03/05/2021 - 23:32

Để cây mít Thái phát huy hiệu quả lâu dài 

Thời gian qua, nông dân trồng cây mít siêu sớm (còn gọi là mít Thái) tại nhiều địa phương ở ÐBSCL đã có thu nhập khá tốt từ loại cây trồng này. Tuy nhiên, với việc người dân đã và đang tiếp tục ồ ạt trồng mít Thái, cũng như giá cả đầu ra loại trái cây này có xu hướng sụt giảm, nhiều người không khỏi lo ngại cho tương lai của cây mít Thái. Ðặc biệt là khi nông dân thiếu liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp chế biến và nhà tiêu thụ sản phẩm.

Thu hoạch mít Thái tại vườn của ông Lê Văn Phước ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Thu hoạch mít Thái tại vườn của ông Lê Văn Phước ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Giá mít Thái giảm

Ông Nguyễn Hữu Thọ ngụ ấp Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ, có gần 5 công trồng mít Thái xen canh với cây sầu riêng, cho biết: “Gần đây, cây mít Thái không còn cho hiệu quả kinh tế cao như các năm trước do giá bán có xu hướng giảm. Ðồng thời, nông dân cũng bị thiệt hại “kép” về giá khi thương lái và các vựa thu mua mít khắt khe hơn trong áp dụng các tiêu chuẩn phân loại hàng, theo đó tỷ trọng mít được xếp vào hàng loại 1 với giá bán cao có xu hướng giảm, thay vào đó thì số lượng mít được xếp vào hàng loại 2, loại 3 hay hàng dạt lại tăng và có giá rẻ. Ngoài ra, do chưa rành về các kỹ thuật chăm sóc cây, cắt tỉa bớt trái và phòng trừ sâu bệnh nên nhiều vườn mít của nông dân hiệu quả kinh tế thấp vì mít cho năng suất và sản lượng trái không nhiều hoặc có sản lượng nhưng không đạt về chất lượng”. Anh Phạm Văn Kiệt, ngụ ấp Trường Trung, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, cũng cho rằng: “Giá mít Thái hiện không còn duy trì ở mức cao như các năm trước và trồng cây mít không dễ dàng có được thu nhập cao như nhiều người nghĩ. Bởi mít tuy là loại cây dễ trồng nhưng chi phí cho phân bón và đòi hỏi người trồng phải quan tâm chăm sóc, nắm bắt các kỹ thuật để cây cho trái đạt chất lượng, trái to và đẹp, đặc biệt là không bị bệnh xơ đen múi thì mới bán được giá cao, còn ngược lại thì giá rất thấp. Ðặc biệt, khi mít bị xơ đen múi thì hầu như không bán được mà chỉ có đem cho cá hoặc gia súc ăn”.

Các năm trước, giá trái mít Thái thường xuyên ở mức rất cao, với từ 40.000-55.000 đồng/kg. Ðặc biệt, trong các năm 2017, 2018 và 2019, giá mít có nhiều thời điểm lên tới 60.000-70.000 đồng/kg do được thương lái và doanh nghiệp thu mua để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây giá mít Thái không duy trì được ở mức cao như trước do đầu ra xuất khẩu gặp khó vì dịch COVID-19, cũng như do nguồn cung tăng vì nông dân tại nhiều địa phương phát triển diện tích trồng. Ðáng chú ý, năm 2020, vào những tháng đầu năm, giá mít Thái loại 1 có thời điểm chỉ ở mức 7.000 đồng/kg, còn thời điểm giá lên cao nhất đạt mức khoảng 46.000-48.000 đồng/kg được ghi nhận vào thời điểm tháng 11-2020 nhưng không kéo dài được lâu. Ðầu năm 2021 đến nay, giá mít Thái loại 1 dao động phổ biến từ 12.000-30.000 đồng/kg, riêng trong tháng 1-2021 (thời điểm cận Tết Nguyên đán), giá mít Thái loại 1 đã đạt mức cao 40.000 đồng/kg nhưng đã nhanh chóng giảm dần vào các tháng sau đó. Ngày 20-4-2021, giá mít Thái loại 1 (mít đạt chuẩn xuất khẩu, không bị xơ đen múi, trọng lượng 9 kg/trái trở lên ) tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Ðồng Tháp… ở mức 14.000-16.000 đồng/kg, còn mít Thái loại 2 ( từ 7kg đến dưới 9kg/trái) giá khoảng 9.000-11.000 đồng/kg, loại 3 (từ 5kg đến dưới 7kg/trái) giá 5.000-7.000 đồng/kg, hàng loại dạt (bán chợ) 2.000-3.000 đồng/kg.

Cần khuyến cáo kịp thời cho nông dân

Mít Thái là loại cây ăn trái ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Ðây là loại cây ăn trái có nhiều tiềm năng phát triển, giúp nông dân làm giàu và thực tế có nhiều nông dân đã trở thành tỉ phú nhờ cây mít Thái. Tuy nhiên, để cây mít phát huy được hiệu quả sản xuất lâu dài, đòi hỏi ngành chức năng cần kịp thời quy hoạch, tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm một cách căn cơ gắn với tăng cường tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Khuyến khích nông dân không nên trồng mít theo kiểu tự phát, chạy theo “phong trào” mà liên kết, hình thành các vùng sản xuất tập trung, có hợp đồng bao tiêu của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nhằm ổn định đầu ra sản phẩm và có điều kiện đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc và quản lý, phòng trừ sâu bệnh.

Ông Lê Văn Phước có 3ha trồng mít Thái ở ấp 2, xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Trồng cây mít Thái không quá nặng chi phí đầu tư ban đầu, cây mít có thể xử lý cho trái quanh năm, dễ thu hoạch. Thời gian từ trồng đến khi cây bắt đầu cho trái khá, với chỉ khoảng 12 đến 15 tháng. Vườn mít nếu được chăm sóc có thể đạt 20-25 tấn/ha/năm. Nhưng để trái mít đạt chất lượng và bán được giá cao, nông dân rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt kỹ thuật sản xuất và phòng trừ các loại sâu bệnh trên mít, đặc biệt là bệnh xơ đen múi vì chưa có thuốc đặc trị để phòng trừ bệnh này. Nông dân cũng cần được hỗ trợ trong kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu để có thể bán hàng trực tiếp, tránh phải phụ thuộc vào thương lái. Mặt khác, ngành chức năng cần liên tục cập nhật diện tích trồng mít tại các địa phương và nắm bắt nhu cầu thị trường để kịp thời thông tin, khuyến cáo người dân trồng mít trong cả nước, tránh tình trạng cung vượt cầu”.

Ðể giảm thiểu rủi ro và giúp đảm bảo hiệu quả sản xuất lâu dài người trồng mít Thái, đòi hỏi các bộ ngành Trung ương và địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để có các giải pháp hành động kịp thời. Ðặc biệt, cần rà soát lại diện tích mít Thái đã trồng, có định hướng cụ thể vùng sản xuất, tránh để nông dân phát triển “nóng”, sản xuất trên những vùng đất không phù hợp, có nguy cơ ngập úng trong mùa lũ và bị hạn mặn trong mùa khô. Kịp thời hỗ trợ trong liên kết sản xuất theo hướng quản lý vùng trồng được bao tiêu và hợp đồng sản xuất. Tăng cường quản lý giá cả và chất lượng nguồn cây giống và tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh tới người sản xuất, đặc biệt các giải pháp kỹ thuật cụ thể cho các hình thức khác nhau như trồng xen hay trồng thuần.

Dù có lo ngại về đầu ra của trái mít Thái trong tương lai nhưng do đây là loại cây dễ trồng và hiện giá sản phẩm đầu ra cũng tốt hơn so với nhiều loại cây ăn trái khác nên nhiều nông dân vẫn đang tiếp tục phát triển trồng mít Thái. Nếu như trước đây, diện tích trồng mít Thái tại các địa phương vùng ĐBSCL chỉ vài ngàn héc-ta thì nay đã tăng lên hàng chục ngàn héc-ta và dự báo còn tăng trong thời gian tới. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng cây ăn trái tại ĐBSCL đã liên tục tăng trong 10 năm qua. Năm 2010 diện tích cây ăn trái toàn vùng chỉ ở mức 287.300ha thì đến năm 2020 đạt 377.700ha, tăng 90.400ha, trong đó diện tích trồng mít hơn 30.000ha, tăng 29.800ha, với phần lớn là diện tích trồng mít Thái.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết