24/10/2014 - 09:41

Để Luật Doanh nghiệp sửa đổi mang tính khả thi cao

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức "Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)" tại TP Cần Thơ. Nhiều doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN các tỉnh, thành ĐBSCL đã có ý kiến đóng góp thiết thực, góp phần hoàn thiện dự thảo luật này có tính khả thi cao, phù hợp với thực tế, tạo thuận lợi cho DN hoạt động khi luật này chính thức có hiệu lực…

* Nhiều điểm mới

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật DN 2005 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của DN. Qua 8 năm triển khai thực hiện, Luật DN 2005 góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, nhiều quy định của Luật DN 2005 cũng có nhiều hạn chế, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - đơn vị chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật DN (sửa đổi), mục tiêu của Luật DN (sửa đổi) là đưa DN trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn và an toàn hơn. Qua đó hấp dẫn hơn cho nhà đầu tư, tăng cường thu hút và huy động tốt hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Những thay đổi cơ bản của Luật DN (sửa đổi) là tiếp tục thuận lợi hóa thủ tục đăng ký DN: giấy chứng nhận đăng ký DN không ghi ngành nghề kinh doanh; tách bạch giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký DN. Bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN; hài hòa hóa thủ tục đăng ký DN với thuế, lao động và bảo hiểm xã hội; DN tự quyết định con dấu, nội dung và hình thức con dấu. Về góp vốn điều lệ, tách bạch khái niệm vốn điều lệ DN và vốn đầu tư triển khai dự án đầu tư; bổ sung quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng một cách hợp lý, đơn giản so với quy định hiện hành.

VCCI phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức "Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)" tại TP Cần Thơ.

Về mô hình tổ chức quản trị, Luật DN (sửa đổi) bổ sung thêm mô hình quản trị DN đối với công ty cổ phần để phù hợp với thực tiễn tốt của quốc tế và tăng cường thêm lựa chọn cho nhà đầu tư. Về ra quyết định của công ty, giảm yêu cầu về tỷ lệ biểu quyết thông qua quyết định đại hội đồng cổ đông xuống 51% đối với quyết định thông thường và 65% đối với quyết định "quan trọng"; không bắt buộc công ty phải áp dụng nguyên tắc bầu dồn phiếu khi bầu thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát… Về bảo vệ cổ đông, Luật DN (sửa đổi) qui định chi tiết hơn về nghĩa vụ người quản lý công ty, tạo thuận lợi hơn cho cổ đông theo dõi, giám sát và khởi kiện người quản lý khi cần thiết; xác định rõ trách nhiệm của công ty trong việc cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về lợi ích có liên quan theo yêu cầu của cổ đông. Cổ đông có thể trực tiếp hoặc nhân danh công ty khởi kiện ngay người quản lý trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ của người quản lý; tăng cường yêu cầu công khai hóa thông tin kịp thời và đầy đủ đối với công ty cổ phần để tương thích với thông lệ quốc tế… Về tổ chức lại và giải thể DN, mở rộng đối tượng được quyền hợp nhất, sáp nhập, chia, tách công ty; hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục về phương thức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách DN và đăng ký lại DN sau khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách… Luật DN (sửa đổi) cũng bổ sung khái niệm DN xã hội để luật hóa sự tồn tại nhằm thúc đẩy sự phát triển loại hình DN này như một phương thức mới, bổ sung cho nhà nước trong giải quyết vấn đề xã hội. DN xã hội là DN có tôn chỉ, mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường, đa số lợi nhuận được giữ lại để tái đầu tư nhằm duy trì mục tiêu, tôn chỉ đã đăng ký…

* Để Luật DN (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - VCCI, VCCI - cơ quan đại diện cho DN Việt Nam cho biết đã tích cực tham gia xây dựng Luật DN (sửa đổi). Năm 2011, VCCI có báo cáo rà soát lại những bất cập của Luật DN 2005. VCCI tham gia thành viên ban soạn thảo và tổ biên tập, thời gian qua tổ chức nhiều cuộc hội thảo góp ý Luật DN (sửa đổi)… Theo VCCI, quá trình xây dựng Luật DN (sửa đổi) là quá trình soạn thảo mở chưa từng có như: tham vấn từ khi mới có ý tưởng, chưa có dự thảo; tận dụng kinh nghiệm quốc tế; khảo sát thực tiễn tại nhiều DN. Thành phần tham vấn rộng khắp, gồm: DN, hiệp hội DN, chuyên gia, luật sư, tổ chức quốc tế, các cơ quan nhà nước Trung ương và địa phương… Những điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật DN (sửa đổi) là tiếp tục mở rộng tự do kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa tài chính DN, linh hoạt trong quản trị nội bộ nhưng vẫn duy trì quyền lợi của cổ đông thiểu số. Tuy nhiên, vẫn còn những điều băn khoăn như: khâu hậu kiểm vẫn chưa có giải pháp đáng kể, cạnh tranh chưa hoàn toàn bình đẳng giữa Nhà nước và phi nhà nước, vẫn còn quá nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết trong nhiều lĩnh vực.

Theo ông Huỳnh Văn Tùng, Trưởng Phòng Đăng ký Kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, Luật DN ra đời đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, tạo bước đột phá về cải cách hành chính… TP Cần Thơ có số lượng DN thành lập mới gia tăng hằng năm. Giai đoạn 2001-2005, số lượng DN đăng ký thành lập mới là 712, với tổng vốn đăng ký 27.124 tỉ đồng. Giai đoạn 2006-2010, số lượng DN đăng ký thành lập mới là 2.962, với tổng vốn đăng ký 32.656 tỉ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2014, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 655 DN, tổng vốn đăng ký 1.959 tỉ đồng và 157 chi nhánh, văn phòng đại diện… Về Luật DN (sửa đổi), ông Huỳnh Văn Tùng cho rằng: Việc đơn giản hóa, thuận lợi hóa thủ tục thành lập DN giúp cải thiện đáng kể chỉ số gia nhập thị trường của nước ta. Các quy định về đăng ký thành lập DN theo hướng đơn giản hóa, giảm tối đa thủ tục hành chính, giảm thời gian… sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập DN…

Bà Mã Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: Luật DN (sửa đổi) nên có chính sách khuyến khích DN xã hội để dễ kêu gọi đầu tư. Bởi DN xã hội hiện nay chưa nhiều và nhiều tỉnh, thành chưa thu hút được DN xã hội. DN tư nhân cũng phải được định giá tài sản mặc dù tự chịu trách nhiệm toàn bộ. Đối với DN tư nhân tự khai tài sản, tự chịu trách nhiệm, tuy nhiên sẽ là thiếu chặt chẽ nếu tài sản không phải bằng tiền, bằng vàng mà là bất động sản hay các tài sản khác thì phải có cơ quan định giá tài sản hoạt động hợp pháp để đảm bảo tính minh bạch trong vốn kinh doanh. Về chính sách ưu đãi để thu hút DN (sửa đổi) không nêu nhưng rất cần như là hình thức khuyến khích. Luật nên bổ sung để thể hiện sự quan tâm của chính phủ có chính sách, cơ chế riêng để thu hút DN đến đầu tư những địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn…

Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng Ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết: Quá trình soạn thảo Dự thảo Luật DN (sửa đổi) trong hơn 2 năm, đến nay đã có sự đồng thuận cao của cộng đồng DN. Dự kiến, cuối tháng 11-2014 Quốc hội sẽ thông qua Luật DN (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết