23/08/2009 - 20:38

Để người tiêu dùng an tâm khi sử dụng thực phẩm

Cán bộ thú y kiểm tra giết mổ heo tại Xí nghiệp chế biến thực phẩm 1 thuộc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (C.T.C).
Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, hiện nay nhiều loại thực phẩm tươi sống như: các loại thủy sản, thịt, rau xanh bán trên thị trường vẫn còn bị nhiễm khuẩn, hóa chất bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... chưa đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu là thành phố phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn...

MẤT VỆ SINH ATTP TỪ NHIỀU KHÂU

Mới đây, Đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương làm trưởng đoàn, đã đến kiểm tra tình hình vệ sinh ATTP tại TP Cần Thơ. Đoàn đã tập trung kiểm tra tình hình vệ sinh ATTP đối với ba mặt hàng thực phẩm tươi sống gồm: các loại rau xanh, thủy sản và thịt (heo, gia cầm, trâu, bò...).

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại một số vùng và địa điểm sản xuất rau màu, nuôi trồng thủy sản, nhà máy chế biến thủy sản, lò giết mổ gia súc và chợ tại thành phố, Đoàn kiểm của Bộ NN& PTNT đánh giá công tác vệ sinh ATTP tại Cần Thơ đã được quan tâm nhiều và có sự tham gia phối hợp tốt giữa các sở, ngành. TP Cần Thơ đã xây dựng được các mô hình liên kết trong chăn nuôi và chế biến thủy sản nhằm đảm bảo chất lượng và đầu ra. Thành phố cũng đã quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn, đi đôi với việc xây dựng và hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình trồng rau màu an toàn. Việc giết mổ gia súc, gia cầm tại thành phố đã được đưa vào các lò giết mổ tập trung nên dễ quản lý và kiểm soát dịch bệnh. Thành phố đã bố trí nhân viên thú y túc trực thường xuyên tại các chợ, điểm kinh doanh để kiểm tra vệ sinh thú y và đóng dấu kiểm dịch các loại thịt và sản phẩm động vật...

Tuy nhiên, việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm rau xanh, thủy sản và các loại thịt, nhất là các sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nội địa, tại TP Cần Thơ vẫn còn nhiều bất cập. Đó là, trình trạng con giống trong nuôi trồng thủy sản chưa được kiểm dịch; các chất bẩn và nước thải từ nuôi, trồng chưa qua xử lý còn bị lén lút thải ra môi trường; nguồn nước, đất phục vụ nuôi thủy sản và trồng rau chưa bảo đảm theo tiêu chuẩn. Việc xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi và giết mổ, nhất là giết mổ gia súc gia cầm (GSGC) chưa tốt. Hiện nay, việc thực hiện đưa GSGC vào các lò giết mổ tập trung đã được duy trì, nhưng nhiều lò trong số này đang có cơ sở vật chất lạc hậu, nước thải chưa được xử lý tốt, dụng cụ giết mổ và phương tiện vận chuyển hàng chưa đảm bảo vệ sinh. Đa phần GSGC được giết mổ dưới sàn nhà bị nhiễm bẩn, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn khuấy nhiễm vào thịt. Trong khi đó, hiện nhiều thủy sản ướp lạnh bày bán tại các chợ chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Việc chế biến và sơ chế nhiều mặt hàng thủy sản bán tại chợ còn mất vệ sinh và chưa kiểm soát hết được việc sản phẩm có sử dụng các chất ướp, chất bảo quản độc hại hay không?

Riêng về sản xuất rau “sạch” cũng có nhiều lỏng lẻo trong quản lý. Đến nay, dù đã có quy hoạch các vùng rau an toàn nhưng thành phố chưa có các sản phẩm rau màu được chứng nhận rau an toàn. Đơn cử như ở xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền mà đoàn đã đến kiểm tra. Tại đây, diện tích trồng rau “sạch” vẫn còn manh mún và một số hộ dân còn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngoài danh mục cho phép.

GIẢM NỖI LO CHO NGƯỜI TIÊU DÙNG

Qua 7 tháng đầu năm 2009, Chi cục Thú y, thuộc Sở NN& PTNT thành phố, đã tiến hành lấy 125 mẫu thịt tươi ở các nhà hàng quán ăn, cơ sở kinh doanh, giết mổ để kiểm tra vi sinh. Kết quả có 112 mẫu thịt (chiếm tỷ lệ 89,6%) bị nhiễm vi sinh vượt mức so với tiêu chuẩn Việt Nam. Trong đó, nhiễm vi sinh (Ciliform) là 80% trên số mẫu lấy; nhiễm E. Coli (một loại vi khuẩn đường ruột gây bệnh tiêu chảy cấp) 28,8%; nhiễm vi khuẩn hiếu khí 76,8%; nhiễm tụ cầu khuẩn (staphylococcus aureus) 14,4%... Theo ghi nhận của ngành chức năng, giết mổ GSGC thủ công, dưới nền là nguyên nhân làm thịt bị nhiễm vi sinh, mặt khác phương tiện vận chuyển thịt và sản phẩm động vật chưa đạt yêu cầu, điều kiện bảo quản của các cơ sở chưa tốt... là những nguyên nhân chính.

Trong 8 tháng đầu năm 2009, Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN& PTNT thành phố, tiến hành lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc BVTV. Qua đó, đơn vị đã phát hiện 29 mẫu rau (chiếm 11,07%) có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép; 73 mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV ở mức an toàn, chiếm tỷ lệ 27,86% và còn lại 160 mẫu (chiếm tỷ lệ 61,07%), không phát hiện dư lượng thuốc BVTV. Các mẫu rau được phát hiện có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép gồm nhiều loại như: cải ngọt, cải xanh, xà lách soong, tần ô, rau thơm, cải xà lách, cải thìa, cà chua, khổ qua, đậu bắp, củ cải trắng...

Thời gian qua, việc sản xuất rau tại thành phố có sự tổ chức quy hoạch các vùng sản xuất rau an toàn và xây dựng mô hình điểm sản xuất rau an toàn. Sản phẩm rau an toàn của một số hợp tác xã lúc đầu có đưa vào được các siêu thị trên địa bàn nhưng sau đó phải tạm dừng do diện tích sản xuất bị thu hẹp và không đáp ứng được sự đa dạng về chủng loại và số lượng theo yêu cầu của siêu thị. Trong khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm an toàn và chưa an toàn lại chưa có ranh giới, dù sản xuất có quy trình khác nhau. Sản xuất rau an toàn đòi hỏi phải theo một quy trình khắt khe nhưng giá bán và việc tiêu thụ chưa có sự khác biệt do chưa được sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng.

Trong chuyến đi kiểm tra tình hình vệ sinh ATTP tại TP Cần Thơ vừa qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương, cho rằng: Trước đây, chúng ta thường quan tâm quản lý chất lượng và vệ sinh ATTP đối với hàng hóa xuất khẩu, cái nào tốt thì xuất khẩu, còn xấu, không đạt tiêu chuẩn lại bán ở thị trường nội địa. Giờ đây, cần quan tâm đảm bảo vệ sinh ATTP cả đối với hàng xuất khẩu và hàng tiêu thụ ở nội địa, không được xem nhẹ bên nào. Để quản lý chặt chất lượng vệ sinh ATTP, cần phải quản lý tận gốc, từ khâu sản xuất đến khâu chế biến và tiêu thụ. Tới đây, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, thành phố cần tổ chức, quy hoạch lại việc sản xuất, giết mổ đảm bảo theo các tiêu chuẩn và quy trình an toàn như: xây dựng vùng sản xuất rau an toàn và có cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm, xây dựng lò giết mổ GSGC tập trung hiện đại... Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến cho người dân nắm các kiến thức về vệ sinh ATTP trong cả quá trình sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương, về lâu dài, thành phố phải kêu gọi đầu tư để xây dựng lò giết mổ GSGC hiện đại, đảm bảo vệ sinh ATTP và có thể đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm cho cả khu vực ĐBSCL. Trước mắt, thành phố phải xem lại và tổ chức ngay việc giết mổ GSGC tại các lò giết mổ và sớm xúc tiến mở các khóa đào tạo ngắn cho những người giết mổ nhằm cải tiến thao tác thực hành và tránh việc giết mổ dưới nền nhà khiến thịt bị nhiễm vi sinh. Song song đó, thành phố phải rà soát lại các vùng quy hoạch sản xuất rau an toàn nhằm đảm bảo đất trồng và nước tưới nơi đây đảm bảo cho việc sản xuất rau an toàn. Đề ra quy trình và tiêu chuẩn Việt GAP để người dân sản xuất rau an toàn được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết