28/10/2017 - 16:46

ĐBSCL cùng liên kết chia sẻ lợi ích 

Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, đảm bảo sinh kế cho người dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần sự kết nối mang tính vùng, liên vùng để thực hiện các quy hoạch phát triển tổng thể, quy hoạch ngành, lĩnh vực và có sự hỗ trợ tương tác lẫn nhau. Vượt qua các rào cản địa giới hành chính, mở rộng không gian phát triển để tăng hiệu quả đầu tư cho vùng là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Tăng kết nối các tiểu vùng

Chưa bao giờ vấn đề liên kết vùng, liên kết từng tiểu vùng trong khu vực ĐBSCL được đặt ra một cách bài bản và đầy quyết tâm như hiện nay. Trong tháng 9 và tháng 10-2017, các hội thảo khoa học về phát triển vùng Đồng Tháp Mười, phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL, phát triển vùng Tứ giác Long Xuyên nhằm tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước các giải pháp phát triển bền vững. Các địa phương đều đặt mục tiêu liên kết để tối ưu hóa các nguồn lực đầu tư, làm cho chiếc bánh lớn hơn, chứ không phải liên kết để chia nhỏ chiếc bánh.

Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ cùng tập đoàn Tiran Shipping kiểm tra mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên địa bàn thành phố. Ảnh:CTV

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, một số mô hình liên kết dần được hình thành, nhất là trong phối hợp xử lý vấn đề nguồn nước, phòng chống hạn mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số địa phương đã chủ động ký kết văn bản hợp tác, liên kết trong phát triển kinh tế-xã hội, điển hình như tỉnh Bến Tre đã ký kết hợp tác với TP Cần Thơ trong nhiều năm qua; đã hình thành liên kết ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp). Bến Tre cũng vừa tổ chức hội thảo và đang phối hợp với 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Tiền Giang xây dựng Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL... Tất cả những hành động cụ thể đó đã đặt nền tảng cho sự kết nối, hợp tác giữa các tỉnh, thành trong khu vực, tạo động lực chung để thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển toàn diện cho vùng.

Mới đây, tại tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo 3 địa phương Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp và TPHCM đã họp bàn để liên kết phát triển của tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khẳng định: Thủ tướng Chính phủ đồng ý và giao cho UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì xây dựng đề án. Với mục tiêu phát huy các giá trị bản địa và hệ sinh thái đất ngập nước; đề án thống nhất 5 chương trình liên kết gồm: Phát triển nông nghiệp; du lịch sinh thái; bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển cơ sở hạ tầng; chính sách liên kết và kêu gọi đầu tư. Thời gian qua dự kiến hoàn chỉnh trong quý IV-2017. Theo ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM, tiểu vùng Đồng Tháp Mười có nguồn nguyên liệu nông nghiệp dồi dào. Nếu doanh nghiệp TPHCM đầu tư nhà máy tại vùng thì hiệu quả hơn vì chi phí thấp. Song, để thúc đẩy vùng phát triển, Trung ương sớm đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận – Cần Thơ và đường sắt cao tốc TPHCM – Cần Thơ.

TP Cần Thơ cũng nỗ lực cùng An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang hoàn chỉnh đề án liên kết vùng Tứ giác Long Xuyên. Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, chính quyền thành phố sẽ phát huy tối đa nguồn lực hiện có để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để phát huy là trung tâm vùng ĐBSCL, thành phố cần hỗ trợ một số cơ chế. Ngân sách trung ương cân đối hỗ trợ để thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) mang tính chất liên vùng trên địa bàn thành phố cũng như các dự án mang tính chất vùng ĐBSCL theo Kết luận số 07-KL/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, phân cấp quản lý, điều chỉnh cục bộ trong quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tạo những điều kiện tốt nhất trong thu hút đầu tư và kêu gọi hợp tác đầu tư.

Đầu tư có trọng điểm

Theo ý kiến của lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, những liên kết, hợp tác trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao, do chưa có sự phối hợp đồng bộ, vẫn còn tình trạng tùy vào thế mạnh, cân đối lợi ích của từng tỉnh, thành để phát triển kinh tế địa phương. Những hạn chế này tạo ra lực cản cho liên kết vùng, kéo chậm quá trình phát triển của từng địa phương cũng như gây trở ngại trong thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của khu vực. Vì vậy, trong thời gian tới, đòi hỏi quá trình liên kết phải được thực hiện một cách sâu rộng và chặt chẽ hơn theo định hướng cụ thể, với những hành động thiết thực và phải có cơ chế ràng buộc trong thực hiện đối với các địa phương trong vùng. Hoạt động liên kết của từng tỉnh, từng tiểu vùng phải đảm bảo tuân thủ theo tổng thể chung, vấn đề lợi ích của từng địa phương cần được phân chia hợp lý để tạo sự hài hòa và đảm bảo liên kết bền vững.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết: “Thành phố tiếp tục nghiên cứu chính sách, phương thức tiếp cận thích hợp, vận động, thu hút đầu tư những dự án quy mô lớn, có tính lan tỏa và tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Thế mạnh của ĐBSCL là nông nghiệp, cần chính sách ưu tiên đầu tư vào nông nghiệp, thủy sản, tập trung vào dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường. Tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong nước, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, chế biến nông sản, thủy sản nhằm tăng sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm và khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”. Hiện nay, thành phố đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và có thể chuyển giao công nghệ sản xuất, cung ứng giống cho cả vùng ĐBSCL.

Đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu và những khó khăn về nguồn nước, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã vận động và được sự hưởng ứng tích cực của người dân trong triển khai cắt giảm diện tích sản xuất vụ 3. Sử dụng những loại cây trồng ít sử dụng nước thông qua mô hình tiên tiến như nhà màn, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel...; bước đầu ứng dụng mô hình nông nghiệp thông minh để giảm tác động của hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường bền vững.

Tỉnh Bến Tre đã nghiên cứu, ứng dụng các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn để hình thành và phát triển các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông Cao Văn Trọng, trong thời gian sắp tới, Bến Tre tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân. Đồng thời trao đổi, học tập kinh nghiệm với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL để các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nói riêng và khu vực nói chung phát triển bền vững và gắn kết theo chuỗi giá trị. Với những liên kết thiết thực này, ĐBSCL sẽ tăng thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào vùng.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết