27/07/2008 - 09:36

Đồng bằng sông Cửu Long:

Đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt chú trọng khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân

* Đẩy mạnh phổ cập giáo dục Trung học cơ sở ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ

Ngày 26-7, tại tỉnh Trà Vinh, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2008. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì hội nghị.

Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2008, tạo đà phát triển cho năm 2009 và những năm tiếp theo. Cụ thể là, triển khai đồng bộ, quyết liệt thực hiện tốt các nhóm giải pháp điều hành kinh tế- xã hội của Chính phủ 6 tháng cuối năm 2008, góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản theo hướng có lợi cho nông dân... Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp,

nông nghiệp, dịch vụ, đảm bảo cân đối cung - cầu về hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu, triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, tăng cường công tác quản lý thị trường chống đầu cơ, buôn lậu và gian lận thương mại… Tập trung chỉ đạo, triển khai nhanh các dự án, công trình quan trọng đã được Chính phủ quyết định đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tăng cường công tác quốc phòng - an ninh ở vùng biên giới, biển đảo, vùng tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc Khmer gắn với việc thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

6 tháng đầu năm 2008, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế- xã hội ở khu vực Tây Nam bộ vẫn tiếp tục ổn định và có nhiều mặt phát triển. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nhiều vấn đề bức xúc xã hội được giải quyết tốt, an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định và được giữ vững... Tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) tăng 11,6%; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,052 tỉ đồng, tăng 25% so cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 38.687 tỉ đồng, tăng 22% so cùng kỳ…

* Trong 2 ngày 25-26/7, tại Tiền Giang, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã tổ chức hội nghị về thực hiện phổ cập giáo dục Trung học cơ sở (THCS) tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam bộ (ĐNB).

Ông Lê Minh Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, đến nay đã có 41/64 tỉnh, thành phố trong cả nước được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tuy nhiên, cả nước vẫn còn 23/64 tỉnh, thành phố chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, trong đó có 9 tỉnh từ Ninh Thuận trở vào. Riêng vùng ĐBSCL còn 6/13 tỉnh là Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và An Giang chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục THC; miền Đông Nam Bộ còn 3/8 tỉnh chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Đây là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, điều kiện thực hiện và bảo đảm chất lượng phổ cập giáo dục THCS còn nhiều hạn chế...

Để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS vào năm 2010, trong thời gian tới, các tỉnh ĐBSCL và ĐNB tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: Rà soát lại tiến độ phổ cập; xác định rõ việc thực hiện các mục tiêu phổ cập phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của từng địa phương; phấn đấu đảm bảo đủ trường lớp ở xã và cụm xã; tăng cường cơ sở vật chất trường học, kiên cố hóa trường lớp và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng; có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các địa bàn khó khăn.

HUY HOÀNG - TRƯƠNG CÔNG TRÍ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết