26/06/2008 - 21:50

Để chợ phát triển bền vững

Những năm qua, kinh tế TP Cần Thơ liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Trong đó, ngành thương mại đóng góp không nhỏ vào mức tăng trưởng kinh tế của thành phố. Hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được xem là đầu mối quan trọng để phát triển thương mại. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống chợ vẫn còn nhiều bất cập. Đó là vấn đề quy hoạch chưa đồng bộ, hạ tầng, quản lý yếu kém chưa xứng tầm với hệ thống chợ của một thành phố lớn... Đây cũng chính là những yêu cầu cấp thiết phải giải quyết, nếu muốn mạng lưới chợ phát triển bền vững.

Bài 1: Chợ quá tải!

Xuống cấp kéo dài

Chúng tôi đến chợ Bằng Tăng (phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) khi cơn mưa đầu mùa vừa tạnh. Toàn bộ mặt bằng của chợ ngập lênh láng, người dân phải xăn quần đến đầu gối mới đi vào được trung tâm chợ. Nhiều năm qua, người dân ở đây phải mua bán trong cảnh chạy nắng, chạy mưa như thế.

Chị Trần Thị Lan, một tiểu thương bán thịt heo hơn 5 năm qua ở chợ này, bức xúc nói: “Khủng khiếp lắm, trời mưa chợ thành vũng nước to tướng. Chúng tôi phải tự lo chống ngập bằng cách dùng gỗ, đá, gạch kê nới hàng hóa cho cao để khỏi bị ướt. Chợ Bằng Tăng xuống cấp lâu rồi nhưng không hiểu sao chưa được sửa chữa, nâng cấp để người dân mua bán thuận tiện hơn”. Chị Nguyễn Thị Hạnh, bán rau, củ ở chợ này phàn nàn: “Nhà lồng chợ nhỏ xíu chỉ đủ cho hơn 10 sạp, trong khi đó nhu cầu mua bán ở chợ rất lớn nên không đủ chỗ cho tiểu thương. Tôi đành dựng lều ở ngoài, trời mưa là phải dọn hàng về nhà. Ước gì nhà lồng chợ được mở rộng hơn thì tốt cho việc mua bán của tôi quá”. Anh Trần Văn Hải, bán hàng tạp hóa ở chợ Bằng Tăng, cho biết: “Năm nào địa phương cũng cam kết nâng cấp, mở rộng chợ nhưng chỉ dừng lại ở việc khai thông cống thoát nước. Hỏi thăm, mấy ổng bảo chưa có kinh phí xây dựng chợ mới. Tiền thuế chúng tôi đâu có thiếu ngày nào. Vậy tại sao cơ quan có thẩm quyền không dùng tiền thuế đầu tư vào việc nâng cấp chợ, tạo điều kiện cho người dân mua bán tốt hơn?”.

Chợ Bằng Tăng có cách đây hàng chục năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Mặt bằng thấp, lót bằng đá, chợ như cái lòng chảo, cống thoát nước nhỏ, cục bộ không đảm bảo thoát nước, khi trời mưa nước luôn đọng vũng. Nước và rác ứng đọng nhiều ngày, bốc mùi hôi thối nồng nặc, gây mất vệ sinh môi trường. Nhà lồng chợ được làm bằng khung nhà tiền chế với diện tích chỉ hơn 20m2, chưa đáp ứng nhu cầu mua bán, người dân tự dựng lều, bạt che chắn làm chợ thêm nhếch nhác.

  Chợ Bằng Tăng xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: V.L

Về vấn đề này, ông Trịnh Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Long Hưng, cho biết: “Phường Long Hưng chỉ có chợ Bằng Tăng là trung tâm mua bán duy nhất. Do vậy, việc nâng cấp, mở rộng chợ là rất cần thiết. Mặc dù chợ đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng địa phương chỉ có thể khai thông cống thoát nước, thuê nhân công thu gom rác, còn việc nâng cấp chợ đã vượt quá sức của phường”.

Chợ xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường làm người mua không an tâm. Bà Lê Thị Thìn, ở xã Thới Hưng huyện Cờ Đỏ, nói: “Thực phẩm tươi sống bày bán trên mặt bằng có nước đọng vũng đen thui. Các chợ khác đều ở xa, tôi đành mua đại hàng hóa ở chợ này, nhưng cũng thấp thỏm lo khi ăn bị ngộ độc”.

Chợ thị trấn Thạnh An (thuộc trị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) là một trong những trung tâm mua bán đông đúc nhất của huyện Vĩnh Thạnh. Thế nhưng, chợ này cũng nằm trong “danh sách” các chợ đang xuống cấp của thành phố. Mái lợp của nhà lồng xuống cấp, dột nát nhiều chỗ còn mặt bằng chợ cũng bị sụp lún. Trong khi đó, hệ thống cống thoát nước hư hỏng, không đảm bảo việc thoát nước thải. Nhiều tiểu thương ở chợ này búc xúc trước tình trạng chợ không đảm bảo về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường dẫn đến việc mua bán ế ẩm.

Theo số liệu từ Sở Thương mại TP Cần Thơ, thành phố hiện có trên 100 chợ. Trong đó, có hơn 60 chợ kiên cố và bán kiên cố; 37 chợ tạm. Riêng ở khu vực nông thôn có trên 50 chợ, trong đó chỉ có 1 chợ kiên cố, số còn lại đều thuộc loại chợ bán kiên cố và chợ tạm. Đa phần các chợ bán kiên cố, chợ tạm đều thiếu khu vực xử lý nước thải, rác thải. Hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy...

Lòng lề đường biến thành chợ

Một vấn đề nan giải trong việc phát triển và quản lý chợ chính là tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường để mua bán. Thực trạng trên không chỉ gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm cho chính bản thân những người tham gia mua bán mà còn làm cho bộ mặt đô thị của thành phố trở nên lộn xộn.

Mỗi khi đi qua đường Hai Bà Trưng (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vào giờ cao điểm, người đi đường rất ái ngại vì cảnh mua bán lấn chiếm lòng, lề đường ở đây. Các chủ hàng mạnh ai nấy “xí phần” lòng, lề đường làm nơi bán hàng, còn người mua thì dừng, đậu xe “vô tư”, gây mất mỹ quan thành phố.

Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để mua bán diễn ra đã lâu nhưng việc lập lại trật tự ở đoạn đường này không đơn giản chút nào. Ông Thái Trung Lập, Phó Chủ tịch UBND phường Tân An, ngao ngán nói: “Địa phương kiểm tra suốt, nhưng khi lực lượng vừa đi khuất là người dân lại tái lấn chiếm. Đa số người lấn chiếm lòng đề đường là những người có thu nhập thấp, khi xử lý thì họ sẵn sàng để lại tài sản (hàng hóa) “thay” cho việc đóng phạt và hôm sau lại tái phạm tiếp tục”.

Chợ Cả Đài (phường An Cư, quận Ninh Kiều) hình thành tự phát mấy chục năm nay. Gọi là chợ nhưng thực ra đây chỉ là con hẻm số 22 (đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư) bị người dân tùy tiện lấn chiếm làm nơi mua bán. Lưu lượng người tham gia giao thông đông, hẻm nhỏ lại bị lấn chiếm gần hết mặt đường làm nơi mua bán, vì vậy mỗi khi đến đây vào giờ cao điểm, không ít người đi đường đành “bó tay”, phải lùi xe quay trở lại.

Việc lấn chiếm lòng lề đường để mua bán còn phổ biến trên nhiều tuyến đường của thành phố. Như đường 30 Tháng 4, quốc lộ 91B, quốc lộ 91, quốc lộ 80,... thậm chí trên một số cây cầu, người ta cũng đem rau, cá ra bày bán. Nhiều năm qua, các quận, huyện đều có kế hoạch duy tu, sửa chữa những chợ xuống cấp, “xóa sổ” cảnh họp chợ ở lòng lề đường, trên cầu nhưng xem ra chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân, theo nhiều địa phương, là do thiếu kinh phí, mặt bằng, vấn đề đào tạo nghề, giới thiệu việc cho những đối tượng “mua gánh bán bưng” còn hạn chế. Vì vậy, việc giải quyết tình trạng chợ lấn chiếm lòng, lề đường, chợ xuống cấp còn nhiều bất cập giống như “ném đá ao bèo”.

VÂN LÂM

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết