(TTXVN)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 9-6, các đại biểu thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đều thể hiện sự đồng tình với báo cáo và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành với những bước đi đúng đắn, tạo bước phát triển khả quan. Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế cùng với sự ổn định trật tự an toàn xã hội càng củng cố niềm tin vào mục tiêu tăng trưởng của nước ta năm 2017 và những năm tiếp theo.
Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%
 |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: DOÃN TẤN (TTXVN) |
Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đánh giá: Nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội đã có sự ổn định. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung cải cách hành chính, khuyến khích khởi nghiệp, thị trường tài chính ổn định, đặc biệt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền quốc gia được vững chắc, giáo dục, y tế được chấn chỉnh, nhân dân an cư, lạc nghiệp. Tuy nhiên, chỉ tiêu quan trọng nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn kế hoạch đã đề ra và cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tín dụng 5,76% cuối tháng 4-2017 so với đầu năm là cao nhất kể từ tháng 4-2010. Trong khi GDP 4 tháng qua tăng trưởng thấp cho thấy tăng trưởng tín dụng cao đã không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế...
Đồng thuận, ủng hộ quyết tâm của Chính phủ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017, đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng mức tăng trưởng GDP quý I/2017 ở mức 5,1% thấp hơn mức 5,5% của cùng kỳ năm ngoái và rất xa so với mục tiêu 6,7% cả năm. Để đạt được mục tiêu, Chính phủ phải tạo ra đột phá để trong ba tháng cuối năm đạt tốc độ tăng trưởng 7%/quý, bảo đảm cả năm đạt 6,7%, tạo đà cho các năm tiếp theo.
Bên cạnh 6 nhóm giải pháp Chính phủ đã đưa ra, theo đại biểu, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng nhanh đó là tăng tổng cầu của nền kinh tế. Cụ thể, tăng khối lượng tiền tệ so với kế hoạch đề ra tương ứng với việc tăng thêm khoảng 2% tổng dư nợ tín dụng, bao gồm cả tín dụng đầu tư và tiêu dùng, vào những đối tượng và lĩnh vực có tốc độ giải ngân nhanh nhất trong năm 2017.
Đại biểu Lê Thu Hà nêu rõ: Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt để đạt được mục tiêu 6,7%, tìm ra dư địa của nền kinh tế để khai thác tiềm năng tăng trưởng, nhất là tháo gỡ những điểm nghẽn đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Nút thắt lớn nhất hiện nay vẫn là thủ tục hành chính. Cụ thể trong lĩnh vực đầu tư, hầu hết các dự án đều phải chờ bộ, ngành có liên quan phê duyệt với thủ tục phức tạp. Đây là điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn
Cho rằng nguyên nhân mức tăng trưởng năm 2016 đạt thấp chủ yếu do giảm sút của 2 trụ cột là nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng, đại biểu Phạm Phú Quốc (thành phố Hồ Chí Minh) nhận định mô hình tăng trưởng theo diện rộng phụ thuộc vào tích lũy các yếu tố sản xuất như vốn, tài nguyên, lao động đã bộc lộ nhiều bất cập.
 |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc |
Đại biểu Phạm Phú Quốc đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ rào cản, dồn các nguồn lực, phân bổ ngân sách, vốn vay ưu đãi, vốn đầu tư công cho các vùng kinh tế trọng điểm để tạo tăng trưởng kinh tế địa phương, giúp tăng trưởng GDP cả nước. Đồng thời đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, cổ tức tại các doanh nghiệp nhà nước, lấy các nguồn tích lũy để tập trung cho tăng trưởng. Nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, sớm hình thành đơn vị kiểm soát vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ở trung ương và các địa phương kinh tế trọng điểm.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ linh hoạt trong việc phân bổ vốn. Dự án nào đang tắc nghẽn phải dùng tiền dự án đó bổ sung cho dự án đang chạy được, đầu tư được, giải ngân được, sớm đưa vào hoạt động hiệu quả, góp phần giảm bớt sự lãng phí.
Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Giải đáp băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội về tình hình tăng trưởng GDP, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ xác định giữ mục tiêu tăng trưởng 6,7% vì đây là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và là năm bản lề hết sức quan trọng để tạo tiền đề cho thực hiện mục tiêu các năm tiếp theo cũng như đạt được các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm.
"Về quan điểm, Chính phủ xác định không tăng trưởng bằng mọi giá và không đánh đổi các nội dung cân đối vĩ mô, môi trường để lấy tăng trưởng và cũng xác định lấy ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu. Giải pháp căn cơ, cơ bản là tận dụng mọi cơ hội, tiềm năng để phát triển" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giảm thiểu bạo lực học đường
Đổi mới cơ chế tài chính ngành giáo dục; cải cách giáo dục; chính sách đối với học sinh, sinh viên khó khăn; chế độ, chính sách, quy định đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có đội ngũ nhà giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa... là những nội dung được các đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội), Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Tống Thanh Bình (Lai Châu), Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yến)... thảo luận và đặt ra câu hỏi đối với Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại phiên thảo luận.
Trăn trở đối với tình trạng bạo lực học đường xảy ra trên khắp cả nước, ở tất cả các cấp học với mức độ ngày càng gia tăng, hậu quả nghiêm trọng, đại biểu Trần Thị Phương Hoa đề nghị Chính phủ cần có biện pháp để hạn chế tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống gây bức xúc xã hội, nhất là tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trong thời gian qua. Đại biểu dẫn chứng: Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong toàn quốc xảy ra 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, bình quân khoảng 5 vụ/ngày. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh có một vụ đánh nhau, cứ trên 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau...
Về giải pháp để giảm thiểu bạo lực học đường, Bộ trưởng khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về môi trường an toàn cho học sinh ở các trường phổ thông. Bên cạnh đó, Bộ cũng ban hành các kế hoạch, chỉ thị, thông báo gửi cơ sở giáo dục, các địa phương, các bộ, ngành liên quan trong việc phối hợp giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường trong học sinh, sinh viên; phối hợp cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tăng cường môi trường an toàn cho học sinh, sinh viên trong nhà trường...
Trong phiên làm việc buổi chiều 9-6, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017. Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quyết tâm của Chính phủ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7% cùng các nhóm giải pháp cụ thể đã được đặt ra.
|
Về cơ sở để xác định tăng trưởng năm 2017, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi so với năm 2016. Nông nghiệp phục hồi mạnh hơn do thời tiết chuyển biến thuận lợi và kết quả của tái cơ cấu nông nghiệp thời gian qua. Công nghiệp chế biến, chế tạo có tăng trưởng tích cực, có khả năng đạt tăng trưởng 13%. Xuất khẩu dự kiến đạt tăng trưởng 10%, tiêu dùng tăng trưởng tốt khoảng 10%, khu vực dịch vụ có khả năng tăng 7,19%. Bên cạnh đó, nhiều dự án đầu tư các nguồn ngân sách được đẩy nhanh tiến độ cũng như giải ngân các nguồn vốn từ tư nhân, đầu tư nước ngoài và một số dự án lớn được hoàn thành và đưa vào khai thác, đóng góp cho tăng trưởng những tháng cuối năm.
Bộ trưởng Dũng cũng cho biết 2 nhóm giải pháp cơ bản thúc đẩy tăng trưởng; trong đó, về lâu dài là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động ; mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy thị trường trong nước. Trong ngắn hạn, có thể thực hiện ngay trong năm 2017 là tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực phát triển, thúc đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thực tiễn của các ngành để điều chỉnh kịp thời.
Tăng chi đầu tư phát triển
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế không đạt theo yêu cầu nhưng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 2015 đã tăng 1,95 lần so với giai đoạn 2006 2010 và cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, thu nội địa năm 2011 đạt 61,5% trong tổng thu ngân sách Nhà nước thì đến năm 2015 đã đạt 75%, năm 2016 là 79% và dự toán 2017 thu nội địa trong tổng số thu ngân sách nhà nước là 81,7%.
Về chi ngân sách, theo Bộ trưởng, trong tình hình kinh tế khó khăn, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ vẫn tập trung đầu tư thêm cho con người, chi an sinh xã hội. Tốc độ tăng chi an sinh xã hội, tiền lương trong giai đoạn này tăng 18%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước. Đây là vấn đề làm cho cơ cấu ngân sách Nhà nước khó khăn thêm.
Về chi đầu tư phát triển, trong giai đoạn 2011- 2015 bố trí dự toán ở mức 18,2%, thấp hơn ở giai đoạn 2006 - 2010, nhưng trong điều hành hàng năm bổ sung từ nguồn dự phòng, tăng thu ngân sách Nhà nước, bổ sung kế hoạch giải ngân ODA, tăng tỷ trọng chi đầu tư thì chi đầu tư phát triển đã lên tới 23,6% tổng chi ngân sách Nhà nước. Nếu tính cả xổ số kiến thiết khoản ứng chi, con số này là 26% trong tổng chi ngân sách Nhà nước hàng năm. Năm 2017 bố trí dự toán chi đầu tư phát triển ngân sách Nhà nước là 25,7% trong tổng chi ngân sách Nhà nước. Như vậy có sự cải thiện rất đáng kể, đã tăng chi đầu tư và tăng khá nhanh.
Tại phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã đánh giá về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; đồng thời đề ra những giải pháp để hoàn thiện những công tác trên trong thời gian tới.