10/06/2011 - 10:44

Đề phòng bệnh rôm sảy cho trẻ

Khí hậu nóng bức, trẻ em rất dễ mắc bệnh rôm sảy. Đây là một căn bệnh về da đơn giản nhưng nếu không biết cách chăm sóc thì bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, dẫn đến việc điều trị sẽ phức tạp hơn.

 Nên tắm cho trẻ mỗi ngày để giữ da luôn sạch sẽ và phòng ngừa rôm sảy.

Bé T.P.H., 5 tuổi, ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, bị bệnh rôm sảy đã 2 tuần nay. Trên tay, chân, trán và đầu của bé nổi rất nhiều những mẩn đỏ li ti, làm bé cảm thấy ngứa, khó chịu. Chị T.K.T, - mẹ bé T.P.H., lo lắng nói: “Vào mùa nắng, con tôi thường bị rôm sảy. Mỗi lần mắc bệnh, cháu hay cào gãi và không ngủ được. Tôi không biết cách phòng bệnh và chăm sóc cháu như thế nào, nên thường lấy lá me nấu nước cho cháu tắm”. Tương tự, chị N.H.H., ở quận Ninh Kiều, mẹ bé N.Đ.D., cho biết vào những ngày hè nóng bức, con chị hay bị nổi rôm sảy ở lưng, bụng, cổ làm bé rất bứt rứt, khó chịu.

Để các bậc phụ huynh hiểu hơn về bệnh rôm sảy, Bác sĩ Từ Tuyết Tâm, Bệnh viện Da Liễu TP Cần Thơ, đưa ra nhiều thông tin như sau: Rôm sảy là tình trạng viêm da thường gặp ở trẻ em, chiếm khoảng 15% ở trẻ mới sinh. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể bị rôm sảy, nhất là vào mùa hè. Nguyên nhân chính là do thời tiết nóng bức, mồ hôi trẻ tiết ra nhiều nhưng không thoát được hết và ứ đọng lại trong các ống bài tiết trên da trẻ, trong khi đó, miệng ống bài tiết dễ bị bụi bẩn bít kín gây ra rôm sảy. Rôm sảy thường xuất hiện thành đám, mảng lớn ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, cổ, trán, nách, bẹn, các nếp gấp của cơ thể,... Một số trường hợp nặng có thể bị rôm sảy gần như cả toàn thân. Nhưng cũng tùy vào mức độ và thời gian tiếp xúc với nhiệt độ môi trường nóng ẩm mà rôm sảy có biểu hiện trên da khác nhau, như: sẩn, hồng ban, mụn nước hoặc mụn mủ. Thông thường khi thời tiết mát mẻ, rôm sảy sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, rôm sảy sẽ chuyển thành mụn mủ và nhọt, nguyên nhân chủ yếu là do trẻ không được phụ huynh giữ vệ sinh sạch sẽ, da bị xây xước và nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời và giữ vệ sinh sạch sẽ, trẻ còn có nguy cơ bị viêm da mãn tính (da không tiết mồ hôi) hay viêm cầu thận cấp (tuy hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm).

Để phòng tránh và điều trị rôm sảy cho trẻ, các bậc phụ huynh cần lưu ý các điểm sau: Nên tắm cho trẻ mỗi ngày để giữ da luôn sạch sẽ, mồ hôi được bài tiết dễ dàng. Dùng nước mát để tắm và tắm bằng sữa tắm chuyên dùng cho trẻ, tránh các loại sữa tắm có độ kiềm lớn, gây khô da. Khuyến khích trẻ uống đủ nước, ăn các loại rau xanh, trái cây tươi có nhiều vitamin và hạn chế các thức ăn quá ngọt như kẹo, bánh,.. Không cho trẻ uống bất cứ loại kháng sinh nào khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Nên cho trẻ mặc những quần áo bằng chất liệu mỏng, rộng rãi, tốt nhất là nên chọn các loại sợi tự nhiên, thấm mồ hôi, tránh mặc các loại quần áo may bằng vải dày, vải nylon,... Tránh cho trẻ đến những nơi đông người, không khí ngột ngạt, không nên cho trẻ ra ngoài khi trời nắng nóng. Điều quan trọng hàng đầu là khi trẻ bị ngứa, phụ huynh cần tránh để trẻ cào gãi vì sẽ làm trầy xước da, gây nhiễm trùng và viêm da lan rộng hơn. Có thể sử dụng các loại kem có thành phần hydrocortisone (tác dụng trị rôm sảy), hay kem có chứa acid salicylic (tác dụng khô bề mặt da, se lỗ chân lông) để thoa cho trẻ sau khi tắm xong. Ngoài ra, có thể tắm cho trẻ bằng thuốc tím pha loãng 1/10.000 hoặc bôi các chế phẩm làm dịu da như dung dịch Dalibour, Zarish,...; uống thuốc chống ngứa; v.v... Nếu trường hợp da bị viêm nhiều, xuất hiện mủ thì cần đưa trẻ đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu để có hướng điều trị thích hợp.

Bài, ảnh: HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết