27/06/2009 - 21:08

Đề phòng Scam khi tìm việc trực tuyến

Scam là loại hình lừa đảo khá mới trên Internet. Về hình thức, nó tạo ra các trang web giả, bắt chước các website, các tổ chức nổi tiếng, có uy tín để thực hiện mưu đồ của mình. Sau đây là các hình thức lừa gạt phổ biến của các Scammer đối với những người tìm việc trực tuyến, và vài lời mách nhỏ khi tìm việc bằng cách này.

Các hình thức lừa gạt:

Bằng cách tạo các quảng cáo, Scammer hy vọng những người tìm việc gởi cho họ các thông tin cá nhân (gọi là phishing). Scammer sẽ đăng quảng cáo đàng hoàng trên các trang web hợp pháp, có uy tín...

Các quảng cáo này thường sử dụng các biểu tượng, biểu ngữ thật bắt mắt, với lời lẽ huyên thuyên, hấp dẫn nhằm lôi cuốn những ứng viên săn việc làm trên mạng. Đôi khi họ cung cấp các liên kết (URL) đến các trang web giả hoặc giả danh là người của một công ty hay một tổ chức danh tiếng nào đó.

Các trang web giả mà các Scammer cung cấp có thể sẽ tính lệ phí khi bạn vào xem hoặc đăng ký tìm việc trên đó. Nhưng thường thì không lâu sau đó, họ sẽ đóng trang web và biến mất.

Một điều cũng khá phổ biến là các Scammer sau khi dò trên các web tìm việc cá nhân và công cộng để nắm bắt thông tin, họ giả là những nhà tuyển dụng đúng như nhu cầu của các ứng viên và gởi email hàng loạt (spam) đến các ứng viên “tiềm năng” để giới thiệu cơ hội việc làm. Nhưng cuối cùng, việc làm mà ứng viên có được cũng chỉ là nhân viên của dịch vụ giúp việc nhà, sau khi đã cung cấp cho họ các thông tin cần thiết.

Các Scammer bằng mọi cách tạo lòng tin của các ứng viên tìm việc, mục đích cuối cùng là khai thác các thông tin cá nhân của họ để thực hiện mưu đồ riêng. Một điều cần lưu ý là những thông tin cá nhân này thường không bao giờ được đòi hỏi khi bạn được mời phỏng vấn.

Vài gợi ý khi tìm việc trên mạng:

- Cẩn thận khi gởi lý lịch trích ngang (CV) cho nhà tuyển dụng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin không liên quan đến công việc như số an sinh xã hội, số thẻ tín dụng, ngày sinh, địa chỉ nhà, tình trạng hôn nhân... vì các Scammer hoàn toàn có đủ khả năng sử dụng thông tin đó để mạo danh và thực hiện các thủ đoạn lừa đảo.

- Phải tìm hiểu kỹ nhà tuyển dụng, người chủ hoặc các đồng nghiệp tương lai của mình qua các tạp chí kinh doanh, danh bạ điện thoại, hoặc các công ty khác. Sau đó, cần liên hệ trực tiếp và đến thăm họ tại công sở, tốt nhất là trong giờ làm việc.

- Nếu người chủ tương lai yêu cầu một bảng kiểm tra, bạn chỉ nên thực hiện khi gặp họ trực tiếp ở công ty và trong giờ làm việc.

- Đề phòng bất cứ các yêu cầu đưa trước một số tiền để đổi lại một công việc tốt hoặc thù lao cho người hứa tìm việc cho bạn.

- Nếu phải trả phí cho dịch vụ tìm việc, tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hay bất kỳ hoạt động giao dịch tiền tệ nào, trừ khi bạn đã thực hiện tốt chính sách bảo mật, biết rõ về dịch vụ tìm việc và đã được giới thiệu việc làm tốt.

- Cần xem xét cẩn thận thông tin trên các quảng cáo về tuyển dụng, đánh giá tính chuyên nghiệp của thông tin. Ví dụ: xem có lỗi ngữ nghĩa không?, địa chỉ email như thế nào? có kèm tên miền công ty không?, có sự mâu thuẫn nào về mã của các vùng, miền không?...

- Nhập địa chỉ trang web của nhà tuyển dụng vào trình duyệt của bạn (để kiểm tra thông tin) thay vì bấm vào liên kết mà họ đặt sẵn, nhằm tránh sự chuyển hướng từ một tổ chức hợp pháp đến một website hoặc một tổ chức tuyển dụng giả tạo.

- Tạo một địa chỉ email và một tài khoản (account) riêng biệt, không chứa các thông tin cá nhân để liên lạc với nhà tuyển dụng.

- Cẩn thận trong mọi giao dịch, nhưng cần cảnh giác cao đối với các giao dịch ở ngoài nước. Nếu thấy có một cơ hội việc làm mà có quá nhiều lời hứa hoặc có điều gì đó có vẻ không đúng như quảng cáo, tốt nhất nên chờ cơ hội khác.

HOÀNG ĐẠT

Chia sẻ bài viết