp hơn giá thị trường. Vì vậy, giá thành cần được tính theo biến động số lượng và khối lượng đầu vào. Cụ thể, có điều kiện áp dụng cho mô hình dự báo giá thành theo từng nhóm giống lúa, như: giống lúa chất lượng cao, giống lúa thơm, lúa thường… Ngoài ra, cần đưa ra mô hình tính toán cụ thể và đơn giản, xây dựng thành sản phẩm riêng biệt. Sản phẩm này gồm bảng dữ liệu các loại chi phí đầu vào và có sẵn công thức tính, khi có biến động đầu vào người sử dụng chỉ cần nhập dữ liệu sẽ ra được giá thành. Điều này thuận lợi cho chính quyền địa phương trong công tác, người trồng lúa cũng có thể ứng dụng tự tính toán. Ông Nguyễn Thanh Bửu, Hội Nông dân TP Cần Thơ, nói: Hy vọng đề tài xây dựng mô hình xác định giá thành sản xuất lúa hàng hóa một cách cụ thể. Từ đó làm cơ sở để Hội Nông dân tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Khi có cơ sở khoa học xác định giá thành lúa hàng hóa một cách đầy đủ và chính xác cùng mô hình tính toán cụ thể giá thành sản xuất lúa phù hợp với từng địa phương sẽ là tin vui và tạo thêm động lực gắn kết giữa người nông dân và cây lúa …

Bài, ảnh: Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết