06/09/2016 - 20:51

ĐBSCL sẵn sàng chào đón đầu tư

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang cần gì? Đó là câu hỏi mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước thường đặt ra tại các hội nghị đầu tư, diễn đàn đầu tư do các địa phương, các bộ, ngành tổ chức để giới thiệu tiềm năng, kết nối đầu tư vào vùng ĐBSCL. Hội nghị đầu tư thường niên vào ĐBSCL (MekongInvest) năm 2016 sẽ diễn ra vào đầu tháng 11-2016 tại TP Cần Thơ đang được các địa phương kỳ vọng tạo nên sự thay đổi lớn cho nông nghiệp ĐBSCL từ chủ đề: "Cơ giới hóa nông nghiệp và đầu tư phát triển kỹ thuật thông minh".

Nhận diện thực lực

Ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, với sản lượng chiếm hơn 50% sản lượng cả nước về lúa gạo, thủy sản, trái cây… đã đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn cho quốc gia. Song, nông sản của vùng đa phần ở dạng thô, sản phẩm tinh chế không nhiều, trình độ công nghệ lạc hậu so với các quốc gia trong khu vực. Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, đối với ĐBSCL dù nhiều khâu có tỷ lệ cơ giới hóa cao, nhưng chủ yếu tập trung ở khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, sấy; cơ giới hóa một số lĩnh vực khác như: chăn nuôi, rau, trái cây còn hạn chế. Trong khi các nước trên thế giới đều xác định cơ giới hóa nông nghiệp là giải pháp quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy sự chuyển dịch lao động nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo tiền đề đột phá để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Theo thống kê của ngành chức năng, toàn vùng hiện có khoảng 2,8 triệu nông hộ làm nông nghiệp, nhưng việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất còn nhiều hạn chế, đơn cử như việc sử dụng máy kéo, thì 62 nông hộ mới có 1 máy kéo. Đó là chưa kể đến tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch nông thủy sản còn rất lớn. Do đó, cần chính sách ưu đãi đặc biệt để thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp ĐBSCL, tiến dần đến nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Cơ giới hóa sau thu hoạch là khâu yếu nhất của nông nghiệp ĐBSCL (ảnh: Lò sấy lúa tại Tiền Giang). Ảnh: NGUYỄN SỰ

Nhiều ý kiến cho rằng, ĐBSCL là điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn mới của cả nước và đang tạo ra hấp lực thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Tại nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư vào các địa phương vùng ĐBSCL, các địa phương đa phần tập trung giới thiệu các dự án mời gọi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi sản xuất nông nghiệp, cơ khí chế tạo… nhằm khắc phục nhược điểm của nền nông nghiệp sản xuất manh mún, không đồng đều về chất lượng. Tuy nhiên, khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) đặt câu hỏi cụ thể về quy mô dự án, thị trường tiêu thụ sản phẩm và tiềm năng mở rộng sản xuất, trình độ lao động… thì các địa phương chưa giải đáp thỏa đáng, nên dự án khả thi không nhiều. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng thời gian qua. Các chuyên gia xúc tiến đầu tư cho rằng, các địa phương cần nhận diện đúng thực lực của mình để xây dựng các dự án mời gọi đầu tư khả thi. Không thể dựa vào tài nguyên đất đai, nhân công lao động giá rẻ, ưu đãi thuế,… để mời gọi đầu tư, vì những yếu tố này khó tạo nên hấp lực mạnh cho các nhà đầu tư. Bởi đầu tư sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro, khả năng thu hồi vốn chậm, nếu dự án không khả thi, không có khả năng mở rộng thị trường, thị phần thì khó thuyết phục DN đầu tư.

Cần sự lột xác toàn diện

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, trong buổi họp báo giới thiệu sự kiện Hội nghị đầu tư thường niên vào ĐBSCL năm 2016 (MekongInvest), giới thiệu với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Thái Lan, New Zealand, Đài Loan, cùng các Tổng lãnh sự New Zealand, Thái Lan, Canada và đại diện Tổng lãnh sự Anh, Ấn Độ, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết MekongInvest đang là hoạt động xúc tiến quan trọng để gắn kết DN vùng ĐBSCL và DN các nước hợp tác thương mại, đầu tư vào ĐBSCL. Nhiều dự án lớn về giao thông, nhiệt điện, cảng biển trị giá hàng tỉ USD đã và đang được đầu tư tại ĐBSCL. Chính phủ đang kiến tạo chính sách phát triển mới và sớm đưa vào thực hiện tại vùng. Cùng đó, kết quả thu hút vốn FDI thay đổi lớn trong những năm gần đây, nếu như nhiều thập niên ĐBSCL chỉ đạt bình quân 5% về tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, thì năm 2015 đã tăng rất mạnh, đạt 13%. Trong 6 tháng đầu năm 2016, ĐBSCL thu hút 1,4 tỉ USD vốn FDI, chiếm 12% trong tổng vốn thu hút cả nước. Chính quyền địa phương rất năng động trong điều hành và dành nhiều thời gian hơn để trao đổi, chia sẻ cùng DN. Điều này đang tạo ra một cơ hội lớn để ĐBSCL thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế nhằm phát triển kinh tế trong những năm tới.

Còn ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư- Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ, cho biết, MekongInvest lần thứ nhất (năm 2014) có 9 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại ĐBSCL; lần thứ hai có 16 nhà đầu tư Nhật Bản đến tìm hiểu đầu tư; lần thứ ba 8 tỉnh, thành được kết nối về nông nghiệp công nghệ cao. MekongInvest lần thứ tư tập trung kêu gọi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi giá trị nông sản, thiết bị máy móc nông nghiệp. Cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định chung của Chính phủ và tùy theo địa phương có chính sách ưu đãi đối với địa bàn khó khăn, đặc biệt. Có thể khẳng định, thủ tục hành chính của các địa phương vùng ĐBSCL đã được cải thiện đáng kể thời gian gần đây. Và tại TP Cần Thơ, Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc đang rộng mở chào đón các nhà đầu tư lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí chế tạo. Vườn ươm là kỳ vọng lớn để tạo nên sức bật mới về công nghệ cao cho vùng.

Theo Ban Tổ chức, MekongInvest lần thứ tư sẽ có không gian để DN quốc tế và DN nông nghiệp Việt Nam tìm cơ hội giao thương để tìm hiểu và hợp tác cụ thể. Ban Tổ chức sẽ dành riêng khu vực triển lãm để 20 DN quốc tế trưng bày giới thiệu máy móc thiết bị, công nghệ ứng dụng mới trong ngành sản xuất nông nghiệp và chế biến nông thủy sản. Đồng thời mời 150 hợp tác xã sản xuất và 300 DN chế biến hàng đầu Việt Nam trong ngành nông thủy sản và các DN ngành có liên quan cùng tham dự triển lãm. Riêng Nhật Bản sẽ có một nội dung tại hội nghị để thảo luận cơ hội đầu tư, hợp tác công nghệ phát triển nông nghiệp giữa DN hai nước. Theo lãnh đạo một DN Nhật Bản, nhiều DN Nhật muốn đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Trong 3 năm gần đây, nhiều DN Nhật đã đến ĐBSCL để tìm cơ hội đầu tư vào nông nghiệp. MekongInvest lần thứ tư vào tháng 11 tới, nhiều DN đang háo hức đến vùng ĐBSCL để tìm cơ hội đầu tư, hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển đô thị. Các địa phương nêu cụ thể hơn về nhu cầu và chính sách của địa phương mình trong mời gọi đầu tư, chẳng hạn như: cần công nghệ gì, cơ chế chính sách, ưu đãi thuế, đất đai, hình thức đầu tư; các thủ tục hành chính của các địa phương.… để các nhà đầu tư có thể tìm hiểu và kết nối đầu tư.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết