Hằng năm, Ban Thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh nhằm thu thập ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng như những thách thức, cơ hội mà DN đang gặp phải. Qua kết quả điều tra, Ban Thư ký sẽ báo cáo với Chính phủ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với mục đích chỉ ra những lĩnh vực quan trọng mà Chính phủ cần cải cách để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tại TP Cần Thơ, tháng 9-2009, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) tiến hành cuộc điều tra ở 40 DN tiêu biểu thuộc các ngành sản xuất, thương mại và dịch vụ (gồm 39 DN trong nước, 1 DN có vốn đầu tư nước ngoài).
 |
Đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN là góp phần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho DN (ảnh chụp tại Trung tâm Học liệu, Trường Đại học Cần Thơ). Ảnh: T. HÀ |
Theo đánh giá của DN được điều tra, môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung trong hai năm 2008- 2009 là tạm được và bước sang năm 2010 tình hình sẽ tốt hơn. Lẽ đó, 80% DN cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới. Bởi triển vọng của kinh tế Việt Nam rất thuận lợi qua những cải cách và mở cửa thị trường để gia nhập WTO, đồng thời Việt Nam có nguồn lao động trình độ tay nghề cùng với chi phí cạnh tranh. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Tổng thư ký CBA, cho biết: “Những cải thiện gần đây đối với môi trường kinh doanh mà DN đánh giá cao nhất từ hành động của Nhà nước chính là cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Việc tiếp cận tài chính cũng dễ dàng hơn trước, hệ thống thông tin, viễn thông và năng lượng, hạ tầng vận tải phát triển góp phần tạo thuận lợi cho DN”. Ngoài ra, DN cũng đề xuất để hoàn thiện môi trường kinh doanh, cần tiếp tục cải cách hành chính, bãi bỏ các giấy phép, quy định, thủ tục không cần thiết, không nhất quán; cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Bởi theo 65% DN được điều tra, cơ sở hạ tầng hiện tại vẫn là điểm kém nhất. Bên cạnh đó, cần quan tâm cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của DN.
Các DN cho rằng, kinh tế toàn cầu chưa bước qua thời kỳ suy thoái kinh tế cho đến cuối quí IV/2009, do hiện tại nhập siêu còn cao, trong khi xuất khẩu chựng lại. Tuy nhiên, biện pháp kích cầu của Chính phủ bước đầu đã ngăn chặn được đà suy giảm kinh tế và đang có chiều hướng phục hồi. Tại TP Cần Thơ, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến hoạt động của DN. Thể hiện rõ là qua các buổi đối thoại trực tiếp, những khó khăn, vướng mắc của DN được lãnh đạo thành phố chỉ đạo các sở, ngành quan tâm giải quyết rốt ráo. Nhiều DN lạc quan, khi sân bay Cần Thơ có đường bay quốc tế và đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ hoàn thành hy vọng sẽ có nhiều công ty trong và ngoài nước đến đầu tư vào Cần Thơ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ đem lại sự phát triển về nhiều mặt, trong đó có ngành công nghệ phần mềm.
Đánh giá về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2010 và kế hoạch của DN sẽ thực hiện, trong 40 DN được điều tra có 22 DN (55%) cho rằng sẽ tăng trưởng cao hơn, 11 DN cho là không thay đổi và chỉ có 1 DN nhận định nền kinh tế tồi tệ hơn hiện tại. Còn xét về các phương diện của môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, hệ thống thuế, quản lý thuế và quản lý kinh tế vĩ mô được coi là tốt. Song, các mặt yếu kém vẫn còn nhiều như: bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, hàng nhái, nguồn cung lao động có tay nghề cao, dịch vụ hành chính công, tiếp cận đất đai... Mặc dù, DN khá lạc quan với chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở địa phương. Tuy nhiên, để DN giữ vững và phát triển công việc kinh doanh cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng vừa góp phần thu hút đầu tư, vừa giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường.
Gia Bảo