20/08/2019 - 09:14

Để giáo dục thành phố phát triển bền vững

Năm học 2018-2019 đã khép lại với nhiều thành tích của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ. Thế nhưng, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức để phát triển bền vững.

Năm học 2018-2019 không chỉ đánh dấu chặng đường năm 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT mà còn mang nhiều ý nghĩa với TP Cần Thơ, bởi đây là đơn vị duy nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương nhận Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua "Đổi mới sáng tạo trong dạy và học".

Một góc Trường THCS An Khánh.

Thành quả thể hiện qua kết quả phổ cập giáo dục ở các bậc học của thành phố được giữ vững, với 85 xã, phường, thị trấn đảm bảo các tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, xóa mù chữ mức độ 1… Bậc mầm non có 100% nhóm, lớp xây dựng môi trường theo hướng phát triển tích cực cho trẻ. Bậc tiểu học, các trường tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Về giáo dục mũi nhọn, trong Kỳ thi chọn Học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2019, học sinh thành phố đạt 17 giải; 2 học sinh đạt giải thưởng cấp quốc tế.   

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, mạng lưới trường lớp, đội ngũ nhà giáo ngày càng phát triển, mở rộng và nâng cao. Ngành đã tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND về việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển GD&ĐT TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư, phù hợp với nhu cầu xã hội; tăng cường công tác dự báo về phát triển trường lớp, đội ngũ đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đến nay, thành phố có 306/461 trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện toàn ngành có khoảng 15.000 công chức, viên chức và người lao động. 

***

Ông Nguyễn Phúc Tăng cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành hiện nay: Một số cán bộ quản lý chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện; việc chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới của một số ít đơn vị còn chậm; thiếu phòng học để triển khai dạy 2 buổi/ngày.

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Sở GD&ĐT thành phố tổ chức vừa qua, bà Phan Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, nêu khó khăn về trường đạt chuẩn quốc gia, thiếu đội ngũ giáo viên: "Để đảm bảo thực hiện tốt mô hình trường học đổi mới, đề án ngoại ngữ, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ tham mưu UBND thành phố bổ sung thêm biên chế, đảm bảo quy mô trường lớp". Quận Bình Thủy hiện có 29/31 trường đạt chuẩn quốc gia. Năm nay, quận mở rộng xây dựng trường chuẩn quốc gia sang hệ thống trường tư thục, nhưng vẫn còn một vài vướng mắc cần sự hỗ trợ hướng dẫn từ sở GD&ĐT.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Phong Điền cho biết, huyện cần được bổ sung thêm giáo viên mầm non, tiểu học, nhất là ở các môn Tin học, Anh văn nhằm phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Hầu hết các địa phương khác đều gặp khó, như: quận Cái Răng thiếu gần 60 giáo viên; huyện Vĩnh Thạnh thiếu hơn 100 giáo viên; quận Ô Môn thiếu khoảng 70 giáo viên; huyện Thới Lai thiếu hơn 40 giáo viên…

Năm học 2019-2020, ngành giáo dục thành phố nỗ lực thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp cơ bản của Bộ GD&ĐT. Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, ngành tiếp tục rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; nâng cao chất lượng đội ngũ; trong đó thực hiện bồi dưỡng cán bộ, giáo viên nhằm đón đầu việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.     

Những kiến nghị, khó khăn của các địa phương cần có sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố, sở ngành hữu quan để GD&ĐT thành phố phát triển bền vững.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị các đơn vị xây dựng đề án tổng thể cho phát triển toàn ngành, trong đó quy hoạch lại hệ thống trường học, nhân sự đến năm 2030 và tầm nhìn cho những năm tiếp theo. Trong đó, cần phát huy thế mạnh, tiếp tục nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết