07/09/2015 - 22:18

Để doanh nghiệp sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng thay đổi để thích ứng với môi trường kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã được cụ thể hóa trong các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, ngay khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, Chính phủ ban hành nhiều chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã phải không ngừng thay đổi, vươn lên thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh quốc tế cũng như nắm bắt các cơ hội do thị trường toàn cầu đem lại. Những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam về cơ bản đã nhận thức được cơ hội nhờ hội nhập kinh tế mang lại. Cộng đồng doanh nghiệp Việt tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, nhất là sau khi gia nhập WTO. Nếu như năm 2002 cả nước có 63.000 doanh nghiệp thì năm 2014 tăng lên 400.000 doanh nghiệp (không kể số doanh nghiệp đã đăng lý nhưng chưa đi vào hoạt động). Tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp đã tăng hơn 10 lần, từ 1,4 triệu tỉ đồng năm 2002 lên 22 triệu tỉ đồng năm 2014 với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt 25,6%/năm.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hội nhập kinh tế quốc tế có thể tác động đến năng suất lao động của doanh nghiệp theo bốn kênh chính: Hội nhập kinh tế quốc tế giúp các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường các nước trên thế giới dễ dàng hơn, doanh nghiệp có nhiều điều kiện mở rộng sản xuất, tận dụng hiệu quả theo quy mô từ đó nâng cao năng suất lao động. Việc giảm hàng rào thuế và phi thuế quan theo tiến trình hội nhập sẽ gây áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Vì vậy, nếu doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh, nâng cao khả năng cạnh tranh đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận với nguồn nguyên liệu sản xuất nhập khẩu theo mặt bằng giá chung trên thế giới, cắt giảm chi phí sản xuất và từ đó gia tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể đem công nghệ hiện đại với năng suất lao động cao, tạo tác động cũng như sức ép, buộc doanh nghiệp trong nước cùng nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa được như mong đợi. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam khá thành công trong liên kết xuôi với những thành tựu xuất khẩu nhưng lại chưa thành công trong liên kết ngược khi các kênh đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vẫn còn khiêm tốn.

Việt Nam đang đàm phán các hiệp định trên nhiều lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đặt ra cho nền kinh tế cũng như cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần may Meko. 

Trên thực tế, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu là thấp so với nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực. Đó là các doanh nghiệp Việt Nam không đủ lớn về quy mô để có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đến nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là mục tiêu của gần 80 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ ở nhiều thị trường. Các vụ điều tra phòng vệ thương mại gây ra những thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, khó khăn chính của doanh nghiệp Việt khi phải đối mặt với các vụ kiện đó là do: doanh nghiệp chưa có hiểu biết về bản chất cũng như ảnh hưởng của các vụ việc; doanh nghiệp chưa có kỹ năng để đối phó, tham gia các vụ việc; chưa chuẩn bị tốt cho việc đối phó…

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 11 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương, bao gồm 6 FTA trong khuôn khổ hợp tác ASEAN và 5 FTA đàm phán với tư cách là một bên độc lập. Về cơ bản, FTA đã đóng góp tích cực vào quá trình thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao hiệu quả nhập khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và dịch vụ trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về những cơ hội thách thức mà FTA mang lại. Chẳng hạn, qua kết quả điều tra PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2014 của VCCI cho thấy, gần 30% số doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu tiên nghe tới TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương). Theo nghiên cứu của Đại học Kinh tế Hà Nội, các doanh nghiệp hầu như chưa biết nhiều về những nội dung cơ bản của AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN). Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, Viện Trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, cho rằng: "Những nhận thức còn hạn chế sẽ khiến doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang chiếm phần lớn tỷ trọng doanh nghiệp của Việt Nam, gặp khó khăn trong việc tận dụng được các ưu đãi và cơ hội đến từ AEC (ưu đãi về thuế quan, thủ tục hải quan, sự công nhận lẫn nhau đối với một số ngành, các ngành ưu tiên…). Đa số doanh nghiệp nhìn nhận AEC như cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu trong khi lợi ích này trong AEC tương đối hạn chế. Nguyên nhân thực trạng trên trước hết là do sự thiếu chủ động nắm bắt thông tin từ phía doanh nghiệp. Thiếu thông tin cụ thể, thiếu những hướng dẫn rõ ràng, thiếu các đầu mối giải thích cam kết… Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập còn thiếu và yếu, nhất là ở các địa phương.

Trong nhiều năm qua, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập đã được VCCI đẩy mạnh với nhiều nội dung thông qua các khóa đào tạo, tổ chức hội thảo, tọa đàm, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm về các vụ kiện thương mại tiêu biểu… Đối với ngành công thương, tích cực thực hiện các chương trình và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, đẩy mạnh chiến lược phát triển sản phẩm, ngành hàng cụ thể gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu có chiều sâu, hiệu quả bền vững. Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 7-7-2015 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế (Chỉ thị 15) đưa ra các nhiệm vụ. Đó là: tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng; tận dụng đà quan hệ đang phát triển với các nước để đẩy mạnh quan hệ trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích của nước ta, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo,… Dành ưu tiên cao cho tăng cường đoàn kết, thống nhất và nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Chỉ thị 15, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, chỉ ra rằng: Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu của Việt Nam. Việt Nam đang đàm phán các FTA trên nhiều lĩnh vực, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đặt ra cho nền kinh tế cũng như cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hạn chế lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam là chưa chủ động hội nhập, không nắm bắt đầy đủ thông tin liên quan đến hội nhập,… Do vậy các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có phương án, phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời tiếp tục mở rộng, đẩy mạnh đàm phán và đi đến ký kết các hiệp định mới. Trên cơ sở các FTA đã ký, cần có thông tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư để mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân chủ động xây dựng phương án chuẩn bị bước vào hội nhập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, tổ chức lại sản xuất, thay đổi phương thức quản trị, cải tiến máy móc mới hội nhập thành công.

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết