25/01/2021 - 15:26

Để người bán hàng qua mạng trụ vững với nghề  

Hình thức kinh doanh qua mạng (bán hàng online) ngày càng phổ biến, với đa dạng mặt hàng, chủng loại, cơ bản đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mang lại thu nhập đáng kể. Để trụ vững với nghề, người bán hàng online cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hình thức kinh doanh này…

Học hỏi kinh doanh

Sau 10 năm làm việc cho công ty tài chính, chị Nguyễn Thị Bích Phượng, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, quyết định nghỉ việc, chuyển sang bán hàng online, với đủ loại từ giày dép, quần áo, mỹ phẩm đến quà bánh. Chị Phượng cho biết: “Nghề này linh hoạt thời gian, không tốn chi phí mặt bằng, trang trí cửa hàng, thuê mướn nhân viên nên sản phẩm tôi bán có giá rẻ hơn, khách hàng ủng hộ nhiều hơn”. Chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên văn phòng ở huyện Thới Lai, cho biết: “Hằng tháng, lương của tôi khoảng 5 triệu đồng. Tôi gói ghém lắm mới đủ chi các khoản tiền ăn học của 2 con. Cách nay 4 năm, tôi bắt đầu bán hàng online, chuyên về quần áo người lớn và trẻ em”.

Vào các trang Facebook, Zalo sẽ dễ dàng bắt gặp người bán hàng chụp ảnh sản phẩm, tải lên trang cá nhân, kèm thông tin, giá sản phẩm. Khi khách chốt hàng, việc giao nhận hàng được thực hiện qua dịch vụ giao hàng nhanh. Không chỉ phụ nữ, các đấng mày râu cũng thành công với việc bán hàng online. Thời gian gần đây, anh Phan Văn Huệ, ở phường Thới Long, quận Ô Môn, cũng giới thiệu và bán cây kiểng qua mạng xã hội. Mỗi ngày, anh bán từ 3 đến 5 gốc mai đi khắp các tỉnh, thành phố. Anh Huệ bộc bạch: “Là nhân viên văn phòng, không đủ vốn đầu tư cơ sở mua bán hoa kiểng nên tôi chọn hình thức kinh doanh này và có khách hàng khắp nơi”.

Việc bán hàng online cũng đòi hỏi người kinh doanh phải nỗ lực vượt khó để trụ vững với nghề. Anh Phan Văn Huệ cho biết: “Ban đầu, tôi bán giá rẻ, thậm chí huề vốn. Khi lượng khách hàng khá, tôi mới tăng giá, có thu nhập”. Chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ: “Người làm nghề phải biết giữ chữ tín mới tồn tại và phát triển”. Rủi ro gặp phải còn là việc người mua từ chối nhận hàng, với nhiều lý do khác nhau. Anh Lê Hữu Chiến, ở thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, kể: “Khách đặt mua hàng rồi, nhưng khi ship hàng đến nhà liền tìm cách chê, trả giá thấp hơn thỏa thuận. Có người không nghe điện thoại, hoặc tìm mọi lý do để không nhận hàng”.  

Cần trang bị kiến thức, kỹ năng

Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ xác định loại hình kinh doanh qua mạng đang rất thịnh hành, mang lại nhiều lợi nhuận cho người bán nếu biết khai thác chuyên nghiệp, bài bản. Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020” của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm DVVL thành phố vừa tổ chức bế giảng và trao Giấy chứng nhận cho 25 học viên lớp tập huấn “Quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội”.

Tham gia lớp tập huấn, học viên được cung cấp kiến thức về khởi sự kinh doanh qua mạng, kỹ năng, kỹ xảo chụp ảnh, quay các đoạn phim ngắn về sản phẩm, biên tập nội dung và cách phát âm thể hiện sinh động hình ảnh người bán hàng cùng sản phẩm trên mạng xã hội. Học viên học hỏi, cập nhật kiến thức hệ thống bán hàng đa kênh; hiểu đúng xu hướng, bản chất kinh doanh qua trang thông tin điện tử hay trực tuyến, kỹ năng tiếp cận khách hàng trên Facebook, Zalo…

Hầu hết học viên thích thú khi được trang bị kiến thức mới mẻ, thiết thực, phục vụ hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, học viên của lớp tập huấn, cho biết: “Trước giờ, tôi tự bán hàng online theo ý tưởng cá nhân hoặc qua cách của người khác trên mạng xã hội. Tham gia lớp học này, tôi ấn tượng với kỹ thuật chụp và chỉnh sửa ảnh, cách viết nội dung giới thiệu sản phẩm để thu hút khách hàng trên Facebook, Zalo và Youtube. Nhờ vậy, chúng tôi kinh doanh chuyên nghiệp, hiệu quả hơn”. Các học viên mong muốn ngành chức năng tiếp tục quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, phù hợp xu thế công nghệ và hội nhập. Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL thành phố, từ hiệu quả của lớp tập huấn, Trung tâm sẽ tăng cường phối hợp để duy trì hoạt động tập huấn kỹ năng về việc làm và khởi nghiệp cho người có nhu cầu tìm việc làm hoặc khởi sự kinh doanh.

Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho biết, việc tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội giúp người kinh doanh online phát triển và trụ vững với nghề. Thời gian tới, Phòng Xã hội phối hợp Trung tâm DVVL thành phố tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn với nội dung trên, tăng cường thời lượng thực hành. Qua đó, giúp người bán hàng online áp dụng kiến thức, kỹ năng được học kết hợp kinh nghiệm, năng khiếu để nâng cao hiệu quả hình thức kinh doanh này.

 C.H - A.P

Chia sẻ bài viết