27/01/2019 - 08:46

Để phát triển bền vững khu công nghiệp

Theo Vụ Quản lý các Khu Kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2018, cả nước có 326 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt xấp xỉ 93.000ha; trong đó diện tích đất công nghiệp đạt gần 64.000ha. Trong 326 KCN có 250 KCN đã đi vào hoạt động và 76 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Đến hết năm 2018, cả nước có 17 khu kinh tế (KKT) ven biển được thành lập, tổng diện tích hơn 845.000ha. Riêng năm 2018, các KCN, KKT thu hút thêm 8,3 tỉ USD. Tính đến cuối năm 2018, các KCN, KKT thu hút 7.500 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký gần 970.000 tỉ đồng và khoảng 8.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 145 tỉ USD.

Hiện trong số các KCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đạt trên 73%. Đây là nỗ lực rất lớn của các địa phương cả nước trong việc quy hoạch, mời gọi đầu tư. Các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN đóng góp đáng kể vào ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Song, tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số KCN cũng là vấn đề đau đầu của địa phương. Trong số các KCN đang hoạt động có 218 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung, với tổng công suất đạt hơn 950.000m3 ngày đêm. Vấn đề khác là vẫn còn doanh nghiệp trong KCN xử lý nước thải nội bộ chưa đạt chuẩn loại B theo quy định khi hòa vào đường ống chung cũng gây khó khăn cho nhà máy xử lý nước thải. Đó là chưa kể đến vấn đề thu phí xử lý, vẫn còn doanh nghiệp chưa đồng tình với mức phí từ nhà máy đưa ra.

Bên cạnh đó, nhiều KCN khó thu hút đầu tư, do tình trạng chủ đầu tư hạ tầng không đủ năng lực đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, giải phóng mặt bằng da beo. Và đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào KCN, cùng các dịch vụ đi kèm cũng không đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư, nên nhiều nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài rất lo ngại khi bỏ vốn đầu tư. Mặt khác, lao động công nghiệp, nhất là lao động quản lý cấp trung hiện nhiều nơi còn thiếu và nhiều địa phương chưa thể kết nối với các trường, trung tâm để đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu của doanh nghiệp… Đây là những yếu kém cần được tháo gỡ để phát triển KCN bền vững hơn.

Phát triển KCN, KKT là tất yếu để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa. Do vậy, ngoài đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN, cần phải có chiến lược phát triển các ngành dịch vụ đi kèm để phục vụ sự phát triển của KCN, KKT như: tài chính, thương mại… đồng thời đào tạo tay nghề cho lao động. Và để phát triển bền vững KCN, KKT cần chắt lọc dự án đầu tư, nhằm hạn chế những dự án đầu tư có công nghệ kém, lạc hậu để tránh những hệ lụy về sau.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết