04/02/2017 - 09:11

Nhịp cầu dân cử

Đề nghị hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Cử tri huyện Vĩnh Thạnh đề nghị thành phố hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, vì hiện nay sản xuất lúa mang lại hiệu quả không cao. Nội dung trả lời của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố như sau:

Tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 - 6 - 2013 của Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp đã tích cực hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang các mô hình hiệu quả. Năm 2016, toàn thành phố đã chuyển đổi 1.120ha đất trồng lúa sang trồng dưa hấu, bắp, mè... cao hơn cùng kỳ 548ha. Trong đó, mô hình trồng mè đạt lợi nhuận khoảng 18 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất lúa 7 triệu đồng/ha); mô hình trồng dưa hấu đạt lợi nhuận khoảng 58 triệu đồng/ha (cao hơn trồng lúa 47 triệu đồng/ha); mô hình trồng bắp thu lợi nhuận gần 44 triệu đồng/ha (cao hơn trồng lúa 34 triệu đồng/ha). Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo vườn kém hiệu quả (913 ha) và khôi phục vườn cây ăn trái chuyên canh gắn với du lịch sinh thái; phát triển vùng chuyên trồng hoa kiểng; mở rộng mô hình nuôi thủy sản đặc sản có giá trị kinh tế; ươm giống thủy sản; mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã triển khai chương trình hỗ trợ giống cây con năm 2016 và đã có văn bản hướng dẫn tại Công văn số 323/SNN&PTNT-TCHC. Năm 2016, đã hỗ trợ 72,86 tấn lúa giống, 91.065 cây ăn trái,... với kinh phí 3,42 tỉ đồng từ nguồn kinh phí địa phương và Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Riêng huyện Vĩnh Thạnh đã thực hiện hỗ trợ gần 313 triệu đồng để hỗ trợ giống lúa, mè, rau, heo, bò, cá, lươn,... giúp bà con nông dân thực hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp; thực hiện lồng ghép chương trình khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã hỗ trợ huyện Vĩnh Thạnh thực hiện mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực và lúa với quy mô 20 ha (tại huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh).

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ cao, đổi mới giống cây trồng, phát triển một số thương hiệu nông sản. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày theo hướng gia tăng diện tích, năng suất, sản lượng; xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, có nhãn hiệu theo quy hoạch...

Chia sẻ bài viết