Bài cuối: Đầu tư phát triển thương mại nông thôn như thế nào?
Theo đánh giá của các ngành hữu quan, hoạt động thương mại nông thôn (TMNT) đã góp phần lớn trong cung ứng lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng, xuất khẩu và làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Vì thế, phát triển TMNT nhằm kích thích tiêu dùng và tăng nhanh sức tiêu thụ hàng hóa trong nước là điều thiết yếu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phát triển TMNT như thế nào để nó trở thành động lực cho vùng nông thôn phát triển?
* TMNT sẽ hiện đại
Ngày 6-1-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 23/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển TMNT giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”. Theo đó, đến năm 2020, sẽ có khoảng 9.126 tỉ đồng đầu tư phát triển TMNT. Mục tiêu đến năm 2020, tất cả các xã đều có chợ đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các chợ; 80% số thị trấn có hình thức tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa. Theo Bộ Công Thương, năm 2010, các địa phương sẽ bắt tay thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng cho TMNT, trong đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ khoản kinh phí khoảng 300 triệu đồng cho mỗi địa phương để xây dựng: chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện ích... đến tận các xã, thị trấn. Đến năm 2011, quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại cho khu vực này phải hoàn thành, trước hết là các chợ biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia. Năm tiếp theo, các chợ đầu mối nông sản sẽ được xây dựng xong tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: chợ lúa gạo Cần Thơ; chợ nông sản Nghệ An, Hải Dương, chợ rau quả chất lượng cao Lâm Đồng...
|
Phong cách bán hàng lịch sự là một trong những tiêu chí các chợ nông thôn cần hướng đến. Trong ảnh: Khách mua hàng tại nhà lồng chợ cổ Cần Thơ. Ảnh: NAM HƯƠNG. |
Cũng theo đề án, năm 2015, sẽ có 100% chợ trung tâm huyện được kiên cố hóa, 30% thị trấn có loại hình tổ chức phân phối hiện đại. Tầm nhìn đến năm 2020, sẽ có 80% số thị trấn có hình thức tổ chức phân phối hiện đại ở quy mô nhỏ và vừa. Tại các vùng nông sản: Cần Thơ, Đắk Lắk có sở giao dịch và trung tâm đấu giá hàng nông sản. Theo Bộ Công thương, đề án này đề cập khá đầy đủ các mô hình tổ chức TMNT như: cấu trúc thương mại trên địa bàn xã, thị trấn, thị tứ với mô hình: kinh doanh cá nhân, hộ kinh doanh, mạng lưới kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất-chế biến, các hợp tác xã (HTX) thương mại. Đề án cũng đề cập việc phát triển mạng lưới kinh doanh theo ngành hàng, chợ địa bàn nông thôn... có nghiên cứu đến quy mô phân phối phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và mức thu nhập của người nông dân; phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương; đẩy mạnh liên kết sản xuất-thương mại và khắc phục được những hạn chế của bức tranh TMNT hiện đại.
Về đề án “Phát triển TMNT giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Đây là cơ hội mới rất quan trọng giúp ngành công thương TP Cần Thơ kết hợp với các chủ trương, nghị quyết chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố vận dụng triển khai thực hiện phát triển TMNT trong thời gian tới. Để tận dụng cơ hội này, Sở Công Thương tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch phát triển TMNT theo từng giai đoạn. Trước hết, tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng TMNT, nhất là mạng lưới chợ, xây dựng mạng lưới kinh doanh ở địa bàn nông thôn; đề xuất UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xem xét dành ngân sách thành phố và huy động mọi nguồn vốn khác để hỗ trợ thực hiện các dự án: xây dựng chợ đầu mối nông sản- thực phẩm, chợ hạng 2, hạng 3 ở địa bàn nông thôn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan trung ương đào tạo nguồn nhân lực quản lý kinh doanh ở khu vực nông thôn; triển khai thực hiện tốt các cơ chế chính sách đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn, các dự án phát triển thương mại...; đồng thời, xây dựng phát triển mô hình TMNT qua học tập kinh nghiệm những nơi làm tốt.
* Cần nhân rộng những mô hình quản lý chợ hiệu quả
Theo nhận định của Sở Công thương TP Cần Thơ, thực hiện chủ trương chuyển đổi hóa và chuyển giao đầu tư, khai thác và quản lý chợ theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, bước đầu đạt được kết quả tích cực, một số chợ huy động vốn đầu tư cơ sở vật chất, tạo thuận lợi cho việc mua bán của các tiểu thương và bà con nông dân tiêu thụ các sản phẩm tự tiêu; tổ chức quản lý chợ có nề nếp, trật tự và văn minh... Điển hình như các chợ: Nhà lồng chợ Cổ, chợ Tân An, chợ Hưng Lợi (do Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C) quản lý); chợ Trần Việt Châu (do hợp tác xã (HTX) Việt Châu quản lý)... Đây được xem là những mô hình quản lý hiệu quả cần được đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng trong quá trình phát triển thương mại, đặc biệt là TMNT trên địa bàn thành phố.
Ông La Minh Hồng, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc C.T.C, cho biết: Chợ truyền thống, đặc biệt là ở vùng nông thôn hiện nay còn giữ vai trò rất quan trọng trong thói quen tiêu dùng của người dân để thúc đẩy thương mại phát triển, nhất là khu vực nông thôn. Chính vì thế, khi thành lập, cũng như nâng cấp chợ phải xuất phát từ nhu cầu của người dân. Những nơi nào có nhu cầu sẵn, có người bán và người mua thì việc xây mới, nâng cấp mở rộng mới có thể đảm bảo hoạt động hiệu quả. Chợ truyền thống phải được xây dựng theo tiêu chí chợ văn minh như niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, có cân chuẩn để đảm bảo cân đúng, cân đủ cho người tiêu dùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Ngoài ra, đơn vị quản lý cần kết hợp chặt với các ngành hữu quan để giải quyết nhiều vấn đề khác như: phòng chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh môi trường, chống kẻ gian, kẻ cắp giữ an toàn cho người đi chợ...
HTX Việt Châu, thành lập vào ngày 18-1-2006, là mô hình HTX đầu tiên của TP Cần Thơ hoạt động trong lĩnh vực đầu tư khai thác và quản lý chợ. Hiện HTX có 7 xã viên, 5 lao động và 97 bà con tiểu thương buôn bán trong chợ. Sau khi nhận bàn giao chợ Trần Việt Châu (ngày 3-5-2006) từ ban quản lý chợ thuộc UBND phường An Hòa, HTX đã đầu tư lắp đặt, sửa chữa và trang bị hệ thống điện, nước sinh hoạt, nhà lồng chợ, bố trí chỗ để xe, cân chuẩn miễn phí... với tổng kinh phí trên 285 triệu đồng. Quá trình hoạt động của HTX luôn đạt hiệu quả, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Chỉ với nguồn vốn sở hữu trên dưới 80 triệu đồng, qua quá trình hoạt động, lợi nhuận sau thuế của HTX đạt từ 9,27 triệu đồng năm 2006 đã tăng lên 33,71 triệu đồng vào năm 2009. Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ nhiệm HTX Việt Châu, cho biết: Hoạt động của HTX tuy chỉ quản lý, kinh doanh ở chợ loại 3 nhưng HTX luôn thực hiện đúng quy định của nhà nước về kinh doanh, tài chính, tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, giữ gìn an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm... Để có kết quả này, theo ông Cường, ngoài việc đảm bảo ban quản lý HTX hoạt động hiệu quả, HTX luôn xác định bà con tiểu thương là “thượng đế”. Chính vì thế, HTX luôn quan tâm đặc biệt đến lợi ích của bà con tiểu thương, đưa tín dụng vay với lãi suất thấp vào chợ, tạo điều kiện để bà con tiểu thương kinh doanh, đảm bảo các hoạt động của tiểu thương tại chợ thật sự có lãi. Làm được như vậy, tiểu thương mới có thể gắn bó lâu dài với chợ.
* Đầu tư phát triển TMNT: như thế nào?
Làm thế nào để kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp... đầu tư vào lĩnh vực TMNT, tạo sức bật để nông thôn phát triển? Đây là bài toán khá hóc búa từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, muốn làm được vấn đề vừa nêu, trước tiên phải làm sao để túi tiền của người dân nông thôn tăng lên. Điều này có nghĩa phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa giống mới năng suất cao, chất lượng cao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... phải được quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, phải tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và nhà băng ngân hàng) để đảm bảo sản phẩm của người dân nông thôn làm ra có thị trường tiêu thụ cần phải được thực hiện.
Đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa bàn nông thôn cũng là vấn đề tối quan trọng. Ông La Minh Hồng, Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc C.T.C, cho rằng: Nhà nước cần có chính sách đầu tư mạnh hơn nữa để phát triển giao thông nông thôn, đảm bảo cho các phương tiện có trọng tải lớn lưu thông. Vì như vậy, mới tạo thuận lợi hơn trong việc luân chuyển hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở vùng nông thôn. Để đầu tư phát triển TMNT, theo ông La Minh Hồng, ở những vùng là thị trấn, thị tứ, việc xây dựng chợ phải gắn kết với bà con nông dân. Nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ, bà con nông dân gắn kết bằng cách đóng tiền lô sạp. Song song đó, ưu tiên cho các đối tượng là những người mua bán ở địa phương (doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc cơ sở kinh doanh) biết cách kinh doanh, có năng lực về tài chính làm nơi buôn bán sỉ hoặc làm đại lý cho các nhãn hàng. Cách làm này, một mặt, nhà đầu tư, công ty không phải tốn nhân lực quản lý; mặt khác hạn chế được tình trạng thất bại do không am tường địa bàn.
Các dự án đầu tư hạ tầng thương mại trên địa bàn nông thôn được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; được vay tín dụng đầu tư nhà nước theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển theo hướng: tham gia vào hệ thống kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, liên hiệp HTX và HTX thương mại thông qua các hình thức đại lý mua, bán, hợp đồng mua bán, tham gia vào các chuỗi phân phối bằng liên kết, liên doanh, nhượng quyền thương mại; tự phát triển hoặc liên kết, hợp nhất thành công ty hoặc HTX bán lẻ, từng bước ứng dụng mô hình chuỗi phân phối bán lẻ và phương thức nhượng quyền thương mại, trước hết tại địa bàn thị trấn, thị tứ; các hộ kinh doanh trong chợ tham gia các HTX chợ, vừa là xã viên của HTX chợ, vừa là đối tượng sử dụng các loại hình dịch vụ do HTX chợ tổ chức
Đề án “Phát triển TMNT giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”
|
TP Cần Thơ đã là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương và đang hướng đến một đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Bé Hai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư chợ Cửu Long, cho rằng: Thói quen của người dân vẫn tồn tại theo kiểu sinh hoạt chợ truyền thống. Ngay cả đối với khu vực thành thị, mặc dù hệ thống siêu thị khá dày đặc như chợ truyền thống vẫn có sức hút rất đặc biệt đối với người tiêu dùng. Chính vì thế, phát triển thương mại, đặc biệt là ở khu vực nông thôn nên xây dựng theo mô hình chợ truyền thống theo phong cách hiện đại. Nghĩa là vẫn giữ nguyên lề lối, thói quen mua sắm của người dân nhưng gắn kết phong cách hiện đại như mặt bằng sạch sẽ, hàng hóa chất lượng, phong cách bán hàng lịch sự... Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ nhiệm HTX Việt Châu, cho biết: HTX quản lý và khai thác là mô hình hiệu quả nhất đối với các chợ có quy mô nhỏ (chợ loại 2 và loại 3). Tuy nhiên, để kết quả đạt được như mong muốn, các chợ nông thôn phải xây dựng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, của tiểu thương và cơ sở vật chất (ki-ốt, lô sạp, phòng chống cháy nổ, hệ thống nước thải, vệ sinh môi trường...) phải được đầu tư một cách đồng bộ. Làm được điều này, cùng với việc thực hiện theo đúng Luật HTX, đầu tư vào chợ nông thôn sẽ đảm bảo hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước được nguồn thu thuế; tiểu thương có công ăn việc làm ổn định góp phần xóa đói giảm nghèo; nhà đầu tư có được lợi nhuận từ việc đầu tư. Có như vậy mới thúc đẩy giao thương nông thôn phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn.
NHÓM PV THỊ TRƯỜNG