07/12/2017 - 20:32

Để tình yêu đơm hoa... 

Nếu được định hướng đúng thì tình yêu thời sinh viên sẽ là động lực cho các bạn học tập tiến bộ, hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, hiện nay,  một số bạn sa đà yêu đương, bỏ bê việc học, lãng phí tiền bạc, sống buông thả, bất chấp. Từ đó, gây ra những hậu quả ảnh hưởng bản thân, gia đình.

Yêu đến quên học...

Khi còn là học sinh THPT, N.Ng. (19 tuổi, sinh viên năm thứ 2) vốn là nữ sinh chăm ngoan. Học xong đại học năm thứ 1, Ng. khiến gia đình choáng váng vì thay đổi cách ăn mặc, tiêu xài hoang phí và có người yêu. Ng. và bạn trai thường lân la ở các quán trà sữa, quán ăn nên việc đến lớp ngày càng ít; thành tích học tập của Ng. ở mức trung bình. Nhà trọ đóng cửa lúc 21 giờ 30 nên để có thể đi chơi với bạn trai, Ng. nói dối với chủ nhà là mẹ ở quê lên nên ngủ ở ngoài vì phòng trọ có nhiều bạn. Mẹ Ng. buồn rầu cho biết: “Chủ nhà trọ thấy Ng. đi chơi nhiều nên sinh nghi, gọi điện cho hay, tôi mới tá hỏa chuyện con trốn đi chơi. Tôi muốn cho Ng. nghỉ học nhưng chẳng biết về quê rồi làm gì. Tôi cho Ng. qua ở chung nhà trọ với cháu, nhờ kèm cặp, theo dõi giùm”. Trong khi đó, Ng. giải thích, nhiều lúc bạn trai rủ đi chơi, Ng. không muốn đi nhưng sợ bạn buồn. Đi chơi với bạn trai về muộn, Ng. ghé ngủ với các bạn trọ bên ngoài. Vì sợ mẹ lo lắng nên Ng. nói dối chủ nhà trọ…

Cân bằng việc học và yêu sẽ giúp các bạn trẻ thành công trong cuộc sống. Ảnh: ĐỖ VĂN

Mất cân bằng giữa học tập và yêu đương khiến nhiều bạn học hành sa sút, thiếu kỹ năng sống sau này… Bên cạnh đó, nhiều sinh viên có suy nghĩ sống chết vì tình yêu nên bất chấp tương lai. V.H (23 tuổi) cho biết: “Từ lúc quen bạn gái, tôi phải xin tiền cha mẹ nhiều hơn để trang trải “tình phí”. Mỗi tuần, bạn gái rủ tôi đi ăn 2-3 lần. Bây giờ, vào quán ăn, trong túi phải có vài trăm ngàn đồng”. H. tìm đủ lý do để xin thêm tiền cha mẹ như: học phí tăng, khám bệnh, sửa xe…Ngoài ra, để có tiền làm vui lòng người yêu, H. cũng cầm cố máy tính xách tay, giấy tờ tùy thân. Khi hết cách, H. chuyển sang mượn tiền bạn bè.

Yêu để hoàn thiện bản thân

Dù có người yêu nhưng kết quả học tập của Thùy Dương (20 tuổi, sinh viên năm thứ 3) luôn đạt loại khá, giỏi và là cán bộ năng động, tiêu biểu của Hội Sinh viên trường. Dương chủ động sắp xếp thời gian hợp lý cho mọi việc. Ngoài những buổi học trên lớp, Dương tự học khoảng 3-4 buổi/tuần. Các buổi tối, Dương giải quyết công việc Hội Sinh viên. Ngày cuối tuần Dương dành cho gia đình và bạn trai. Thùy Dương cho biết: “Đối với một số bạn, lịch học tập và làm việc dày đặc của tôi sẽ không phù hợp với việc yêu đương nhưng với tôi thì rất bình thường. Yêu nhau không phải suốt ngày đi chung, ăn chung hay đi chơi mỗi tối. Mỗi người cần dành cho nhau những không gian riêng để bản thân suy ngẫm và hiểu nhau hơn. Bạn trai tôi từng là cán bộ Hội nên rất thông cảm công việc của tôi”.

Ảnh: Internet

Theo Thùy Dương, việc dành nhiều thời gian, tiền bạc vào tình yêu, có khi cuối cùng không mang lại kết quả mong muốn, bởi tình yêu bền vững được xây dựng từ sự cảm thông, thấu hiểu và giúp đỡ nhau. Dương biết nhiều bạn sinh viên yêu nhau nhưng vẫn học rất giỏi. Các bạn tạo niềm vui cho nhau từ việc cùng tranh luận, tìm cách giải quyết khó khăn trong học tập thay vì dắt nhau đi chơi suốt ngày. Thùy Dương chia sẻ: “Tình cảm thời sinh viên sẽ đơm hoa kết trái hay có thể mau chóng tàn lụi nhưng việc học tập, sự nghiệp sẽ theo bạn trong tương lai. Tôi nghĩ, sinh viên cứ yêu nhưng đừng đánh mất mình trong tình yêu”. Huy (26 tuổi, cựu sinh viên Trường Cao đẳng Cần Thơ) cho biết: “Tôi và bạn gái yêu nhau thời sinh viên và luôn đặt sau chuyện học tập. Tôi đang tìm việc và bạn gái đã đi làm nhưng chúng tôi vẫn tôn trọng, giữ gìn tình cảm đẹp”.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bé Năm, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Cần Thơ, để có thể cân bằng giữa học tập và yêu đương, các sinh viên cần trang bị những kiến thức về sức khỏe sinh sản. Đồng thời, có những kỹ năng như: xác định giá trị; giao tiếp; quyết định vấn đề; từ chối…Qua đó, giúp sinh viên biết đánh giá người bạn khác giới; giải quyết những vấn đề nảy sinh trong tình yêu; có kiến thức bảo vệ bản thân, nhất là phòng, tránh có thai ngoài ý muốn trong nữ sinh viên. Bác sĩ Nguyễn Thị Bé Năm gởi gắm: “Theo tôi, tình yêu thời sinh viên là bình thường nhưng không nên suốt ngày đi chơi, làm vui lòng người yêu… Các bạn trẻ nên xác định, tình yêu là động lực để học tập đạt kết quả tốt. Đồng thời, siết tay nhau vượt qua khó khăn trong học tập, cuộc sống, góp phần xây dựng tình cảm bền chặt, tương lai tốt đẹp”.

ĐỖ VĂN

Chia sẻ bài viết