14/04/2020 - 09:30

Để GDP tăng trưởng như kỳ vọng 

Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2020 ước đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08%, đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%, đóng góp 58,4%; khu vực dịch vụ tăng 3,27%, đóng góp 41,4%. Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực dịch vụ chiếm 43,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 10,15%; 35,31%; 43,99%; 10,55%).

Theo các chuyên gia, việc cần làm ngay lúc này là hiện thực hóa các chính sách, giải pháp Chính phủ đưa ra để DN “hấp thu” và nhanh chóng vượt qua khó khăn. Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Quốc tế Tri Việt, Khu Công nghiệp Trà Nóc.

Có thể thấy, mặc dù mức tăng trưởng GDP những tháng đầu năm chưa đạt như kỳ vọng. Song, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; trong nước, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đáng chú ý, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng duy trì được mức tăng trưởng dương. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I. Bên cạnh đó, hoạt động cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, tiêu dùng và xuất khẩu tăng nhẹ.

Theo các chuyên gia kinh tế, bước sang quý II-2020, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng dự báo đối mặt với nhiều thách thức. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng khó khăn. Dịch COVID-19 đang diễn biến rất nhanh, khó dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc có nguy cơ ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội. Doanh nghiệp (DN) nước ta đã, đang và sẽ đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh. Ngoài ra, Việt Nam còn chịu áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội…

Với những diễn biến bất lợi như vậy, việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 đối với nền kinh tế nước ta là thách thức lớn. Để duy trì đà tăng trưởng, tránh rơi vào tình trạng tăng trưởng âm, Tổng cục Thống kê đã đưa ra 6 nhóm giải pháp để duy trì đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Thứ nhất, hỗ trợ cộng đồng DN tìm thị trường nhập khẩu nguyên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ cho ngành nông nghiệp, giao thông, du lịch; thực hiện chính sách miễn giảm thuế. Thứ hai, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Thứ ba, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh ổ dịch mới; tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) thúc đẩy sản xuất. Thứ tư, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước; thực hiện hiệu quả chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Nhóm giải pháp thứ năm là điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt; phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Và nhóm giải pháp cuối cùng là theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn…

Vừa qua, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã tung gói hỗ trợ trị giá 280.000 tỉ đồng. Trong đó, có 250.000 tỉ đồng hỗ trợ tín dụng nhằm khoanh, giãn nợ vay cho các DN chịu tác động COVID-19 và 30.000 tỉ đồng hỗ trợ giãn, hoãn nộp thuế cho DN. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã điều chỉnh các mức lãi suất, trong đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4%/năm xuống 3,5%/năm. Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất tăng gói hỗ trợ tài khóa giãn, hoãn nộp thuế lên 80.200 tỉ đồng... Như vậy, Chính phủ đã có sự chỉ đạo với các giải pháp đồng bộ, kịp thời. Và việc phải làm ngay hiện nay là các bộ ngành và địa phương phải nhanh chóng và quyết liệt hơn nữa để các chính sách đi vào thực tiễn. Bởi đây là “liều thuốc mạnh” tác động lan tỏa, tạo nên cú hích để DN phát triển kinh doanh, từ đó đóng góp chung vào tăng trưởng của cả nước.

Bài, ảnh: CHI MAI

Chia sẻ bài viết