10/12/2018 - 19:00

Để liên kết vùng ĐBSCL hiệu quả 

Liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý, sử dụng tài nguyên, phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, nhưng sau hơn hai năm triển khai việc liên kết vẫn còn nhiều hạn chế. Vậy làm sao để liên kết vùng mang lại hiệu quả?

Cần thiết, nhưng còn nhiều hạn chế

Báo cáo về liên kết vùng tại hội thảo "Tham vấn cơ chế liên kết vùng ĐBSCL" được tổ chức ở tỉnh Đồng Tháp mới đây cho thấy, ngoài vai trò như đã nêu ra ở trên, vấn đề liên kết vùng ĐBSCL còn được đặc biệt quan tâm do sự "mẫn cảm" của hệ thống tự nhiên và xã hội của khu vực này trước những thay đổi về môi trường cũng như tác động tích lũy từ hoạt động kinh tế của con người trong nội vùng.


ĐBSCL đang tìm giải pháp mới thực hiện liên kết vùng hiệu quả (Trong ảnh là dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương kết nối TP Hồ Chí Minh đến Long An và Tiền Giang). Ảnh: T. C

Theo đó, các địa phương vùng này luôn thể hiện nhu cầu và mong muốn tiến hành các hoạt động liên kết. Do đó, ĐBSCL đã trở thành vùng đầu tiên và duy nhất đến nay trong 6 vùng kinh tế- xã hội cả nước thực hiện  liên kết vùng theo Quyết định 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020.

Sau hơn hai năm triển khai thực tế liên kết vùng ĐBSCL, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Trưởng nhóm tư vấn liên kết vùng ĐBSCL cho biết, đánh giá thực trạng chung về liên kết vùng ĐBSCL, có thể thẳng thắn nhìn nhận còn khá nhiều hạn chế, ở cả cấp độ quy mô lẫn chất lượng của liên kết. "Các hoạt động liên kết chủ yếu vẫn còn ở mức độ gặp gỡ, trao đổi và lập kế hoạch liên kết, tức có xác định được định hướng, các nội dung" - ông Tuấn cho biết và nói rằng, nhưng việc triển khai các kế hoạch trên thực tế vẫn còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.

Theo ông Tuấn, Quyết định 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa quan trọng trong thí điểm thực hiện liên kết vùng - hiện đang còn rất chậm so với kế hoạch đặt ra. "Bởi, Quyết định 593 là quyết định thí điểm cho giai đoạn 2016-2020, nhưng đến nay đã gần hết năm 2018, tức đã đi hơn nửa đường nhưng thực hiện trên thực tế còn rất hạn chế" - ông Tuấn cho biết.

Tình trạng tác động ít, thực hiện chậm, chưa triển khai trên thực tế do nguyên nhân xuất phát từ bốn nhóm vấn đề, gồm việc chưa có ưu tiên về mục tiêu liên kết; cơ chế liên kết chưa rõ ràng; bộ máy điều phối liên kết vùng thiếu hiệu quả và thiếu nguồn lực tài chính cho liên kết.

Chẳng hạn, đối với nội dung thiếu nguồn lực tài chính cho liên kết, ông Tuấn cho biết, hiện có 12/13 địa phương (trừ TP Cần Thơ) vùng ĐBSCL phụ thuộc vào hỗ trợ ngân sách Trung ương. Trong khi đó, Quyết định 593 có cơ chế hỗ trợ 10% từ ngân sách Trung ương, nhưng chưa thực hiện được. Ngoài ra, hiện chưa có cơ chế chính thức nào để các địa phương cùng đóng góp ngân sách để thực hiện các hoạt động phục vụ mục tiêu chung, nhất là với các dự án đầu tư; chưa huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội vào hoạt động liên kết. Còn cơ chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm, thì hiện nay mới nêu vấn đề tài chính cho hoạt động của bộ máy điều phối liên kết vùng, trong khi cơ chế tài chính để thực hiện các hoạt động liên kết vùng chưa được đề cập tới…

Giải pháp mới thúc đẩy

    liên kết vùng

Từ thực tiễn của việc liên kết vùng còn hạn chế như nêu trên, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Trưởng nhóm tư vấn liên kết vùng ĐBSCL đề ra bốn giải pháp để lấy ý kiến nhằm hoàn thiện để thúc đẩy việc liên kết vùng cho ĐBSCL thời gian tới. Thứ nhất, xác định rõ các ưu tiên về mục tiêu liên kết; thứ hai, xây dựng và hoàn thiện bộ máy liên kết; thứ ba, đảm bảo nguồn lực tài chính cho liên kết và cuối cùng là tăng cường cơ sở thông tin cho liên kết.

Đối với giải pháp xây dựng và hoàn thiện bộ máy liên kết, ông Tuấn cho biết, dựa trên kết quả nghiên cứu và ý kiến phản hồi từ các địa phương, nhóm nghiên cứu nhận thấy cần thiết phải có một cơ quan điều phối liên kết vùng có đủ thẩm quyền quyết định về các vấn đề có tính chất vùng. "Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất hai phương án như sau: thứ nhất, thành lập hội đồng điều phối vùng ĐBSCL với chủ tịch hội đồng là Phó Thủ tướng và thành viên là đại diện 13 địa phương ĐBSCL và một số bộ ngành; thứ hai, giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì điều phối liên kết vùng" - ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, ông Trương Hòa Châu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, gợi ý, nên có giải pháp thứ ba, đó là giao cho các tỉnh thực hiện liên kết vùng luân phiên điều hành theo nhiệm kỳ (giống như điều hành ASEAN) và các địa phương sẽ ngồi lại để xác định đầu tư cái gì? Thứ tự ưu tiên các dự án về nông nghiệp, giao thông, thủy lợi... cái nào ưu tiên trước, cái nào sau. "Làm như vậy thì trách nhiệm của địa phương cao hơn vì người địa phương sẽ thấy được những bức xúc để có quyết định đúng" - ông Châu chia sẻ. Đồng thời cho rằng, phương án giao Bộ Kế hoạch Đầu tư không khả thi vì đơn vị này không thể hiểu hết thực tế của vùng. Trong khi đó, giao Phó Thủ tướng là điều rất tốt, nhưng bộ máy cần tinh gọn, cho nên, cũng cần xem xét thêm.

Theo ông Trương Hòa Châu, về giải pháp tài chính thực hiện liên kết vùng, trong bối cảnh ngân sách gặp khó khăn, trong khi kêu gọi tư nhân cũng không dễ, nhất là với các dự án BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao) về hạ tầng, cho nên cần nghĩ đến việc tiếp cận bằng nguồn vốn ODA. "Vì vậy, nên có nghiên cứu làm sao để đề xuất Chính phủ phải có ưu tiên cho ĐBSCL" - ông Châu kiến nghị.

Tuy nhiên, các đại biểu tại hội nghị lưu ý, việc xây dựng nguồn lực tài chính thực hiện là cần thiết, nhưng cần phải tính đến việc phải đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên cho cơ quan điều phối liên kết vùng; tài trợ và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, xây dựng đề án phục vụ liên kết vùng; đảm bảo nguồn vốn thực hiện cho các dự án mang tính liên kết vùng và hỗ trợ, tài trợ cho cán bộ địa phương nhằm nâng cao năng lực liên kết vùng…

T. C

Chia sẻ bài viết