27/04/2012 - 14:30

Để đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông-Vận tải, UBND TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển nhanh và bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”. Buổi tọa đàm đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề xung quanh những thành tựu và tình hình phát triển của vùng ĐBSCL trong thời gian qua, đồng thời đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển nhanh và bền vững cho vùng trong thời gian tới...

* Những thành tựu

Hiện nay, các địa phương ở ĐBSCL đều có chung thế mạnh về sản xuất lúa gạo, trái cây và nuôi các loại
thủy sản. 

Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, cùng sự nỗ lực thực hiện của các bộ ngành Trung ương, các địa phương trong thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, vùng ĐBSCL đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề thực hiện chiến lược kinh tế- xã hội của đất nước.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, diện mạo của vùng ĐBSCL đã có nhiều thay đổi. So với thời điểm năm 2001, năm 2010 giá trị sản xuất của vùng tăng gấp 3,5 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,5 lần, thu ngân sách tăng gấp 6 lần, sản lượng lúa tăng liên tục (từ 16 triệu tấn lên 21,6 triệu tấn). Sản lượng gạo xuất khẩu của vùng hàng năm đã đạt trên 6 triệu tấn (chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước), đạt kim ngạch trên 3 tỉ USD. Cá tra, tôm đã trở thành sản phẩm chiến lược của vùng và trong tương lai không xa sẽ trở thành sản phẩm chủ lực của quốc gia. Các địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp được tập trung đầu tư (như khí, điện, đạm, hóa chất...). Thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động và phát triển mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 20%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 4,6 tỉ USD/năm... Đặc biệt, hạ tầng giao thông trong vùng có bước phát triển mạnh, gắn kết giao thông liên vùng, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, bước đầu đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Hệ thống giao thông huyết mạch gồm trục chính, trục dọc, trục ngang, sân bay, cảng biển, cảng sông, nhiều cầu vượt sông lớn giảm ách tắt giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông. Thời gian qua, đã có trên 10 tuyến quốc lộ đi qua các tỉnh, thành ĐBSCL được xây mới với tổng chiều dài hơn 2.500 km, xây mới gần 70 tuyến tỉnh lộ với 9.117 km, nâng cấp 23.218 km đường các loại, xây dựng 11.453 cầu, kết nối với hệ thống quốc lộ, toàn vùng đã xóa trên 4.000 cầu khỉ... Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Bùi Ngọc Sương cho rằng, thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng 10 năm qua chính là việc đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, các lĩnh vực trọng điểm như: thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực... cũng được quan tâm đầu tư phát triển. Nhờ được đẩy mạnh đầu tư các cơ sở hạ tầng giao thông đã giúp cho người dân trong vùng có điều kiện phát triển kinh tế, tăng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống. Trong 10 năm qua, đã có trên 630.000 tỉ đồng được đầu tư cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, trong đó có trên 140.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, còn lại là vốn huy động từ các nguồn lực xã hội.

Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “Trong 10 năm qua, vùng ĐBSCL đã được đầu tư hơn 15.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án thủy lợi, xây dựng kinh mương, cống thoát lũ, tăng cường khả năng cung cấp nước tưới, chủ động đối phó với tình hình hạn, mặn... Qua đó, đã giúp cho vùng ĐBSCL có điều kiện phát huy các lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, sản lượng lúa, trái cây, thủy sản của vùng đã có bước tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua”. Trên lĩnh vực đầu tư cho giáo dục, theo Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, cũng trong khoảng thời gian trên đã có trên 2.600 tỉ đồng được đầu tư cho việc phát triển các cơ sở giáo dục, kiên cố hóa trường lớp trong vùng. Mạng lưới trường lớp tại vùng phát triển khá nhanh, toàn vùng hiện đã có 12 trường đại học, 27 trường cao đẳng...

* Đẩy mạnh liên kết vùng

Tại tọa đàm, nhiều diễn giả cho rằng, trong thời gian tới các địa phương vùng ĐBSCL sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển do việc đầu tư phát triển (các cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục... ) trong thời gian qua hiện đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong khi đó, các địa phương trong vùng cũng đã có sự đổi mới tư duy, đề ra các kế hoạch và chiến lược phát triển hợp lý hơn. Tuy nhiên, để vùng ĐBSCL có thể phát triển nhanh và bền vững, đòi hỏi cần phải có sự chung tay giữa các địa phương trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại, nhất là những vấn đề mang tính chất chung của vùng mà từng địa phương riêng lẻ không thể giải quyết được. Mặt khác, hiện nay khó khăn lớn cho sự phát triển của vùng là cơ sở hạ tầng còn yếu kém và xuất phát điểm đi lên của vùng còn thấp, trong khi các nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, do vậy các địa phương trong vùng cần phải thực hiện tốt việc huy động các nguồn vốn đầu tư và các nguồn lực xã hội mới có thể thúc đẩy vùng phát triển nhanh...

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: “Các nguồn lực đầu tư từ Trung ương cho vùng còn có hạn, trong khi các địa phương trong vùng đang cần một nguồn lực đầu tư rất lớn. Do vậy, nếu chỉ trông chờ vốn từ Trung ương sẽ khó phát triển nhanh được, cho nên các địa phương trong vùng cần liên kết kêu gọi hợp tác đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn ODA cũng như thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư. Tuy nhiên, muốn phát huy tốt được các tiềm năng lợi thế chung của vùng và lợi thế riêng của từng địa phương, các địa phương trong vùng nhất thiết phải có sự liên kết với nhau trong các kế hoạch phát triển, chứ không thể tiếp tục làm kiểu cục bộ địa phương như trước đây, nơi nào cũng muốn có khu công nghiệp, sân bay, cảng biển...Thay đổi tư duy, đẩy mạnh thực hiện liên kết đang là một yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các địa phương trong vùng”.

Ông Trần Thành Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cũng cho rằng: “Liên kết vùng là quy luật tất yếu của sự phát triển. Các địa phương trong vùng muốn phát triển bền vững phải liên kết chặt chẽ với nhau, chứ phát triển theo địa giới hành chính từng địa phương mà thiếu quy hoạch liên kết vùng sẽ không phát huy được sức mạnh chung của vùng, không tận dụng được các cơ sở hạ tầng chung của vùng. Trái lại, các địa phương cạnh tranh với nhau, thậm chí cạnh tranh thiếu lành mạnh sẽ tự “giết nhau” dẫn đến triệt tiêu động lực phát triển cho vùng. Tuy nhiên, để liên kết vùng thành công, đòi hỏi phải có cơ chế chính sách cho vấn đề liên kết và phải có người đứng ra làm “đầu tàu”, trong đó người có thể đứng ra làm “đầu tàu” tốt nhất hiện nay chính là Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ”.

Lãnh đạo các bộ, ngành tham gia tọa đàm cũng đồng tình cần phải đẩy mạnh việc liên kết vùng và liên kết “4 nhà”, để phát huy tốt được các nguồn lực đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, chậm phát huy hiệu quả hoặc không phát huy hiệu quả gây lãng phí và hạn chế sự phát triển của vùng. Mặt khác, thực hiện tốt việc liên kết các địa phương trong vùng mới có thể tạo được sức mạnh chung, giải quyết tốt được các vấn đề về đầu ra nông sản luôn bấp bênh, vấn đề “thừa, thiếu” các khu công nghiệp, trường học...

Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ Bùi Ngọc Sương, thời gian qua Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã quan tâm nhiều đến vấn đề thúc đẩy liên kết vùng, nhất là việc liên kết về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ thông tin, ứng phó biến đổi khí hậu... Bước đầu, việc liên kết giữa các địa phương trong vùng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa việc liên kết, rất cần có một cơ chế chính sách gắn với trách nhiệm, công việc cụ thể của các bên liên quan. Hiện Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã phối hợp với các viện, trường xây dựng đề án liên kết vùng ĐBSCL về các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn như: việc sản xuất tiêu thụ lúa gạo, trái cây, cá tra và tôm, liên kết đào tạo nghề nông thôn... Tin rằng, khi các đề án này được hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ giúp cho các địa phương trong vùng có cơ sở thực hiện tốt hơn việc liên kết trong phát triển kinh tế, xã hội.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết