06/07/2008 - 09:17

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số phải gắn với phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương

Trong 2 ngày 4 và 5-7, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác dạy nghề đối với người dân tộc thiểu số trong những năm qua, đề ra định hướng phát triển dạy nghề đối với người dân tộc thiểu số từ nay đến năm 2015. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với người dân tộc thiểu số, trong đó có chính sách ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề. Việc ban hành và thực hiện các chính sách dạy nghề đối với người dân tộc thiểu số đã có tác dụng tích cực, thu hút được nhiều người dân tộc thiểu số tham gia học nghề, tạo cơ hội cho họ tự tạo việc làm, tìm việc làm để góp phần xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những yếu kém, bất cập cần sớm khắc phục như mạng lưới cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của người dân tộc thiểu số, quy mô tuyển sinh còn ít, đào tạo nghề chưa sát với yêu cầu thực xã hội, chưa sát với nhu cầu của địa phương, chính sách dạy nghề đối với người dân tộc thiểu số còn thiếu, chưa đồng bộ, một số chính sách không còn phù hợp...Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, các địa phương cần sớm rà soát, xây dựng chương trình dạy nghề cho người dân tộc thiểu số từ nay đến năm 2015 sát với thực tế cuộc sống. Cần tuyên truyền, vận động để đồng bào đi học để có lợi cho gia đình, cho bản thân, cho xã hội. Dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số phải gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương; có chế độ đãi ngộ, nâng cao đời sống giáo viên dạy nghề miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện nay, mạng lưới các cơ sở dạy nghề ở cả ba khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ có 10 Trường Cao đẳng nghề, 43 Trường Trung cấp nghề, 110 Trung tâm dạy nghề cấp huyện, tăng 119 cơ sở so với năm 2001. Theo báo cáo của 41 địa phương có người dân tộc thiểu số đang sinh sống thì số người dân tộc thiểu số học nghề ngắn hạn, dài hạn, với trình độ sơ cấp và trung cấp nghề là 59.120 người, tăng 11.000 người so với năm 2006, trong đó chủ yếu là học nghề ngắn hạn. Các trường, trung tâm dạy nghề ở các vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số cũng đã thu hút được 20.195 giáo viên, với chất lượng từng bước được nâng cao, trong đó giáo viên có trình độ đại học trở lên ở các trường cao đẳng nghề chiếm gần 70%.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành 48 chương trình khung, 41 chương trình dạy nghề sơ cấp, dạy nghề thường xuyên cho các trung tâm dạy nghề của cả nước, phù hợp với đối tượng là người dân tộc thiểu số. Các trường dạy nghề công lập học sinh dân tộc thiểu số được học nội trú cũng được miễn học phí, các loại lệ phí thi, được hưởng học bổng, trợ cấp xã hội, các chính sách khác như học sinh trung học phổ thông dân tộc nội trú hiện hành trong cả nước. Đối với hệ học nghề ngắn hạn, các học viên cũng được hỗ trợ kinh phí thấp nhất cũng từ 300.000 đồng/người/tháng... Nhà nước cũng tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở giảng dạy, thực hành cho các trường, trung tâm dạy nghề đối với người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập như: các cơ sở dạy nghề chỉ tập trung ở các thành phố, thị trấn, các khu vực đông dân cư; dạy nghề chưa sát với nhu cầu nghề đào tạo của địa phương; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng so với yêu cầu...

QUANG HUY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết