Những em thiếu nhi áo trắng, quàng khăn đỏ dần thành thạo và chuyên nghiệp trong tuyên truyền di sản văn hóa. Những câu chuyện về văn hóa truyền thống của Cần Thơ lại được kể sống động, tình cảm và tâm huyết qua những tuyên truyền viên “nhí”. Di sản Cần Thơ trở nên gần gũi với giới trẻ hơn bao giờ hết.

Phần giới thiệu làng nghề bánh tráng của Trường THCS Thuận Hưng đoạt giải Nhất hội thi.
Đó là không khí của Hội thi Tuyên truyền về di sản văn hóa trong học đường năm 2018 do Ban Quản lý di tích - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ phối hợp UBND quận Thốt Nốt vừa tổ chức tại Khu tưởng niệm soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền. Hội thi có 250 thí sinh, hầu hết là học sinh, đến từ 6 trường THCS trên địa bàn quận Thốt Nốt tham gia. Mỗi đội thi dàn dựng một tiểu phẩm, hoạt cảnh, qua đó giới thiệu về một làng nghề, di sản văn hóa hay danh nhân lịch sử của quê hương.
Đội thi Trường THCS Thuận Hưng mở màn và gây ấn tượng với hoạt cảnh về làng nghề bánh tráng Thuận Hưng. Đó là một chuyến tham quan của học sinh về với làng nghề, được nghe nghệ nhân giới thiệu về nghề truyền thống của quê hương, những thăng trầm của chiếc bánh quê. Còn với Trường THCS Tân Hưng, các em học sinh thông qua nghệ thuật sân khấu hóa đã khéo léo chuyển tải thông tin về làng lưới Thơm Rơm của quê mình. Hình ảnh những tấm lưới trắng ngần giúp ngư dân đánh bắt cá, những người làm nghề trọn đời nối nghiệp cha ông… được thể hiện trọn vẹn. Em Lê Hào, người dẫn chương trình hoạt cảnh, nói: “Nhờ tìm hiểu về làng lưới nên em biết rằng, bà con phải cực khổ lắm để mưu sinh và giữ nghề”. Còn em Trần Thị Thanh Trang, diễn viên trong hoạt cảnh, thì cho biết: “Trước giờ em không biết nhiều về làng lưới nhưng nhờ hội thi này, mà em tìm hiểu và biết rõ. Làng lưới mang nhiều giá trị văn hóa của cư dân vùng sông nước quê em”.
Các trường khác cũng mang đến hội thi những tiết mục đặc sắc: THCS Trung Kiên với đề tài về cuộc đời và sự nghiệp cố soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền; THCS Thới Thuận giới thiệu về đình Thới Thuận - ngôi đình vừa được xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố; THCS Thốt Nốt tái hiện cuộc đời Anh hùng Lê Thị Tạo và cô trò Trường THCS Trung Nhứt với đề tài “Tự hào Thốt Nốt anh hùng”. Điểm đáng ghi nhận ở hội thi là dù “cây nhà lá vườn”, do thầy cô và học sinh các trường THCS biểu diễn nhưng chất lượng khá tốt, các tiết mục đầu tư rất công phu. Nội dung thể hiện được chọn lọc, nghiên cứu kỹ nên chuyển tải kiến thức đến người xem. Câu chuyện chuyển tải không khô cứng, giáo điều mà là hoạt cảnh, múa, hát… rất dễ thương nên lôi cuốn người xem từ đầu đến cuối.
Điều còn lại sau khi cuộc thi này là giới trẻ sẽ thêm hiểu và yêu hơn di sản văn hóa quê hương, xứ sở. Các em đa phần “tuổi ăn, tuổi lớn” nên đôi khi chưa thật sự quan tâm đến di sản văn hóa, nhưng qua hội thi này, các em tự tìm tài liệu, tự biên tập bài thi và rồi những kiến thức ấy được lưu giữ trong ký ức các em thật tự nhiên. Em Phạm Phương Anh, học sinh lớp 8, Trường THCS Thốt Nốt, chia sẻ: “Quận Thốt Nốt có đường và công viên mang tên Lê Thị Tạo nhưng quả thật em chưa biết nhiều về nhân vật lịch sử này. Đến với hội thi, tham gia hoạt cảnh tái hiện cuộc đời cách mạng của bà, em hiểu biết và khâm phục trước tấm gương một nữ anh hùng của quê hương Thốt Nốt”. Cô Nguyễn Thị Thọ, giáo viên Tổng phụ trách Đội - Trường THCS Trung Nhứt, cho biết: Chuẩn bị hội thi, thầy cô chỉ lên ý tưởng, dàn ý rồi để các em tự tìm liệu, khai thác thông tin. Thầy cô chỉ là người hỗ trợ tổng hợp và thẩm định lại cho chính xác. Ý nghĩa hội thi vì vậy mà được lan tỏa rất nhiều.
Cùng với các hoạt động đưa giới trẻ tìm về với di sản, di tích, thì hội thi tuyên truyền về di sản văn hóa trong học đường là cách làm mới rất hiệu quả của Ban Quản lý di tích thành phố. Bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng Ban Quản lý di tích thành phố, kỳ vọng rằng, sau hội thi, những câu chuyện về di sản văn hóa sẽ được các em tiếp tục lan truyền trong trường học, bè bạn. Các em sẽ thật sự là “cánh tay nối dài” trong quảng bá và giới thiệu di sản trong cộng đồng.
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh