08/04/2019 - 11:01

Để vùng đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL phát triển bền vững
Bài 3: Nói đồng bào tin, làm đồng bào hưởng ứng 

Theo các địa phương ở ÐBSCL, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả khả quan trong phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung, vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Ðó là việc tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị trong triển khai các chính sách dân tộc; coi trọng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS; tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc của đội ngũ cán bộ công chức làm công tác dân tộc... Từ đó, được sự ủng hộ của đồng bào để “nói đồng bào tin, làm đồng bào hưởng ứng”.

Ông Dương Sà Kha (bên phải), Chủ tịch UBMTTQ VN tỉnh Sóc Trăng thăm và tặng quà cho người uy tín trong dịp lễ, Tết của đồng bào Khmer. Ảnh: Lý Then

Ông Thạch Em vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn. Ảnh: Ma Lai

Cán bộ Ban Dân tộc thành phố phát tài liệu tuyên truyền an toàn giao thông cho những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị

TP Cần Thơ có 27 DTTS sinh sống với hơn 8.780 hộ, khoảng 38.930 người, chiếm 3,11% tổng dân số toàn thành phố. Trong đó, đồng bào Khmer có trên 22.700 người, chiếm 58,3% trên tổng dân số DTTS. Ông Lương Văn Trừ, Trưởng Ban Dân tộc TP Cần Thơ, đánh giá: “Công tác dân tộc của TP Cần Thơ luôn phát triển. Đây là kết quả của việc thành phố áp dụng một cách linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Nếu như khoảng 15 năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS của thành phố khoảng 30% thì đến đầu năm 2018, con số này là khoảng 8,15% và giảm thêm 2- 3% trong năm 2018”.

Sự quan tâm của lãnh đạo, sự chỉ đạo, điều hành sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về dân tộc trong vùng đồng bào DTTS nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng; luôn quán triệt quan điểm “kiên trì, thận trọng, tế nhị”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các địa phương đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh- chính trị, trật tự an toàn xã hội, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần hướng tới phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS nói chung và đồng dân tộc Khmer nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Thuật, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau, cho rằng: Các địa phương đã phát huy tốt vai trò nòng cốt phối hợp giữa Ban Dân vận, Ban Dân tộc và MTTQ, các đoàn thể với các ban, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách trong vùng đồng bào DTTS. Người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng ngày càng nhận thức đầy đủ ý nghĩa và mục tiêu của các chương trình, chính sách dân tộc. Đặc biệt, thông qua hoạt động chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đồng bào ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Từ đó, thể hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân đối với chính quyền và cộng đồng, nâng cao ý thức chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. 

Coi trọng và phát huy vai trò người có uy tín

Ông Thạch Em ở ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh là người có uy tín trong cộng đồng. Ông luôn tiên phong trong các phong trào, góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân địa phương. Ông Thạch Em cho biết: “Đồng bào dân tộc Khmer chiếm 96,35% dân số ấp Chông Nô 2. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn do tập quán sản xuất lạc hậu. Việc cần làm là thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất cá thể sang hợp tác”. Với ý nghĩ đó, ông vận động các hộ có diện tích đất liền kề trong ấp và các ấp lân cận thực hiện mô hình trồng chanh không hạt, dừa sáp, trồng màu… Nhờ đó, nhiều hộ Khmer có thu nhập ổn định, đời sống kinh tế được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, ông động viên con cháu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất...

Là người có uy tín, ông Huỳnh Nê ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ 20 tivi, 15 bộ máy vi tính, 103 chiếc xe đạp, 40 cái cặp, 671 suất học bổng, hơn 25.000 cuốn tập, với tổng trị giá trên 1,7 tỉ đồng, cho các trường còn khó khăn, cho học sinh nghèo hiếu học. Ngoài ra, ông còn vận động bà con trong ấp dọn dẹp nhà cửa, trồng hoa dọc theo tuyến đường nông thôn. Đặc biệt, ông Nê hiến hơn 2.000m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn; vận động các vị A-cha mở 3 lớp dạy chữ Khmer cho 75 học sinh học tại ấp Khoan Tang... Ông Huỳnh Nê chia sẻ: “Nhà nước đã có chính sách chăm lo đầy đủ cho người uy tín, như: thăm hỏi chúc sức khỏe, tặng quà trong ngày lễ, Tết; đưa người uy tín đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, mô hình làm ăn, văn hóa các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam và nước bạn Campuchia. Tôi sẽ làm tròn vai trò, trách nhiệm của người uy tín để đáp lại lòng tin của bà con”.

Ông Liêu Tuấn Khương, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho rằng: “Người có uy tín ở cơ sở là những người trực tiếp sinh sống, lao động sản xuất tại địa bàn; am hiểu phong tục tập quán, thói quen tín ngưỡng tôn giáo của người dân địa phương. Họ là cầu nối giữa đồng bào DTTS với chính quyền các cấp. Thông qua người có uy tín, đồng bào có ý kiến đóng góp cho chính quyền; cũng thông qua người có uy tín, các chủ trương, chính sách được triển khai đến đồng bào một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Do đó, coi trọng và phát huy vai trò của người có uy tín ở cơ sở chính là “chìa khóa” quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp vùng đồng bào DTTS ở ĐBSCL tăng cường sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư, giữ vững ổn định an ninh trật tự địa phương”.

Theo Ủy ban Dân tộc, các địa phương đã bình chọn được 1.569 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Các địa phương tổ chức họp mặt, mở nhiều lớp tập huấn, sinh hoạt chính sách, pháp luật liên quan đến dân tộc, tôn giáo, thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và địa phương cho người có uy tín trong đồng bào DTTS; tổ chức các đoàn đại biểu người có uy tín đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. Qua đó, phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong thực hiện chính sách dân tộc, chương trình dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định an ninh trật tự địa phương. Phát huy vai trò của người có uy tín là kinh nghiệm quý báu để thực hiện công tác dân tộc ngày càng hiệu quả.

(Còn tiếp)

Bài 4: Những điểm nghẽn

Nhóm PV Báo Khmer ngữ

Chia sẻ bài viết