09/03/2011 - 21:31

Để phát triển nông nghiệp bền vững thời kỳ biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất thấp, ven biển và bị tác hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu ( BĐKH) gây ra. Nhất là trong các tháng mùa khô, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL bị nước biển xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, làm thiệt hại sản xuất nông nghiệp, thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt... Trước tình hình trên, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL đã và đang đề ra nhiều giải pháp để ứng phó và thích nghi với tác động của BĐKH.

TÁC HẠI TỪ BĐKH

Theo thống kê, năm 2010, trên thế giới có hơn 300 ngàn người chết do thiên tai, trong đó có hơn 21 ngàn người chết do nguyên nhân khí hậu thay đổi, thiệt hại vật chất lên đến 222 tỉ USD. Tại Việt Nam, trong năm 2010 đã có trên 350 người chết và mất tích, 2.300 căn nhà bị sập do thiên tai, BĐKH gây ra, tổng thiệt hại ước tính gần 13 ngàn tỉ đồng. Năm 2010, cũng được xem là năm xảy ra hạn hán dữ dội nhất ở Việt Nam. Đặc biệt, tình hình hạn hán đã làm cho nước sông Mê Công xuống thấp tới mức kỷ lục trong vòng 20 năm qua, là điều kiện cho dịch hại phát triển phá hoại mùa màng (nhất là chuột) và làm nước mặn tràn sâu vào nội đồng, khiến gần 100 ngàn héc-ta lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

TP Cần Thơ đầu tư nạo vét, khai thông kênh dẫn nước, xây dựng đê bao khép kín phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Bến Tre là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ BĐKH. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, từ năm 2000 trở về trước, thường cứ 4 đến 5 năm mới xuất hiện một năm hiện tượng mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Nhưng từ năm 2000 đến nay, xâm nhập mặn sâu xảy ra ngày càng dày hơn, cứ 2 năm xảy ra một lần, thậm chí 2 năm liên tục. Cụ thể là các năm 2000, 2002, 2004, 2005, 2007, 2009, 2010, độ mặn 4%o đã xuất hiện và vượt qua TP Bến Tre. Đặc biệt các năm 2004, 2005, 2010 độ mặn 4%o đã xuất hiện tại Vàm Mơn, cách cửa sông Hàm Luông khoảng 60 km. Những năm này, độ mặn 1%o hầu như xâm nhập toàn bộ tỉnh Bến Tre. Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến mức độ xâm nhập mặn là do ảnh hưởng BĐKH làm cho dòng chảy kiệt trên sông Tiền, ở mức thấp; thủy triều biển Đông lên cao vào những ngày mùa khô... Những biến đổi này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong sản xuất nông nghiệp. Năm 1995 - 2008, hạn hán và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại 672,305 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2010, hạn mặn đã làm thiệt hại và giảm năng suất 1.575 ha lúa, bỏ hoang không sản xuất 4.500 ha, thiệt hại và giảm năng suất 10.162 ha cây ăn trái... Tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 198 tỉ đồng.

Ở Cà Mau, thời tiết thay đổi cũng dẫn đến nắng hạn cục bộ và xâm nhập mặn trong nội đồng diễn ra từ năm 2005 đến 2010. Đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng đã lên đến 29.644 ha, ước thất thu khoảng 107 tỉ đồng/năm. Ở Sóc Trăng, đất mặn có phạm vi phân bố rộng khắp các huyện: Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Long Phú, Kế Sách, Mỹ Tú và TP Sóc Trăng. Đây là nhóm đất bị ngập nặng, độ mặn trong đất ngày càng tăng cao do nước biển dâng, ảnh hưởng bởi BĐKH. Diện tích trồng lúa, hoa màu trong vùng mặn ít và mặn trung bình (vùng Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên) gần đây cũng bị nhiễm mặn nặng. Vùng trồng lúa 2 vụ có năng suất, chất lượng cao của tỉnh Sóc Trăng cũng bị tác động nghiêm trọng do mặn xâm nhập, làm cho hiệu quả sản xuất thấp... dẫn đến thiệt hại hằng năm trên 100 tỉ đồng.

Theo dự báo của các chuyên gia, xét về năng suất các vụ, vụ hè thu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, do sản xuất vào mùa khô. Dự báo sản lượng vụ lúa hè thu sẽ giảm 3,8% thời kỳ năm 2020; giảm 5,06% thời kỳ năm 2050 và giảm tới 9,87% vào thời kỳ năm 2100. Đến thời kỳ năm 2100, khi nhiệt độ tăng khoảng 20C, lượng mưa vụ Đông Xuân giảm tới 14,3% và tăng 13% vào vụ Thu Đông thì năng suất lúa cả 3 vụ Đông Xuân, Hè Thu, Thu Đông đều giảm trên 5%.

ỨNG PHÓ, THÍCH NGHI BĐKH

Sau Tết Nguyên đán 2011, tại TP Cần Thơ đã diễn ra nhiều hội thảo, diễn đàn đưa ra giải pháp ứng phó, thích nghi với BĐKH ở ĐBSCL. Dự án “Ảnh hưởng của BĐKH lên sử dụng đất ở ĐBSCL: Sự thích ứng của hệ thống canh tác trên nền lúa” (gọi tắt là Dự án CLUES) được khởi động vào ngày 22-2-2011. Dự án CLUES thực hiện trong thời gian 4 năm (2011-2014), với tổng kinh phí 4 triệu USD do Chính phủ Úc tài trợ. Hoạt động của dự án là sự phối hợp giữa Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) với các trung tâm nghiên cứu của Việt Nam và Úc, các cơ quan chức năng địa phương và nông dân Việt Nam. Dự án nhằm tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của các hệ thống canh tác lúa ĐBSCL, thông qua việc cung cấp công nghệ và kỹ thuật mới giúp cho hệ thống canh tác lúa có sức chịu đựng tốt hơn trước những thay đổi có thể xảy ra từ BĐKH; cải thiện nguồn quỹ gen lúa có tính chịu đựng tốt hơn khi bị ngập úng, sốc do mặn và môi trường yếm khí trong quá trình nảy mầm; đưa ra phương án sử dụng đất có thể thay thế cho các hệ thống sản xuất độc canh lúa, luân canh để cho thu nhập cao hơn trên một thửa đất; hướng dẫn quản lý đất nhằm mục đích tuần hoàn dinh dưỡng và thích ứng với ngập úng trên đất phèn; trang bị công nghệ và kiến thức để cải thiện an ninh lương thực ở khu vực ĐBSCL... Giáo sư Tiến sĩ Lê Quang Trí, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, Chủ nhiệm Dự án CLUES (phía Việt Nam), cho biết: “Dự án này cung cấp cho nông dân một bộ công cụ mới, giúp họ thay đổi hệ thống canh tác của mình, vừa có nhiều lựa chọn hơn về các giống lúa, vừa có thông tin để lựa chọn cây trồng thích hợp cho từng năm, giảm rủi ro về sản lượng thấp dẫn đến thu nhập thấp. Trước mắt, dự án được thực hiện tại TP Cần Thơ, và các tỉnh Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, sau đó sẽ được nhân rộng ở các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL”.

UBND TP Cần Thơ cũng vừa phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên Nước (WARECOD) tổ chức diễn đàn “Biến đổi khí hậu (BĐKH) tại ĐBSCL - các thiệt hại liên quan đến sông Mê Công năm 2010” vào cuối tháng 2-2011. Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung phân tích về nguồn tài nguyên nước ở ĐBSCL, cảnh báo những ảnh hưởng của vùng ĐBSCL từ sông Mê Công do các dự án tác động, nhất là các dự án thủy điện dự kiến xây dựng ở một số quốc gia có sông Mê Công đi qua. Các dự án đắp đập ngăn sông sẽ làm thiếu nước, phù sa, nguồn cá và hệ sinh thái... trên sông Mê Công. Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, cần có những chính sách căn bản để phát triển bền vững nền nông nghiệp ĐBSCL. Hiện Chính phủ đã có hướng quy hoạch lại vùng trồng lúa, nghiên cứu những giống lúa thích nghi với nắng nóng, khô hạn, ngập mặn, ngập úng, bố trí giống cây trồng cho phù hợp, áp dụng kỹ thuật thích ứng thích nghi với BĐKH. Cuối cùng cần tìm cách phối hợp với các nước trong vùng tạo mối liên kết trong vấn đề chia sẻ, bảo tồn nguồn nước sông Mê Công...

Bên cạnh đó, các giải pháp mà các địa phương ở ĐBSCL cần chú ý thực hiện như: làm đê bao kết hợp hệ thống cống và trạm bơm ở các vùng ven biển để tránh ngập lụt; xây dựng hồ chứa nước ngọt ngay tại ĐBSCL trong các vùng ngập hay bán ngập để trữ nước, tránh tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất; việc qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với ổn định sản xuất, bảo vệ môi trường, trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp; nghiên cứu, sản xuất, nhân rộng các giống cây con chịu mặn; tăng cường truyền thông và nâng cao năng lực quản lý môi trường... cho cán bộ cơ sở.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết