15/12/2015 - 21:03

Vĩnh Long

Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nông sản

Vĩnh Long là địa phương có thế mạnh về cây ăn quả, sản xuất rau màu chuyên canh, lúa gạo… Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác ở ĐBSCL, thời gian qua việc tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân còn nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều giải pháp giải quyết đầu ra nông sản, góp phần ổn định sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân...

Giá trị sản xuất nông nghiệp ở mức khá

Năm 2015, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đã giành được những kết quả đáng ghi nhận, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của địa phương đạt 19.769 tỉ đồng (trong đó riêng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 17.288 tỉ đồng), tăng trưởng ước đạt 2%. Qua đó, đã góp phần mở ra triển vọng cho sản xuất nông nghiệp của địa phương trong năm 2016 theo hướng hàng hóa có giá trị cao, với nhiều vùng chuyên canh và thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Sản phẩm nông sản nông dân Vĩnh Long được giới thiệu với doanh nghiệp nhân Hội thảo "Liên kết tiêu thụ nông sản tỉnh Vĩnh Long".

Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm của Vĩnh Long trong năm 2015 đạt 180.437 ha. Cây lúa tiếp tục trúng mùa, năng suất và sản lượng đều tăng, bình quân 6,07 tấn/ha (tăng 0,7% so với cùng kỳ), sản lượng trên 1 triệu tấn (tăng 0,8% so với cùng kỳ). Cây màu phát triển khá trên cả diện tích chuyên canh và luân canh do duy trì được phong trào đưa cây màu xuống ruộng, đồng thời phát triển mạnh mô hình trồng màu xen trong vườn cây lâu năm. Theo đó, diện tích gieo trồng màu cả năm đạt 46.729 ha, sản lượng ước đạt 926.513 tấn. Toàn tỉnh hiện có 49.900 ha cây lâu năm, tăng 154 ha so với năm trước; sản lượng thu hoạch ước đạt 526.500 tấn, tăng 3% so với năm trước. Nhiều loại cây ăn trái phát triển mạnh như: cam sành, bưởi, cây nhãn cũng đã phục hồi sau dịch bệnh…

Theo nhận định của ngành nông nghiệp Vĩnh Long, việc tiêu thụ nông sản thời gian qua của nông dân trong tỉnh vẫn chưa cho thu nhập cao và ổn định, nguyên nhân do giá nông sản bấp bênh, mẫu mã không đồng đều. Qua thực tế sản xuất và diễn biến thị trường nông sản cho thấy còn nhiều bất cập... Ngành nông nghiệp đã và đang tìm nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức Hội thảo "Liên kết tiêu thụ nông sản tỉnh Vĩnh Long", nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu tiềm năng và năng lực sản phẩm nông sản tỉnh Vĩnh Long đến các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, hội thảo cũng kết nối cung cầu giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân với các doanh nghiệp. Theo ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Vĩnh Long có nhiều vùng nguyên liệu nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn có giá trị kinh tế cao như: xà lách xoong Bình Minh, khoai lang Bình Tân, chôm chôm Trà Ôn, bưởi 5 Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình… Chiến lược phát triển thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh đang từng bước được xây dựng nhằm mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế và nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm và phát triển thị trường…

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: Nói tới sản xuất nông nghiệp thì nghĩ ngay đến việc thực hiện liên kết 4 nhà, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản nông dân làm ra. Tuy nhiên, mối liên kết sản xuất tiêu thụ thời gian qua chưa đảm bảo được hiệu quả, điệp khúc "trúng mùa, thất giá" hoặc "trúng giá, thất mùa" liên tục xảy ra. Đối với Vĩnh Long, ngoài cây lúa, có thể sản xuất nhiều loại rau màu, cây ăn trái có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều sản phẩm gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản có một số sản phẩm đã được sơ chế, chế biến với giá trị kinh tế cao. Hiện nay, ngành nông nghiệp Vĩnh Long đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng cường mối liên kết tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh giá hàng nông sản cho nông dân. Khi thực hiện tái cơ cấu, sẽ tăng cường chuyển dịch cơ cấu, đưa vào sản xuất một số sản phẩm mới, lĩnh vực canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Hướng tới sản xuất sạch!

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cũng vừa kết hợp với Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT) tổ chức trao giấy chứng nhận cấp mã số vùng trồng (nhãn, chôm chôm, xoài) cho 6 hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, Hợp tác xã chôm chôm JAVA Bình Hòa Phước (diện tích 17,73 ha), Tổ hợp tác sản xuất nhãn tiêu da bò Tân Hạnh (diện tích 10 ha), Tổ hợp tác nhãn xuồng cơm vàng An Bình (diện tích 12 ha), Tổ hợp tác kinh tế vườn Hòa Lợi (diện tích 13,88 ha), Tổ hợp tác xoài núm xã Quới An (diện tích 58,94 ha) và Tổ hợp tác xoài núm xã Trung Chánh.

Sản xuất nông nghiệp an toàn là xu hướng mà nhiều địa phương trong cả nước đang đẩy mạnh áp dụng. Với việc cấp mã số vùng trồng, các nông dân Vĩnh Long đã có điều kiện sản xuất hàng nông sản theo hướng an toàn, có giá trị kinh tế cao hơn. Ông Dương Cánh Dân, Tổ hợp tác kinh tế vườn Hòa Lợi, cho biết: "Tổ hợp tác có diện tích trồng nhãn Edaw là 13,88 ha, với 50 hộ tham gia. Trước đây, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ qua thương lái, giá cả còn bấp bênh. Còn bây giờ, đã được cấp mã số vùng trồng, các thành viên tổ hợp tác đang hướng đến sản xuất theo VietGAP, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu được, qua đó tìm kiếm đầu mối doanh nghiệp để được tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn, ổn định đầu ra hơn…".

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II, Việt Nam có nhiều thị trường mới có thể xuất khẩu nông sản đi, nhất là các thị trường khó tính, yêu cầu rất khắt khe như: Mỹ, Nhật, Hàn quốc, Úc và một số nước châu Mỹ la tinh... Tuy nhiên, diện tích những vùng để được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP, VietGAP của Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung còn rất ít. Để có được giấy chứng GlobalGAP, VietGAP mất rất nhiều công sức. Do đó, khi thực hiện các chương trình mở cửa vào các thị trường khó tính này, Trung tâm kết hợp với phía Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… xây dựng chương trình làm sao hiệu quả, ít tốn kém nhất. Qua cấp mã số vùng trồng cho 6 đơn vị hợp tác xã và tổ hợp tác ở Vĩnh Long, đây là những nơi đủ điều kiện để xuất sang thị trường khó tính nhưng không quá tốn kém cho nông dân, chỉ yêu cầu nông dân thực hiện đúng quy trình VietGAP, đúng quy trình sạch dưới sự giám sát chặt chẽ của ngành nông nghiệp tỉnh. Thời gian tới, Trung tâm có thể cấp rất nhiều mã số cho nông dân, hợp tác xã trong tỉnh Vĩnh Long theo quy trình này…

Ông Nguyễn Hữu Đạt cho biết thêm: Đến nay, đối với thị trường Mỹ, chúng ta đã xuất được thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và hy vọng cuối năm nay mở thêm xoài và vú sữa. Với thị trường Nhật cũng mở được thanh long và xoài Cát Chu. Thị trường Hàn Quốc đã bán được thanh long và tất cả các giống xoài. Thị trường Úc bán được vải, hy vọng cuối năm nay là xoài và sang năm sau sẽ là thanh long…

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết